Giàn mướp đã nở hoa
BẮC GIANG - Mấy bạn già ngồi uống trà và chuyện vãn với ông bà Chu, tại phòng khách tầng một. Trà đang thơm ngon, chuyện đang rôm rả thì thằng cháu ông Chu từ trên tầng reo gọi rất to:
- Ông ơi! Mướp nở hoa rồi!
Ông Chu đặt cạch chén trà xuống mép cái bàn nhỏ, run run đứng dậy:
- Xin lỗi các ông! Các ông cứ ngồi, chờ tôi, lát tôi xuống!
Ông vội vàng leo lên gác. Leo là đúng đấy. Cái nhà ống của ông mặt tiền có hơn 3 mét, chiều sâu cũng chỉ 12 mét nên thang gác vừa nhỏ, vừa dốc, lên tầng phải bám, phải vịn như bám, đẩy vào thành. Bà thấy ông lên tầng thượng cũng lật đật lên theo. Mấy ông già nhìn nhau:
- Có việc gì thế nhỉ?
- Thì ta nghe rõ tiếng thằng Lượng rồi mà! Chắc trên tầng thượng, cây mướp nhà ông ấy ra hoa!
- Ớ ờ! Nhà giáo dạy Toán có máu nghệ sĩ, tưởng là trên gác ông trồng quỳnh, trồng nhài để đêm chờ hoa bung nở, trồng lan để sớm sớm ngắm phi điệp, hồ điệp khoe hương sắc, đằng này lại là mướp, dù có là mướp hương... Bất thường thật!
Minh họa: Hiền Nhân. |
Đang đứng ngắm bông hoa mướp bắt đầu hé cánh vàng khỏi nụ, nghe vo ve tiếng ong mật và nhìn mấy cánh bướm dập dờn, thấy bạn lên, ông Chu chỉ tay:
- Vườn trong phố của tôi đấy!
Mọi người nhìn nhanh: Gốc mướp mọc lên từ chiếc chậu sành to, đầy đất; cạnh đấy là bao phân vô cơ tổng hợp, thùng đựng nước tưới ngâm bã chè, bã cafe.
- Này! Tôi chả thấy lão làm việc nặng bao giờ thế mà lỉnh kỉnh bê lên đây đủ thứ, có mấy thứ nhẹ nhàng đâu, rồi cả ghế, bàn uống nước nữa.
- Lão khéo tay phết nhỉ? Giàn mướp toàn bằng tre. Cột, khung bằng tre đực nguyên cây, còn giàn thì tay tre nho nhỏ róc hết gai. Ở thành phố mà kiếm đủ ngần này tre cũng không phải là dễ. Bắt mắt thật! Kìa, ngọn mướp vươn đến đâu, tay mướp đưa ra bám chặt vào cành tre đến đấy. Lá xanh mới che chừng một phần ba giàn mà nụ, mà hoa đã bắt đầu ra.
Bà chủ dịu dàng:
- Mướp nó kén giàn các bác ạ. Phải là giàn tre gỗ. Giàn kim loại đẹp đến mấy, hiện đại, tốn tiền đến mấy chị chàng vẫn sợ, vẫn chê.
Ông Chu mời mọi người ngồi:
- Mấy hôm nữa là mời các cụ ngồi đây ngắm hoa, quả mướp nhé! Mà kìa, thích ngắm lan thì tôi cũng có mấy giò Trầm tính, Hoàng thảo kèn. Không gian, diện tích tôi ưu tiên cho mướp.
- Này ông! Tại ông chăm mướp, ngắm mướp như chăm, như ngắm cây cảnh, hoa cảnh quý hiếm vậy?
Nghe câu hỏi của ông Công, ông Chu bảo mấy đứa trẻ xuống dưới nhà đem chè, nước lên.
- Chuyện dài dài, các ông muốn nghe thì ta ngồi đây chơi, xuống nhà dưới có ai đến lại phải ngừng chuyện.
Lũ trẻ đã lên, định xin phép các ông đi xuống thì ông nội chúng bảo:
- Các cháu ngồi đây! Ngồi đây để cùng nghe chuyện của ông. Cũng đã đến lúc các cháu cần được nghe chuyện ngày xửa, ngày xưa. Đứa lên lớp 12, đứa vào lớp 10 rồi!
Rót trà vào chén mời từng người bạn xong, ông Chu thong thả:
- Các ông chơi với tôi các ông đều là người tinh tường, nhạy cảm. Đúng đấy! Tôi là người thành phố vốn chả biết, chả để ý gì đến chuyện nhà nông. Cày trên trang sách, trên giáo án, trên bục giảng thôi. Thế mà mấy mươi năm nay, năm nào tôi cũng trồng mướp. Lấy hoa để ngắm, lấy quả, lấy nụ để ăn nhưng chính là để nhớ bố tôi, là nhớ lời răn dạy của bố tôi.
Ông Chu ngừng lời. Mọi người nhìn ông, yên lặng.
- Giờ phút cụ sắp đi, anh em tôi quây quanh cụ. Cụ nhìn từng đứa, âu yếm rồi ra hiệu bảo chúng tôi đến gần. Nghĩ là cụ dặn dò, nhắc nhở, trăng trối điều gì, chúng tôi đều cúi thấp đầu, lắng nghe. Cụ thều thào hỏi: "Cây mướp bố trồng đã ra hoa chưa?". Anh cả tôi nắm chặt tay cụ, thưa: "Bố ơi! Mướp có hoa rồi!". Cụ nhoẻn cười: " Tốt! Tốt rồi!". Rồi cụ lặng lẽ về với tổ tiên.
- Cụ trồng mướp à ông?
- Vâng, cụ tự tay trồng. Ở phố nhưng nhà bố mẹ tôi rộng, có vườn. Cụ trồng nhiều cây cảnh và cả cây mướp.
- Sao cụ lại trồng mướp?
- Cụ trồng là vì tôi đấy!
Tuy đầu của các bạn ông đều gật gật nhưng ánh mắt của họ lại là sự tìm hiểu. Ông Chu đọc được điều ấy nhưng lại nhìn sang hai thằng cháu:
- Sáng nay các ông bạn ông vừa chúc mừng và cho quà các cháu. Chất có giải Quốc gia môn Toán. Lượng môn Toán cũng đoạt giải cấp tỉnh lớp 9, vào trường Chuyên. Thế là mừng. Thế là vui với ông bà. Nhưng ông nói thật, chưa là gì đâu đấy nhé, đừng có kiêu ngạo. Chớ đi vào đoạn đường đầu đời của ông nhé.
Chất và Lượng cùng ôm
lấy ông:
- Dạ! Dạ!
Ông cười nhìn các bạn già:
- Các ông biết đấy, tôi may mắn sinh ra trong gia đình trí thức. Cha tôi, anh, chị tôi và sau này là các em tôi đều là những người học, làm việc cũng được gần xa biết đến và nể trọng. Năm lớp 7, lớp 10 (hệ cũ ), tôi đều đoạt giải nhất môn Toán miền Bắc. Vào Đại học Tổng hợp tôi cũng là sinh viên xuất sắc. Nói thật là lúc tốt nghiệp, vì tình thế mà tôi phải về đây dạy học, chứ nào tôi có thích, có mê. Vì cái hồ sơ đẹp, tôi được phân về dạy Toán ở đây. Nói thật nhé, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nghĩ là mình về đây là uổng phí trình độ. Ấy là có những bài toán nâng cao, lấy ra từ cuốn sách bài tập Toán nguyên bản tiếng Nga, các "lão làng", kể cả "cây đa cây đề" trong "ngũ hổ Toán" của tỉnh bó tay, thì chỉ mình tôi giải được. Từ đó tôi nghĩ mình là nhất. Tôi lên lớp không giáo án; có soạn cũng là soạn đối phó. Bài giảng tôi nhìn qua sách giáo khoa là đã thuộc làu.
Ông Minh xác nhận:
- Cùng về trường một năm với ông, tôi môn Lý, ông Toán, tôi còn nhớ, ông Hiệu trưởng không tiếc lời khen ông, nói trước hội đồng: Lứa giáo viên trẻ 8 người này, ai cũng khá nhưng ông là số 1, ông là người tài.
- Mà này! Ông không chỉ nổi tiếng về Toán mà còn nổi nhiều thứ khác, như nhạc, như hoạ, lại cả làm thơ và bình văn. Bình văn, hiểu văn Đông, Tây, kim, cổ thì thôi rồi, nhiều thầy cô dạy Văn còn thua.
Cười sảng khoái. Các ông bà già cười. Hai thằng cháu cũng cười.
- Chết ở cái tấm tắc của mọi người đến tai tôi về sự "nổi tiếng" đấy! Tôi cảm thấy mình hơn hẳn, khác lạ những người xung quanh. Tôi tâm đắc với lời thầy Trần dạy Văn giỏi nhất tỉnh: "3 dấu hiệu nhận ra giáo viên giỏi là: Kiêu; sẹo; cô đơn". Chữ kiêu thì dễ hiểu nhé, là kiêu hãnh, ừ kiêu ngạo cũng có. "Sẹo" là có vết, có tật. Giỏi thì hay có tật! Còn cô đơn? Là không xếp cùng hàng với ai, là do mình nổi trội. Tôi ngẫm mình đủ cả 3 cái ấy các ông ạ! Và lại tự bênh mình: Giời cho mình thế, chứ mình làm ra đâu. Nhiều người không thích tôi, cho là tôi lập dị. Kệ! Không thích thì không chơi! Tôi vốn kén bạn và ít bạn.
- Ông nói thế nào ấy chứ? Ông nhiều bạn mà. Bạn nghề có, bạn văn nghệ, bạn khoa học có.
Ông Chu tủm tỉm cười:
- Là sau này, khi tỉnh ra tôi mới có. Cả có bạn và tính nết. Có phải không nào, mãi sau này các ông mới chịu chơi với tôi?
Ông nọ nhìn ông kia, cũng cười tủm tỉm.
- Hồi ấy tôi sống khép kín. Tôi như người của thế giới khác. Bố mẹ tôi, anh em tôi phát hoảng vì tôi thành tâm nói với gia đình là quyết không lấy vợ. Hỏi lý do, tôi nói gọn lỏn: Không phù hợp, sợ phụ nữ làm hỏng sự nghiệp!
- Nghiêm trọng thế cơ à? Ấy thế mà giờ có vợ đẹp, con cháu khôn, lại sống cuộc sống thường dân như chúng tôi.
- Có hai người đánh gục tôi, thổi bay áng mây lơ lửng mà tôi đứng trên đó để rơi xuống đất. Đó là một cậu học sinh và bà Thủy này. Hai người ấy lại là chị em họ.
Nhấp giọng sau khi uống xong chén trà, ông Chu khẽ khàng:
- Năm ấy thi học sinh giỏi Quốc gia. Tôi được cử đi coi thi ở tỉnh ngoài, một tỉnh miền núi. Sau khi phát đề cho học sinh, tôi cầm đề chính thử giải. Đề có 5 bài. Các ông biết thế nào không? Lúc đầu tôi nhìn đề, chấp hành quy chế, tôi chỉ giải trong đầu. Không được! Không làm được bài nào! Sau liều, cầm bút. Mồ hôi đẫm lưng chỉ giải được một bài. Thu bài không cả nhìn xem trò họ làm được không. Đem bài về nộp láo pháo nghe tiếng giáo viên sở tại: "Đề Toán năm nay khó thế! Mình chỉ làm được già nửa!". Mặt thì lạnh tanh nhưng trong đầu đã gợn gợn, buốt buốt. Thì ra ngoài đường "khối kẻ còn giòn hơn ta"! Coi thi xong, phi ngay về trường. Học trò nhìn thấy thầy xúm lại. "Thầy ơi! Em không làm được bài nào!" ."Thầy ơi! Em làm mỗi 2 câu thôi!". Tôi nhìn không thấy Quang, thằng bé giỏi nhất trong đội. "Quang có việc xin về nhà ngay rồi thầy ạ!". Tôi động viên các em: "Thi cũng là thử sức, là để rèn tiếp. Không làm được bài nào hoặc chỉ làm vài bài là bình thường, tỉnh mình từ xưa đến nay có được giải Toán nào đâu, dù là khuyến khích. Năm nay đề cực khó, thầy có thi thì cũng không được giải".
Hôm sau, Quang đến, tôi giật mình vì Quang bảo giải trọn được 3 bài, làm dang dở một bài. Tôi bắt Quang viết lại. Nó vừa giải tôi vừa xem. Nó viết đến đâu, người tôi run đến đấy! Nó là thầy mình rồi! Mình đứng yên hay tụt hậu rồi! Sự tự mãn đã làm hại tôi. Tôi biết là Quang sẽ đoạt giải. Đúng thế. Quang là học sinh đầu tiên của tỉnh đoạt giải Toán Quốc gia. Quang là học sinh của tôi nhưng kết quả này đâu phải do tôi dạy? Đi coi thi, tự ngượng với thầy miền núi, về trường mừng cho trò nhưng lại buồn cho mình. Chính cuộc thi này, chính là trò Quang giúp tôi nhận ra tôi. Thì ra, tôi cũng thường thôi, rất thường là khác. Tỉnh phát thưởng cho thầy trò. Cả tôi và Quang đều được nhận Bằng khen của Chủ tịch tỉnh. Những ánh mắt ngưỡng mộ dồn về tôi. Tôi luôn phải tránh những ánh mắt ấy. Tôi đành giấu tấm Bằng khen có ghi tên tôi và dòng chữ: "có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải Quốc gia".
- Ông thật là người tự trọng và dũng cảm!
- Bố tôi dạy anh em tôi: Phàm cái gì không phải mình làm thì đừng vơ thành của mình. Tôi đến nhà Quang chơi. Lần đầu trong đời dạy học đấy, tôi đến nhà học sinh. Thấy tôi đến, người nhà Quang mừng lắm. Bố Quang xuýt xoa : "Con em được giải, được thưởng lại được thầy bớt chút thời giờ đến tận nhà động viên". Tôi đỏ mặt, thưa thật: "Tôi phải cảm ơn các bác, cảm ơn em Quang. Chính là gia đình và em Quang đem vinh dự cho tôi. Em Quang đã giỏi và sẽ giỏi hơn tôi". Tôi nói lời gan ruột làm mọi người và cả tôi nữa đều xúc động. Nói xong, chân tay run run nhưng lòng tôi lại nhẹ nhõm. Cũng lần đầu trong đời đấy, tôi công khai thừa nhận mình không bằng người khác, người ấy lại là học sinh của mình. Mọi người thì cho là tôi khiêm tốn và gần gũi, cởi mở.
Tiếng một người con gái: "Thưa thầy, cho em được nói một câu. Rằng người thầy giỏi không phải là thầy giải hết các bài cho trò mà là cung cấp cho trò kiến thức và phương pháp, kể cả sự tự học và đam mê để trò tự giải hết các bài khó. Chắc chắn thầy là như thế". Mọi người trong nhà vỗ tay: "Cô giáo có khác. Nói hay thế". Định giấu mắt mình khi gặp mắt mọi người, tôi lại nhìn về phía người vừa nói và bắt gặp một dáng người đẹp, một đôi mắt đẹp. Đôi mắt như biết nói. Từ ấy, tôi năng đến nhà Quang và tôi đã biết, đã làm quen với người có đôi mắt đẹp!
Thằng Lượng hồi hộp:
- Ông ơi! Rồi sao? Đôi mắt ấy của ai ạ?
Chất đấm lưng em cái bụp:
- Ngố ơi là ngố! Em nhìn xem đôi mắt bà có giống đôi mắt ông tả không?
Thằng em làm mọi người phá lên cười:
- Ừ nhỉ! Đúng là mắt bà rồi, bà nhỉ?
Ông Chu nhìn bà Thủy:
- Vâng! Khi cầm chắc yên cương rồi, tôi gọi về cho anh cả: "Em muốn lấy vợ". Anh giật giọng hỏi: "Chú bảo chú sẽ lấy vợ?". "Vâng!". "Thật chứ!". “Thật!". Chả cần hỏi em mình lấy ai, ở đâu, anh cúp máy. Lúc sau anh gọi lại: "Anh điện về nhà rồi. Bố khóc đấy. Bố khóc mà tiếng ngàn ngạt: Thằng Chu muốn lấy vợ! Thằng Chu làm người bình thường rồi! Bố bảo chú thu xếp về ngay".
Ông Công hỏi:
- Hà hà! Thế là nhà mở hội à?
- Cũng không to tát thế nhưng liên hoan thì có. Vài tháng sau, tôi về, bố gọi tất cả anh chị tôi đến. Tiếng bố run run: "Hôm nay Chu về một mình, lần sau nếu có bạn gái thì đưa về cùng. Bố mừng là con đã tỉnh ra khi nhận biết mình có giỏi nhưng chưa phải kiệt xuất, mà có kiệt xuất cũng chưa phải phi thường. Phải cố mà giỏi mà xuất sắc nhưng đừng tự nhận là vĩ nhân. Vĩ nhân tự nhận là hỏng. Bố mừng nữa là con đã muốn lập gia đình, nghĩa là con muốn làm người bình thường như những người khác. Mừng vì con đã nhận ra mình là ai. Bố cũng không bảo thủ đến mức ngăn chí tiến thủ của con, ngăn cả sự hy sinh cái riêng, kể cả hạnh phúc vì sự nghiệp lớn. Nhưng điều bố sợ là bệnh cuồng vĩ nhân nó làm hại con, làm uổng phí cuộc đời con. Vĩ nhân tốt hay thường nhân tốt đều là những người đem điều tốt lành, thiết thực cho đời, con à! Hãy sống thuận theo lẽ tự nhiên".
Rồi cụ đưa anh em chúng tôi ra vườn: "Mảnh vườn này, bố trồng cả cây thuốc quý, cả bon sai nhưng các con thấy rồi đấy, có cả giàn mướp, dậu mồng tơi. Trồng mướp cũng phải công phu lắm, ngắm mướp cũng thú vị lắm. Cây mướp này bố trồng hôm Chu điện về đấy. Thế mà nó cũng kịp ra hoa, cho quả. Mướp hương, thơm không nào? Nào, có cây, có hoa nào không đẹp không các con? Hôm nay, bữa cơm gia đình ta có món canh cua nấu mồng tơi và mướp hương bố trồng nhé!". Các anh chị tôi nhìn tôi và họ biết tôi hiểu điều bố tôi dạy.
- Ông cưới bà ngay sau đợt ấy à?
- Vâng! Nghe chuyện tôi kể, bố mẹ tôi chưa nhìn mặt đã ưng con dâu ngay. Cụ bảo: Nó là đứa có công làm bố không mất con, làm con không mất chính bản thân mình. Thế mà mùa trồng mướp năm sau, khi tôi đã lấy nhà tôi thì bố tôi lặng lẽ ra đi. Cứ như cụ đã an lòng, thanh thản vì hoàn thành xong bổn phận người làm cha. Tôi ám ảnh và nghĩ mãi, nhớ mãi về câu nói cuối cùng của bố tôi. Từ ấy, tôi đem hạt giống mướp của cụ, gìn giữ, gieo trồng những nơi tôi ở.
Mấy bạn già cùng đứng dậy nắm chặt tay ông Chu:
- Cảm động! Cảm động lắm! Ngày ấy chúng tôi chưa biết để sẻ chia với ông, nay biết rồi thì cho chúng tôi cảm ơn cụ, cảm ơn bà Thủy, cảm ơn cả cậu Quang đã đưa ông về "đội" chúng tôi nhé!
Thằng Chất mắt long lanh:
- Ông ơi! Từ nay ông cho anh em con cùng ông chăm bón cây mướp vườn nhà ông nhé!
Bà Thủy cười vui:
- Ừ! Đã đến lúc các cháu đỡ đần ông rồi đấy.
Tiếng ong mật như khúc nhạc vui, mấy cánh bướm dập dờn như điệu múa, mùi thơm ngọt ngào tỏa ra từ giàn mướp hương có màu xanh đậm của lá, xanh nhạt của ngọn và vàng tươi của hoa hấp dẫn đến lạ lùng!
BẮC GIANG 6/2024
Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh
Ý kiến bạn đọc (0)