Hai chị em
- Cháu xuống xe đi, đến đường vào trường sư phạm rồi đấy!
Cô gái khẽ đáp:
- Dạ! Vâng ạ!
Người lái xe mở cửa nhảy xuống rồi trèo lên thùng xe chuyển hành lý xuống giúp cô. Người lái xe nhìn đôi mắt nai rừng như có nước mắt rơm rớm của cô gái, không nỡ đi ngay, ông vào hỏi bà chủ quán:
- Bác ơi! Bác cho em hỏi đường vào Trường Sư phạm miền núi với!
Minh họa: Hiền Nhân. |
Bà chủ quán giơ tay chỉ sang bên kia đường:
- Đây! Đường đây! Đi tắt qua đồi thông, đường mòn nhỏ cũng dễ đi .
Người lái xe cảm ơn bà cụ rồi bảo cô gái:
- Cháu ngồi quán nghỉ một lát rồi vào trường nhé! Chú còn phải đi xa cơ, việc thì gấp.
Chiếc xe đi xa, bà chủ quán mới nhìn kỹ cô gái:
- Cháu từ đâu đến, vào học trường sư phạm à?
Cô gái lý nhí:
- Dạ! Cháu ở Lục Ngạn ạ! cháu được gọi vào sư phạm.
Bà cụ thân mật:
- À! Nghe tiếng cháu nói, bà biết cháu là người vùng cao rồi! Xinh đáo để, da trắng, môi hồng, mắt sáng. Nhưng mà sao cháu đi học sớm thế?
Cô gái rụt rè:
- Dạ! Cháu tiện nhờ được xe lâm trường nên đi sớm một ngày ạ!
Bà cụ đon đả:
- Bà hỏi sớm là sớm tuổi ấy. Trông cháu nhỏ nhắn, thanh mảnh như chưa kịp thành thiếu nữ .
Cô gái thèn thẹn mặt đỏ bừng, xin phép bà đi vào trường. Cô khệ nệ bê theo hành lý. Cũng đã từng lên rừng, lội suối, nên cô vẫn còn có sức. Đến chân dốc, cô ngồi nghỉ. Thấy cũng mệt mệt, cô chọn con đường tắt, qua đồi thông đi tiếp. Lên khỏi chân đồi vài chục mét, nghe tiếng rì rào thông reo, tiếng tích tích chim sẻ tìm chỗ ngủ, cô gái mỉm cười: " Đẹp quá! Nên thơ quá! Y như quê mình rồi, không lạc lõng sợ hãi nữa!". Bỗng đâu xuất hiện 3 thanh niên tiến đến gần cô. Cô gái nhìn quanh: Vắng vẻ quá. Cô co dúm người. Ba thằng choai choai đứa giữ cái hòm, đứa cầm cái chiếu, nhăn nhở:
- Cô em xinh đẹp đi đâu mà có một mình thế này? Để bọn anh đem đồ cho!
Cô giữ chặt hành lý, mếu máo:
- Xin các anh! Các anh tha cho!
Chúng hô hố cười. Bọn trai trẻ có đứa đã định giở trò sàm sỡ.
Một tiếng quát rất to của một người phụ nữ:
- Dừng ngay lại!
Ba thằng choai choai nhìn người con gái 19, 20 mặc áo chàm, dáng chắc nịch. Thằng to lớn nhất xông đến. Cô gái ấy tung một cú đá! Nó gục xuống:
- Đau quá! Đau quá! Con này có võ.
Hai thằng kia mắt xanh lét dìu thằng bị đá mau chóng lủi đi trong nhá nhem tối. Dỗ cho cô gái trẻ nín khóc, "cô có võ" mới bảo:
- Sao em dại thế, một mình dám đi đường vắng?
Cô bé sụt sùi:
- Em tưởng như quê em, vào rừng vắng chỉ sợ thú dữ thôi. Ai ngờ . Em cảm ơn chị. Chị đã cứu em!
- Cảm ơn gì! Là chị vừa đi đến chân dốc, nghe tiếng em kêu cứu, chị bỏ đồ chạy lên. May kịp nhỉ? Bê giúp cô bé chiếc hòm, cô lớn tuổi hơn hỏi:
- Em nhập học sư phạm phải không?
Cô bé tròn mắt:
- Vâng! Sao chị biết ạ?
Chị cười:
- Chị đoán thế mà đúng! Chị cũng đi học sư phạm đây!
Cô bé bỏ đồ, ôm choàng lấy chị:
- May cho em quá! Chị cho em gọi chị là chị nhé!
Cả hai chị em hỏi tên, tuổi, quê, hỏi dân tộc nhau. Hóa ra cả hai cùng ở Lục Ngạn. Cô chị tên Lý, 20 tuổi, dân tộc Sán Chí, ở xã dưới đèo, cô em tên Hoàng, 17 tuổi, dân tộc Kinh ở vùng cao lâu đời - tập quán, phong tục như người Cao Lan, gia đình ở trên đèo.
May mắn quá, hai chị em đều được phân vào một lớp, cùng được thầy chủ nhiệm đưa xuống phòng ở. Thầy mở cửa rồi giao cho Lý chìa khoá:
- Đây! Phòng của 30 giáo sinh. Hai dãy sạp. Hai em đến sớm, được ưu tiên chọn chỗ nhé!
Thế là từ đó, cho đến khi ra trường, tận 3 năm, Lý và Hoàng nằm bên nhau. Đêm đầu tiên phần nhớ nhà, lạ giường lại bị rệp cắn, hai chị em không ngủ được, kể chuyện của mình cho nhau nghe.
- Chị rời gia đình từ năm 13 tuổi, học Trường Thanh niên dân tộc từ cấp 1, cấp 2. Nghĩa là chị tự lập, chịu khổ, hưởng sướng ở nội trú rồi! Vào đấy, học mót được vài bài võ để phòng thân.
Hoàng cười khanh khách:
- May cho em thế! Thế là chị phòng thân... em! Chị "mở hàng" đúng lúc!
Lý cười hiền lành:
- Nào ai muốn đánh đấm! Chớ nói với ai chị có võ. Người ta sợ, chị ế là mày “chít”!
Hoàng rúc rúc vào Lý. Lý nói một mạch:
- Từ lâu, chị muốn đi làm cô giáo. Lẽ ra đi từ năm ngoái. Nhưng giấy gọi đi học gửi về xã bị thất lạc. Mất toi một năm. Chị quyết tâm học sư phạm nên năm nay nộp đơn thi và đỗ. Chị ghi địa chỉ trường Thanh niên dân tộc Chũ nên mới nhận được giấy gọi. Thoả ước mơ rồi, vào phải chăm chỉ học, không thành cô giáo thì ngượng, thì khổ!
Còn em?
Hoàng thì thầm:
- Em đi sư phạm để trốn lấy chồng! Quê em con gái lấy chồng sớm lắm! Mẹ em chỉ sợ em ế. Mà em có biết ế là gì đâu. Thấy hết bà này đến bà khác đeo tay nải đến nhà mình, hỏi em, em lắc đầu, mẹ em dỗ dành suốt!
Lý ngắt lời:
- Đeo tay nải đến là sao?
- Như cái cây, cái sào buộc giấy, buộc vải trên đầu cắm ở nương để thông báo nương đã có chủ, cái nải nhà trai đem đến nhà gái, để lại được, là ba năm nhà trai phải lễ tết nhà gái rồi sau đó cô gái sẽ là dâu họ. Không đám trai nào dám đến nữa .
Lý tò mò:
- Chỉ có cái nải không à?
- Trong nải duyên có lá trầu, quả cau, 10 điếu thuốc con gà thắt nơ đỏ ngang lưng, túi kẹo bột, gói bánh nướng.
- Lễ chạm ngõ hay phết! Mỗi dân tộc mỗi khác! Dân tộc Sán Chí thì khác một tý. Chúng tao có cái sung đựng đồ giữ chỗ. Mày xinh đẹp lại có nghề may, khéo tay làm gì mà chả không bị vây bắt từ nhỏ?
Hoàng thủ thỉ:
- Mẹ em muốn em lấy chồng sớm, bố bảo để em học tử tế mới lấy được chồng tử tế. Em chả biết gì, thấy người lạ đến là khóc, bỏ chạy. Em học xong cấp 2, thầy hiệu trưởng đến nhà bảo bố mẹ em cho em đi học làm cô giáo để gieo cái chữ, cái khôn cho người xã mình. Thầy bảo: "Xã chưa có mấy người của mình là giáo viên, cháu nó lại sáng dạ, ngoan hiền, làm cô giáo sẽ đắt chồng đấy!". Bố em đồng ý, em cũng thích. Mẹ em phải thua nhưng không vui.
Cứ thế, hai chị em chuyện trò đến sáng.
Ba năm bên nhau, hai chị em coi nhau như ruột thịt, miếng no, miếng đói, có nhau. Chị Lý khoẻ, thẳng tính, tốt bụng, Hoàng mảnh mai, nhẹ nhàng, lại khéo nữ công, cả hai đều cởi mở sẵn lòng với các bạn trong lớp nên ai cũng quý.
Lý và Hoàng, ngoài chuyện bảo ban nhau học hành, còn có những chuyện làm nhau cười hay tức. Hoàng cũng là đứa nghịch. Nằm bên thì thấy chị Lý có hơi rượu nhưng nhìn xung quanh thì không thấy chai, lọ rượu. Đợi chị có việc ra ngoài lâu lâu, Hoàng và các bạn nữ lục lọi. Hoàng đoán chị để rượu trong hòm. Đồ đạc, tiền nong còn tiêu chung, nó biết chị chả bao giờ nghĩ nó ăn trộm. Nó lấy cặp tóc mở hòm của Lý. Đây rồi, chai rượu nâu nâu! Nó lấy ra. Cả bọn xúm lại, mỗi đứa thử một ngụm.
Đứa nào cũng lắc đầu, lè lưỡi: "Cay quá!". Thế mà đi tong nửa chai. Lý về thấy phòng sực mùi rượu, mặt các em đứa nào, đứa ấy ửng hồng, mắt lấm lét, linh tính mách bảo, Lý mở hòm kêu toáng lên: "Đứa nào? Đứa nào lấy chai rượu thuốc của tao? Khai mau!". Chả đứa nào lên tiếng. Lý nhìn Hoàng: "Con này! Chỉ con này thủ phạm!". Hoàng nhảy tót xuống nền nhà, chạy. Lý bảo: "Thuốc bóp xương khớp đấy, đứa nào tham ăn tục uống mà uống vào có bị làm sao đừng trách. Bà già này không cho thuốc giải đâu!".
Lúc ấy cả bọn khạc nhổ, chắp tay: "Em lạy chị! Em trót dại! Chị giải cho em!". Có đứa van vỉ, có đứa ri ri khóc. Lý quát: "Im hết! Đứa nào ngồi chỗ nào ngồi nguyên. Cấm thưa thầy chủ nhiệm. Làm sai là tao trị. Tao đi lấy thuốc giải". Cả bọn răm rắp nghe lời. Lát sau, chị về cầm trên tay một gói to to: "Đây, thuốc đây! Có phần cả, đừng tranh cướp!". Lại xúm vào, mở ra: "Kẹo lạc!". Chia nhau rau ráu nhai. Cười như nắc nẻ: "Thế này thì phải năng trộm rượu thuốc của bá để bá cho ăn thuốc giải thôi!". Lý lườm: "Đừng để có lần sau nha!".
Vào năm thứ 2, một lần hai chị em mượn được xe đạp, đèo nhau đi thị xã. Trên đường đi, Hoàng hỏi chị:
- Chị này! Có phải lớp mình nhiều bạn người dân tộc thiểu số nên các thầy chăm chút hơn? Khóc nhè nhớ nhà, thầy dỗ. Lười, ngủ sớm thầy đến mắng vui: "Các cô thành hết các cô tiên rồi!".
- Ừ! Cái xe hôm nay thầy cô cho mượn để đi giải ngố!
- Thần tượng thật! Các thầy vất vả mà vẫn vui, vẫn say sưa dạy và dạy hay! Chị em mình mai sau mong được bằng nửa thầy cô thôi nhỉ?
Hai đứa lang thang chơi trong thị xã. Ngồi ghế công viên, Lý hỏi:
- Thế nào, cái chuyện tay nải của mày ra sao?
Hoàng vân vê tà áo:
- Mẹ em có nhận của một người rồi chị ạ!
Lý tròn mắt:
- Mày có biết chàng không?
- Em cũng có biết. Người cùng xóm. Cũng học sư phạm miền núi ra, đang dạy ở Sa Lý chị ạ!
- Thế mày có tìm hiểu không? Có yêu không? Chợ tình Tân Sơn có dắt nhau vào lùm cây không?
Hoàng ấp úng:
- Không! Không! Không! Yêu thì không biết thế nào! Cầm tay còn không dám! Em có nhìn thấy. Đẹp trai chị ạ. Cũng thấy thinh thích. Nhưng anh ấy hẹn em không dám gặp, nói chuyện. Còn chạy. Chạy về nhà lại tiếc.
- Thế có thư từ không?
- Có! Người ấy có gửi!
Lý đấm Hoàng một cái thật đau:
- Cái con láo toét này! Tẩm ngẩm đấm chết voi. Dám giấu tao. Không chơi với mày nữa.
Hoàng quay sang ôm Lý:
- Em xấu hổ. Chị biết mà, em nhút nhát. Mà cũng chưa biết thế nào!
Hoàng mở túi, đưa thư cho Lý đọc. Đọc xong, Lý bẹo nhẹ má em:
- Chưa biết thế nào là thế nào! Mẹ đã nhận tay nải của họ rồi. Sau này hai đứa cùng trường, thế là "đôi lứa xứng đôi" rồi!
Hoàng thùm thụp đấm Lý, vùng vằng:
- Thế là chị bảo em là Thị Nở, nó là Chí Phèo à! Em không chơi với chị nữa!
Hai chị em cười rũ khiến những người ở trong công viên cứ chăm chăm nhìn họ.
Chơi chán, họ bảo nhau về. Đi mãi chẳng đến trường, toàn cảnh lạ. Hoàng chỉ lên quả cầu lấp loá quay quay trên cột cao:
- Chị ơi! Sáng từ trường đi, có cái này đâu?
Lý lẩm bẩm:
- Bị lạc rồi! Phải hỏi thôi!
Thì ra hai nàng giông thẳng lên Kép (Lạng Giang). Phải lộn lại thị xã, chứ không dám đi qua Buộm để về Lục Nam, về trường. Lại lạc nữa thì chết!
Cứ thế, hai chị em bên nhau, dìu nhau qua 3 năm sư phạm. Ngày ra trường, bịn rịn mếu khóc chia tay thầy cô, bạn bè, mỗi đứa đi mỗi ngả. Lý, Hoàng được phân công về Lục Ngạn. Về đến huyện, hai đứa đều xin thầy Trưởng phòng cho về một trường. Đây là ngôi trường làm cô giáo đầu đời cũng là suốt năm tháng dạy học của hai chị em. Lại bên nhau xây dựng nhà trường. Nó là máu thịt, là cuộc sống của hai chị em. Họ giúp nhau từng bài giảng, bảo nhau từng cách chăm học sinh yếu. Đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đều quý trọng họ.
Ngày Hoàng lấy chồng, Lý cũng phải ra tay mới thành. Chả là chồng sắp cưới của Hoàng, cái người con trai mẹ anh đem tay nải bỏ "giữ chỗ" ở nhà Hoàng ấy, năm 1981, từ trường anh vào bộ đội. Hoàng thương và yêu rồi, tình nguyện đợi chờ anh rồi! Hoàng ra trường tháng 8 thì tháng 12 (dương lịch) nhà anh xin dâu. Hai bên xem ngày cẩn thận, báo anh xin đơn vị về cưới. Ngày cưới, khách đã đến, cỗ đã bày, rượu đã uống. Nhưng anh không về được vì đơn vị hành quân nhận nhiệm vụ đột xuất. Đoàn nhà trai sang đón, Hoàng mới biết chàng rể không về kịp. Cưới vắng rể! Hoàng tủi thân tấm tức khóc trong buồng, kiên quyết không bước ra. Càng dỗ dành, Hoàng càng khóc. Lý hỏi chứ không dỗ dành :
- Thế từ khi đi bộ đội nó thư đều cho mày không?
- Có!
- Thế nó có bàn với mày ngày cưới không?
- Có!
- Thư gần nhất mày nhận là hôm nào?
- Hôm kia!
- Trong thư nó bảo về đón mày không?
- Có!
- Mày còn yêu nó không?
- Có!
- Thế là nó rất yêu mày. Nó chung thủy. Cả hai đang rất yêu nhau. Mày nhận yêu lính thì mày phải chấp nhận sự thiệt thòi chứ.
Hoàng òa khóc rồi theo Lý ra cửa. Pháo nổ! Tung bay muôn mảnh giấy hồng. Hoàng về nhà chồng trong sự đón đưa rôm rả của rất đông người. Vợ chồng Hoàng hạnh phúc lắm! Vốn là nhà giáo, xuất ngũ, về xã công tác, chồng Hoàng hiểu công việc của vợ, tạo điều kiện để vợ giảng dạy và xuống Trường Cao đẳng học nâng cao. Các con của họ ngoan ngoãn, giỏi giang, bây giờ cháu nào cũng trưởng thành. Hoàng đã thành bà nội, bà ngoại mà dáng vẻ, giọng nói vẫn trẻ trung.
Lý lấy chồng sau Hoàng một năm. Chậm nhưng cũng rất chắc, hạnh phúc gia đình mỉm cười với Lý. Cô không chỉ được chồng mà cả mẹ chồng yêu quý. Lý ngoài việc trường chu toàn còn sớm chăm lo kinh tế gia đình. Vợ chồng Lý có hẳn một hòn đảo nhỏ giữa hồ Cấm Sơn để chăn nuôi và trồng trọt. Trên chiếc xe máy cà tàng, Lý thường xuyên chở thức ăn gia súc hoặc trái cây ... vượt dốc, vượt đèo đi, về. Có lúc nhà Lý như một trang trại nông nghiệp. Trâu, bò thành đàn, lợn xuất chuồng có lứa mấy chục con. Các con Lý ở riêng cơ ngơi khá, có cả ô tô. Hai đứa theo nghề của mẹ làm Lý hài lòng.
Ngày Lý và chồng nghỉ ngơi, có làm lụng cũng là để cho khoẻ thì Lý đổ bệnh. Chồng đưa đi khắp nơi chữa trị, hay tin đâu có thầy thuốc giỏi, toa thuốc tốt đều tìm đến nhưng Lý đi lại vẫn khó khăn. Lý bảo chồng:
- Anh không phải đưa em đi đâu nữa, không khỏi được nhưng cũng không chết được!
Chồng Lý kiên quyết:
- Đừng thế! Phải chữa chứ!
Anh tìm đến vợ chồng Hoàng:
- Chú, dì nói Lý giúp tôi với!
Vợ chồng Hoàng nhận lời. Chưa kịp thuyết phục Lý thì họ được Lý thuyết phục:
- Biết mình, biết người trăm trận mới trăm thắng chứ? Bác sĩ bảo bệnh tao, tao biết rồi! Biết mà không bi quan sợ hãi đâu! Cái đầu còn tốt, con mắt còn tinh thì cái chân yếu tý vẫn còn may hơn ối người.
Để thuận cho vợ đi lại, chồng Lý bàn với vợ con chuyển nhà từ ven hồ ra xóm gần phố. Chuyển ra căn nhà 2 tầng kiên cố, có bếp, có sân rộng, có chuồng chăn nuôi, có vườn cây ăn quả rất rộng, Lý rất an tâm.
Bây giờ Hoàng thường xuyên đến chơi nhà Lý. Vài hôm không thấy Hoàng là Lý nhắn tin: "Chị sắp giận dì rồi đấy!". Có hôm đến, Hoàng véo von từ cổng:
- Đến nhà này, người chẳng đón, chỉ thấy đàn chó đón đưa!
Lý từ trong nhà nói ra:
- Mất con nào, dì chịu trách nhiệm. Như cái hồi trộm "rịu" của tao ở sư phạm ấy!
Thế là ngoài sân cười, trong nhà cười. Vui đáo để!
Vừa rồi, lớp sư phạm họp ở Sơn Động, kỷ niệm ngày ra trường, Hoàng dìu Lý đi. Đến nơi, bạn bè, cả trai, cả gái túa ra ôm lấy Lý. Nhiều đứa vừa cười vừa khóc. Từ Khe Rỗ, trên đường về nhà, Hoàng hỏi:
- Chị còn muốn đi đâu không, em đi cùng chị. Em là đôi chân của chị!
Lý trầm ngâm:
- Có! Chị muốn thăm thầy cô dạy mình ở Trường Sư phạm miền núi. Chị có ngày hôm nay là do công thầy, công cô. Làm thế nào để biết tin và địa chỉ thầy cô?
Hoàng gật đầu:
- Em đồng tình. Chị em mình hỏi thăm dần. Mà này chị, mở facebook may ra tìm được thầy cô! Nhất định chị em mình rong ruổi. Chuyến này không sợ lạc!
Nghe chuyện của hai bà giáo đã nghỉ hưu, chú lái xe mắt chớp chớp:
- Con bái phục hai bá. Chúng con ồn ào quá mà không nghĩ sâu, không nặng tình, nặng nghĩa như hai bá!
Anh hạ kính xe:
- Các bá nhìn kìa! Trăng hạ tuần vẫn vằng vặc sáng.
Truyện ký của Phạm Ngọc Lanh
(Tặng các cựu giáo sinh Trường Trung học Sư phạm miền núi Hà Bắc)
Ý kiến bạn đọc (0)