Hoa tóc tiên sẽ nở
Ngày nào Thảo Trang cũng đọc tin tức về dịch bệnh khắp nơi trên toàn cầu và lo lắng. Từ hôm Đà Nẵng trở thành tâm dịch và lan ra một số nơi, Thảo Trang càng theo dõi đều đặn hơn. Chị chú ý đến những tin liên quan đến bệnh viện, bác sĩ và cách khống chế dịch trong nước bởi chồng chị cũng là bác sĩ, tham gia chống dịch ở tuyến đầu cả tháng nay rồi.
Minh họa: Đinh Hương |
Mưa nhỏ vào lòng chị nhiều thương nhớ hơn. Đám cây lá ngoài hiên trở mình trong gió tơi bời như đang chà vào lòng những cồn cào. Tối qua, nhìn anh ngồi xổm ở hành lang khu cách ly ăn vội cốc mì tôm mà nước mắt chị trào ra. Cô y tá người quen đã gửi cho chị tấm ảnh đó. Chị chưa bao giờ tưởng tượng ra có một ngày, con người của xã hội hiện đại lại quay cuồng xáo trộn mọi thứ vì một thứ vi rút bệnh tật như thế này. Chị quờ tay sang bên cạnh theo thói quen. Không có anh và hơi ấm quen thuộc. Chị vùi má mình xuống gối, tay bông bông cậu con trai nhỏ mới đầy 2 tuổi.
- Mẹ ơi mở cửa cho con - Cô con gái học lớp 3 chạy từ phòng bà nội sang gõ cửa. Từ hôm bố đi công tác nó ngủ với bà nội cho bà vui. Cửa mở, con bé ôm lấy mẹ hỏi:
- Mẹ ơi, bố chưa đánh xong con vi rút à? Sao lâu về thế?
- À, chưa, phải một thời gian nữa bố mới về, bố dặn con rồi còn gì.
- Vâng, bố bảo con tưới cây tóc tiên, khi nào nó nở hoa thì bố về. Nó sắp nở hoa rồi đấy mẹ ạ, mấy cái nụ to luôn.
- Vậy à, rồi mai kia là nó nở thôi, bố sẽ về.
Thảo Trang kéo con bé lớn lên giường. Chị ôm con nghĩ đến hôm chồng tạm biệt cả nhà đến khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút. Anh nói với con là đi đánh đuổi con vi rút Co-ro-na, chiến thắng cái bố về ngay. Anh ôm tạm biệt ba mẹ con rồi đeo khẩu trang bước lên xe bệnh viện. Anh còn phẩy tà áo một cái thật mạnh giống như siêu nhân cho con gái vui.
Khi ấy Bống - tên thường gọi ở nhà của con bé - nhảy cẫng lên thích thú và vẫy chào bố. Đêm ấy chị đã khóc. Không phải vì anh đi vắng mà lo nhỡ đâu anh nhiễm bệnh rồi không về nữa... Mọi thứ đâu có phải mình muốn mà được. May mà vài hôm sau, lúc đỡ bận anh gọi video về cho bà và mấy mẹ con. Lần nào anh cũng cười tươi bảo "Ổn nhé. Đừng lo cho bố nhé, bố sắp về rồi". Vậy mà đã gần một tháng trôi qua. Chị xoa lưng Bống bảo:
- Con phải ngoan, bố vẫn đang bận đánh con vi rút, hôm nào thắng bố về luôn.
- Nhưng con nhớ bố lắm. Cuối tuần này là sinh nhật con rồi. Bố không mua quà cho con à?
- Có chứ, bố mua rồi, món quà sắp về đến nhà rồi.
Con bé tuột khỏi giường đi ra. Nó ngoái đầu bảo mẹ: "Bố không chết đâu mẹ nhỉ?".
Chị bỗng chột ạ. Sao con bé lại hỏi thế. Chị dậy dọn phòng và nấu ăn sáng cho bà nội Bống. Bà đang ngồi khâu lại cái váy búp bê bị rách. “Mẹ con Bống nhỉ, giờ chả ai mặc áo vá nữa mà khâu, ngày trước thời của mẹ còn trẻ, mặc quần áo vá là thường, mưa này là mang quần áo ra khâu vá”. “Vâng, giờ quần áo rẻ mẹ ạ, mẹ con hồi xưa cũng hay khâu vá lắm”. “Nghĩ lại khổ, lúc thằng Quân còn đang học đại học y, quần vá miếng to bổ chảng ở mông mà nó cũng không xấu hổ đâu, vẫn học giỏi lắm, giống tính bố nó, chăm chỉ, cần cù…”.
Rồi bà lơ đãng nhìn ra ngoài trời. Thảo Trang biết bà đang nhớ những năm tháng cơ cực khi xưa. Quân- chồng chị mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Còn mấy tháng nữa giải phóng miền Nam thì bố anh hy sinh, cuối năm ấy anh mới ra đời. Anh bảo, mọi hình dung về cha mình đều qua lời kể của mẹ và anh em họ hàng, bạn bè đồng đội của cha cùng nhiều tấm ảnh. Mẹ ở vậy nuôi Quân lớn lên trong trăm ngàn cơ cực, đắng cay. Cả họ chung sức nuôi Quân học đại học.
Ra trường, anh về bệnh viện tỉnh nhà công tác. Xông xáo, nhiệt thành, chỗ nào việc khó đều xung phong làm nên anh chẳng có mấy thời gian nghỉ ngơi. Mẹ nằm viện, mình anh xoay sở, may có mấy cô y tá trẻ cùng khoa sẵn sàng giúp anh. Phòng bệnh có 4 người, cạnh giường mẹ anh là một bà già bị xe ô tô tông gãy chân. Cô gái đến chăm mẹ rất tận tụy, tỉ mỉ, có thời gian là mang sách ra đọc.
Nhiều lần xong việc, anh qua phòng bệnh thăm mẹ đã thấy cô gái ấy đỡ mẹ anh ngồi dậy uống sữa. Nhìn cánh tay cô gái ân cần đỡ mẹ mình, anh chợt thấy một ý nghĩ ấm áp chạy qua. Đêm ấy anh trực, mẹ cô gái bị đau, cô gái đã gọi anh giúp đỡ. Anh ngồi bên giường bệnh hai bà mẹ suốt đêm. Câu chuyện của vị bác sĩ trẻ và cô gái sau đó xoay quanh chuyện sách vở, học hành. Trong một khoảnh khắc nào đó, họ đã chạm đến tâm hồn nhau vì hai người có nhiều sở thích chung.
Mẹ anh khen cô gái nết na mát tính, nếu anh ưng thì thử tìm hiểu xem. Anh khẽ mỉm cười. Cô gái ấy là chị. Chị nhận lời đi chơi với anh khi mẹ ra viện một thời gian. Anh đèo chị bằng xe máy cũ đi qua rặng cây ven hồ mùa lá trút. Gió đùa gửi khúc giao mùa dịu dàng. Chị ngồi ngắm anh, anh nói cho chị nghe về những khát vọng tuổi trẻ. Chị thấy lại cái cảm giác dễ chịu như hôm nhìn trộm anh qua vách kính. Người con trai ngồi giặt từng cái khăn lau cho mẹ một cách vui vẻ, trìu mến đã khiến chị nghĩ rằng anh sẽ là người tình cảm và có trách nhiệm.
Dưới hàng cây, anh nắm tay chị rụt rè. Chị yên lặng, kệ cho không gian xung quanh lắng lại. Hai người chính thức yêu nhau sau đó không lâu. Ngày anh ngỏ lời, nắng xanh một vạt bên sườn đồi. Nụ hôn khẽ khàng dường như còn mãi trong lòng. Năm sau thì đám cưới. Anh đùa, mẹ anh đã tán em cho anh từ hôm đầu tiên ở phòng bệnh cơ, mẹ bảo em chu đáo, sẽ rất chăm chồng con. Chị thì bộc bạch, mẹ chị cũng bảo cậu bác sĩ này xứng lấy làm chồng. Tiếng cười vang vang, niềm hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ.
Thảo Trang dạy tiểu học ở một trường gần nhà, ngày nào đi làm cũng đi qua nơi chồng làm việc. Mấy năm nay anh hay đi cùng đoàn công tác tăng cường đến những nơi xa xôi, gần nhất là đi phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân nghèo miền núi. Lần này là đi tăng cường chống dịch Covid-19.
…Reng, reng… tiếng chuông điện thoại vang lên, chị bứt khỏi ký ức.
Ôi, chồng gọi. Chị dịu dàng: “Vâng, em đây”. Anh gọi về chúc mừng sinh nhật con, quà của con anh nhờ chị mua. Anh dặn chị và mẹ giữ gìn sức khỏe, xác định chống dịch lâu dài, chừng nửa tháng nữa, hết thời hạn cách ly anh sẽ về. Cuối câu chuyện anh chợt chùng giọng nói: “Em cũng phải xác định tâm lý, nếu anh mắc bệnh, chẳng may không thể trở về thì em đừng đến đưa tiễn anh. Em phải khỏe để nuôi con”.
Chao ôi, đất trời như sập xuống. Thảo Trang nghẹn ứ trong lòng. Nước mắt chực trào ra. Anh bỗng dưng nói thế làm gì cho lo lắng. Nhưng có thể, anh nói đúng khi bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Anh và những đồng đội của mình ngày ngày tiếp xúc người bệnh, không ai biết trước điều gì. Thảo Trang bỗng im bặt. Tiếng anh pha trò đầu dây bên kia: “Đấy là lo xa, chứ bệnh nhân khỏi bệnh ngày một nhiều lên, mẹ con em chuẩn bị tinh thần đi, anh về là nhà ta liên hoan, anh sẽ hát tặng em bản tình ca còn nợ nhỉ”.
Thảo Trang hờn dỗi mắng yêu chồng mấy câu. Bản tình ca anh hát dở năm xưa trên đồi thông. Đang nằm xoài ngắm đất trời, nghe anh hát thì mưa ập đến. Hai người chân trần chạy vội về thị trấn. Đời thường cùng vô vàn diễn biến buồn vui dần trôi đi, các con ra đời rồi lớn lên mỗi ngày. Bài hát cũ cũng chìm vào hoài niệm. Thảo Trang từng ngồi rất lâu mân mê, ngắm nghía đôi bàn tay của anh. Nhờ bàn tay cầm dao mổ này mà bao số phận được cứu sống. Chị tự hứa sẽ chăm sóc chồng chu đáo hơn để có sức khỏe cống hiến cho sự nghiệp cứu người. Anh đi tăng cường đợt này lâu thật, anh kể có mấy bệnh nhân phải phẫu thuật nên anh không thể không đi.
Cuối tuần, con gái vừa đi học về đã gọi ầm lên. Thảo Trang đang nấu cơm trong bếp chạy vội ra sân. “Mẹ nhìn này, bố sắp về rồi đấy, hoa tóc tiên sắp nở đây này”- Bống bê chậu hoa tóc tiên lên mừng rỡ. “Đúng rồi, vài hôm nữa là hoa nở thôi mà”. “Con biết ngay mà, thể nào bố cũng đánh được con vi rút, con mơ thấy như vậy”. Thảo Trang bỗng rưng rưng, đúng là con gái yêu bố thật. Mà mẹ nó cũng đang nhớ bố nó quá chừng. Đợt này, dịch bệnh đã tạm lắng xuống. Chị liếc đồng hồ, chắc chỉ vài hôm nữa thôi anh của chị sẽ về. Đương nhiên là hoa tóc tiên của bé con sẽ nở.
Sáng nay mẹ lại dậy lúc bốn giờ như mọi ngày. Ngắm nhìn con trong giấc ngủ say mẹ thấy trào dâng một tình cảm rất kỳ lạ. Vừa hạnh phúc, lại vừa chua xót. Con có hiểu cho lòng mẹ không?
Nhài quyết quay lưng để dứt bỏ mối tình này. Hoa nhài vẫn thơm ngát ngoài hiên, mùa dịu dàng vẫn về quanh ngôi nhà của hai mẹ con nhưng trái tim Nhài thì đang vỡ ra, nức nở.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)