Giáo dục quốc phòng và an ninh: Đa dạng hình thức tuyên truyền, xây dựng các chuyên đề sâu
BẮC GIANG - Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN) trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố QPAN được nâng lên.
Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục QPAN phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Chỉ đạo các địa phương nghiên cứu đổi mới nội dung bồi dưỡng, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu theo từng lĩnh vực. Đồng thời, tích cực cập nhật các nội dung mới về phát triển KT-XH gắn với tăng cường, củng cố QPAN; chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; nhiệm vụ chính trị của địa phương… Công tác giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên được quan tâm.
Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác giáo dục QPAN tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). |
Bộ CHQS tỉnh và các địa phương chủ động phối hợp với các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn thực hiện giảng dạy môn giáo dục QPAN cho gần 100 nghìn sinh viên, học sinh. Tiêu biểu như Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), để tránh sự nhàm chán, khô khan, đội ngũ giáo viên áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới tích cực, gồm 5 bước: Đặt vấn đề, nêu giả thuyết, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, kết luận đánh giá. Đồng thời sử dụng nhiều giáo án điện tử, tránh thói quen truyền thụ một chiều, tăng cường trao đổi giữa giáo viên và học sinh. Các bài giảng được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh sống động về hoạt động QPAN nên cuốn hút học sinh.
Việc sắp xếp, phân phối chương trình, lịch học, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất, bình đẳng như các môn học khác. Được biết để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất, ngoài thời gian lên lớp chính khóa, Trường THPT Ngô Sĩ Liên còn tổ chức cho học sinh tham quan hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại một số đơn vị quân đội, tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn… Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2023 và 9 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Giang hoàn thành 100% chỉ tiêu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng theo quy định. Ngoài ra còn bồi dưỡng cho gần 120 già làng, trưởng bản và chức sắc, chức việc tôn giáo. |
Với chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trao đổi với hội đồng mục vụ các nhà thờ, trụ trì các chùa, người có uy tín trong tôn giáo trên địa bàn tỉnh để thống nhất mở các lớp bồi dưỡng theo cụm hoặc khu vực, bảo đảm phù hợp, tránh trùng vào các ngày lễ của tôn giáo. Phân công các đồng chí là cán bộ Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo trực tiếp giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng. Với cách làm đó, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng theo quy định. Ngoài ra còn bồi dưỡng cho gần 120 già làng, trưởng bản và chức sắc, chức việc tôn giáo.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân được xác định là nội dung quan trọng. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với những cách thức sáng tạo, bài bản. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và hệ thống ban tuyên giáo các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống trong các cơ sở đào tạo được nâng cao.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh phối hợp tham mưu biên soạn, biên tập, xuất bản cuốn sách “Những tập thể và cá nhân Anh hùng tỉnh Bắc Giang” thời kỳ 2004 đến nay; phối hợp biên tập, biên soạn cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập III (2005-2020)” và hồ sơ thời kỳ sơ tán của Tỉnh ủy Hà Bắc trong kháng chiến chống Mỹ (từ 1964-1973).
Theo đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với các lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên Internet, mạng xã hội. Duy trì có hiệu quả hoạt động các trang facebook, fanpage của Ban chỉ đạo 35 các cấp. Việc “phủ xanh” thông tin tích cực và “pha loãng” những thông tin xấu độc về QPAN trên Internet và mạng xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tư tưởng, nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp tuyên truyền trực tiếp, phát tài liệu thông qua các dịp tổ chức lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày hội tòng quân, diễn tập khu vực phòng thủ. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và lực lượng vũ trang thường xuyên sâu sát, nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân ở những địa bàn còn khó khăn nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Tiếp tục tăng cường tiềm lực, xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)