Giảm chi tiền lương và phụ cấp hàng trăm tỉ từ sắp xếp đơn vị hành chính
Qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, các địa phương tiết kiệm chi hơn 2.008 tỉ đồng. |
Chính phủ vừa có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Tờ trình nêu rõ sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Trong đó có nêu những kết quả đạt được trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Việc này cũng nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan tới việc này, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo Tổng kết 3 năm thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại, tiên tiến, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của các địa phương, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt hơn 2.008 tỉ đồng. Trong đó giảm chi của chính quyền cấp huyện, cấp xã là hơn 1.132 tỉ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp là 787,84 tỉ đồng; giảm chi hoạt động là 344,79 tỉ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát ở các địa phương được sáp nhập đã tiết giảm được các khoản kinh phí chi lương, chi thường xuyên, chi bảo trì trụ sở, mua sắm phương tiện,...
Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, cũng có địa phương do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ nguồn chi cho các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp nên tỉnh không có kinh phí tiết kiệm do thực hiện sắp xếp, sáp nhập (ví dụ tỉnh Cao Bằng).
Cũng theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giúp các ĐVHC tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, tạo kết nối và giao lưu phát triển giữa các địa phương.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội; sắp xếp hợp lý nguồn lao động, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với nguyện vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)