Giáo dục mầm non ngoài công lập: Khuyến khích đầu tư, tăng cường quản lý
Giảm tải cho cơ sở công lập
Việc thành lập cơ sở tư thục tiếp nhận trẻ dưới 36 tháng là giải pháp cần thiết đáp ứng nhu cầu đưa trẻ ra lớp ngày càng tăng hiện nay. Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND TP ban hành đề án xã hội hóa giáo dục mầm non giai đoạn 2017-2020 nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong các trường công lập trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển mạng lưới trường ngoài công lập, TP cân đối mỗi năm dành khoảng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm/lớp tư thục độc lập.
Một giờ học tại cơ sở mầm non Hoa Thủy Tiên, xã Song Mai. |
Với sự hỗ trợ kinh phí cũng như tạo thuận lợi về thủ tục, hồ sơ đã khuyến khích chủ đầu tư mở cơ sở mới. Tổng hợp của Phòng GD&ĐT, toàn TP có 17 trường mầm non công lập; 3 trường và 90 cơ sở độc lập, tư thục, tăng 17 đơn vị so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 12,5 nghìn trẻ toàn địa bàn thì có gần 2,6 nghìn trẻ đang học tại các nhóm tư thục; nhất là 100% nhóm nhà trẻ học ngoài công lập. Chị Nguyễn Thị Mai, phường Trần Nguyên Hãn chia sẻ: “Nhiều trường mầm non công lập quá tải nên tôi gửi con ở cơ sở tư nhân gần nhà. Ở đây trông cả thứ Bảy, thời gian đưa đón linh hoạt nên thuận lợi cho gia đình”.
Nhiều đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bố trí đầy đủ dụng cụ phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ như: Smile Kids (phường Hoàng Văn Thụ), Hoa Thủy Tiên (xã Song Mai), Hello Kids (xã Dĩnh Trì), Quang Anh (phường Ngô Quyền). Hiện có 70% trong tổng số nhóm trẻ trang bị camera phục vụ công tác quản lý. Chị Phạm Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Quyền cho biết: “Thực hiện sự phân cấp quản lý các cơ sở mầm non độc lập, tư thục, nhà trường thường xuyên hướng dẫn kỹ năng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia hoạt động chuyên môn của ngành”.
Khắc phục hạn chế, nâng chất lượng
Khảo sát tại một số cơ sở mầm non tư thục tại xã Tân Tiến, phóng viên nhận thấy còn không ít hạn chế. Đơn cử như cơ sở mầm non Cầu Vồng, ở thôn Trước có gần 20 trẻ ở các lứa tuổi. Ngoài chủ cơ sở có nghiệp vụ mầm non thì việc trông, chăm sóc trẻ, nấu ăn chủ yếu do hai phụ nữ ngoài 50 tuổi không có chuyên môn giáo dục mầm non đảm nhiệm. Cũng tại thôn này, cơ sở Kids Garden sân chơi nhỏ, khu nấu ăn chật hẹp chỉ khoảng 8m2, dụng cụ, gia vị dùng chế biến thực phẩm để lộn xộn. Cơ sở Gà Con ở thôn Ngò có gần 40 học sinh chia hai nhóm lớp, mọi hoạt động vui chơi, ăn và ngủ của trẻ đều tổ chức trong một phòng rất bất tiện.
Kết quả đợt kiểm tra của Phòng GD&ĐT TP mới đây cho thấy, tại địa bàn phường Dĩnh Kế, nhiều phòng học chưa bảo đảm diện tích, ánh sáng như cơ sở mầm non Tích Tích Tắc Popodoo, Ban Mai Xanh. Việc bố trí thiết bị điện, ổ cắm ở một số nhóm lớp chưa phù hợp, có thể gây mất an toàn cho trẻ (cơ sở Hoa Hướng Dương Minion). Do thiếu nghiệp vụ nên công tác quản lý hồ sơ của những đơn vị này còn lỏng lẻo; thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi...
Đó cũng là tình trạng phổ biến ở giáo dục mầm non ngoài công lập. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, nhân viên không ổn định; ít được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phương pháp giáo dục mới. Việc trẻ phải học ghép một lớp ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, giáo dục theo từng độ tuổi. Lo ngại hơn, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập có nguy cơ cháy nổ cao bởi chủ yếu cải tạo từ nhà ở, tổ chức nấu ăn trong nhà trong khi nền thường trải thảm, xốp, nhân viên chưa được trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Ông Ngô Minh Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Phòng đang phối hợp với UBND phường, xã kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất hoạt động của các cơ sở GDMN. Với những trường hợp không đủ điều kiện, Phòng yêu cầu khắc phục, xử lý nghiêm nếu tái diễn vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần quan tâm nâng cao kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác trong đơn vị mầm non, nhóm trẻ tư thục để bảo đảm chất lượng của giáo dục ngoài công lập.
Quế Thương
Ý kiến bạn đọc (0)