Giải pháp thúc đẩy khôi phục nền kinh tế sau dịch Covid-19
Các đại biểu đều đánh giá cao sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân cả nước.
Đồng chí Ngô Sách Thực phát biểu.
|
Thận trọng với các bước khôi phục nền kinh tế
Nhận định về tình hình dịch ở trong nước cũng như thế giới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Với chỉ đạo chung của hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt tổng số người nhiễm ở mức chưa bao giờ đạt nghìn người, đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1.000 người khi thế giới công bố dịch.
Cho rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ có 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 17 quốc gia và vùng lãnh thổ này quyết định 90% giá trị đầu tư nước ngoài, 80% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình thỏa thuận hai bên một cách thận trọng.
Hiện nay, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, có cơ sở triển khai việc này, vì từ tháng 5 - 6 năm nay, 10/17 nước, vùng lãnh thổ này sẽ không còn dịch, ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị/1 triệu dân. Đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc), Đức, Australia, Samoa, bán đảo Virginia của Anh.
“Như vậy, chúng ta cần phân công cụ thể để lập lộ trình mở cửa với 10 nước, vùng lãnh thổ này, còn 7 nước khác hiện nay chưa đến giai đoạn an toàn là Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia thì theo dõi, để khi họ có điều kiện thiết lập ngay”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm 2019, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50% từ đó Việt Nam cần có điều chỉnh phù hợp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người, thực tế tỷ lệ này là 3,4 người trên 1 triệu dân; thứ hai, tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân, thực tế chỉ là 0,2 người trên 1 triệu dân; thứ ba, đến nay Việt Nam không có người chết.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước, có thể vừa khai thác thị trường nước ngoài, đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, đầu tư tới các nước; phát huy ba sức mạnh của Việt Nam, đó là sức mạnh văn hóa, sức mạnh chính trị và sức mạnh kinh tế Việt Nam.
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng phải hết sức cẩn trọng trong quá trình khôi phục nền kinh tế vì hiện nay Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch. Làn sóng bùng phát dịch thứ hai đang treo lơ lửng trên đầu của rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng vì Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần; bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Theo đại biểu, cần tiến hành các biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần phải dựa vào khoa học do ngành Y tham vấn như nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn của Việt Nam.
Cũng theo đại biểu, quy trình nhập cảnh của khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo các quy định như kiểm dịch, phối hợp với các nước bạn để thực hiện xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh, kiểm tra nhanh khi nhập cảnh.
Tạo điều kiện ưu đãi cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đã nêu ba nội dung đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm.
Theo đó, để ưu tiên cho khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn chưa thống nhất nhiều nội dung, gây lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp, từ quy hoạch giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép xây dựng công trình.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3 đến 4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này. “Thiết nghĩ chúng ta đang "dọn tổ đón đại bàng" cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" để thực sự có công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, chính sách xã hội, cần tính toán, bố trí đủ nguồn lực và nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để kịp thời triển khai thực hiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình; mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay như đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng là hộ có mức sống trung bình.
Đồng thời, xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là người có thu nhập thấp đang được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng thu nhập ổn định cuộc sống, cho phép tiếp tục thực hiện cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định là ngày 31/12/2020; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.
Cho rằng việc triển khai Luật Quy hoạch vẫn khá chậm và vướng mắc, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những tồn tại, bất cập trong việc triển khai Luật Quy hoạch và chỉ đạo sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ, tạo điều kiện phát triển đất nước.
* Phát biểu ý kiến tại hội trường chiều 15/6, đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) đề xuất làm rõ thêm một số giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Theo đại biểu Thực, 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế- xã hội mà Thủ tướng đưa ra, 8 nhóm giải pháp mà báo cáo thẩm tra đã nêu đã đề cập đến kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn là sát thực tế, tuy có nhiều khó khăn nhưng rất khả quan.
Trong bối cảnh tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng trên thị trường nội địa nổi lên như một điểm sáng, trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội. Tiềm năng to lớn của thị trường nội địa đã được thử thách qua đại dịch Covid-19; ngay cả trong tình huống phức tạp, ở cả những khu vực thuộc diện cách ly, hàng hóa vẫn dồi dào, đủ cung ứng cho nhân dân; nhiều doanh nghiệp tiên phong trong ủng hộ phòng, chống dịch, đổi mới, sáng tạo trong việc cung ứng, phân phối hàng hóa, sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, kịp thời chuyển đổi sản xuất hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; nhiều sản phẩm của Việt nam đã xuất sang các nước theo nhu cầu phòng, chống dịch ngay trong quí II này. Điều đó khẳng định sự lớn mạnh, sức sáng tạo, trách nhiệm xã hội vì cộng đồng của các doanh nghiệp Việt.
Hơn 10 năm qua, Cuộc vận động đã mang lại kết quả tích cực, người Việt Nam và cả người nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị trong nước đạt 90-95%, tại các siêu thị của các hãng nước ngoài tại Việt Nam chiếm từ 60-96%. Bằng nhiều hoạt động và kết nối cung cầu, Cuộc vận động đã thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các khu vực kinh tế, bằng những việc làm thiết thực như nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, coi trọng khâu bảo hành sản phẩm và thực hiện các cam kết với người tiêu dùng, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ… Điều đó cho thấy Cuộc vận động đã ngày càng có chiều sâu, để hàng Việt Nam trước hết chinh phục người Việt Nam.
Việc Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại vừa được Quốc hội thông qua đã đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước sang một giai đoạn mới, đòi hỏi cách làm mới. Để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động, rất cần sự vào cuộc và triển khai đồng bộ, nhất là việc thể chế mở ra nhu cầu, cơ chế hợp tác, tạo ra sự liên kết bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng như kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ, cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngay cả với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường nội địa. Tăng cường tuyên truyền tự hào về hàng Việt. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; cung cấp thông tin, xây dựng mạng lưới phân phối; đặc biệt là phải xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp đội nốt, lợi dụng uy tín hàng Việt Nam.
Một vấn đề khác là, tiếp tục tháo gỡ “nút thắt” kiểm tra chuyên ngành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thông thương hơn.
Đại biểu Thực cho biết, đến hết tháng 1/2020, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN), chiếm 97% theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và 18/29 văn bản (chiếm 62%) theo yêu cầu tại Quyết định 1254/QĐ-TTg. 44/53 danh mục hàng hóa đã có mã số hồ sơ phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cắt giảm được 12.600 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN.
Mặc dù đạt được kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế công tác KTCN hiện vẫn còn nhiều bất cập trong quy định chuyên ngành, phức tạp, chồng chéo, chưa đạt chuẩn, hạn chế trong công tác quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cụ thể: Phạm vi quản lý và KTCN còn rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số hồ sơ, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, dễ dẫn đến tuy tiện trong kiểm tra. Qua rà soát, cơ quan hải quan đã chỉ rõ có 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số hồ sơ ở cấp độ 8 chữ số, và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Có bộ, ngành ban hành Danh mục nhưng các đơn vị được chỉ định thử nghiệm chưa đủ năng lực thử nghiệm; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định, quy định chưa thống nhất, chưa áp dụng hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả phương pháp quản lý rủi ro trong công tác KTCN. Tỷ lệ hàng hóa thuộc diện KTCN và quản lý chuyên ngành trên tổng số tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn cao: 1,62% đối với xuất khẩu và 19,1% đối với nhập khẩu. Tỷ lệ này chưa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ đưa ra là phải giảm dưới mức 10% đối với nhập khẩu. Trong khi tỷ lệ phát hiện lô hàng không đạt chất lượng rất thấp khoảng 0,27%.
Vì vậy, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các văn bản của Chính phủ, khắc phục tình trạng quyền anh, quyền tôi. Rà soát gỡ bỏ những điều kiện không cần thiết của các mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường đã được các nước áp dụng tiêu chuẩn và kiểm định. Cần xem xét ban hành “Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu” để thực hiện phương thức kiểm tra giảm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện một cửa, một đầu mối, rõ cơ quan chịu trách nhiệm. Giải quyết tình trạng các Bộ quản lý chuyên ngành chậm cung cấp lô hàng, mặt hàng của các tổ chức/ cá nhân nhập khẩu, đơn giản hóa hồ sơ, khuyến khích các doanh nghiệp được áp dụng phương thức kiểm tra giảm trên nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung khai báo; xây dựng Cơ sở dữ liệu về lô hàng, mặt hàng được áp dụng phương thức hậu kiểm tra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, cơ bản phát huy tác dụng tốt, nhân dân tin tưởng và cảm ơn Đảng Nhà nước. Tuy nhiên hiện còn vướng việc xét hỗ trợ cho đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể chưa được hỗ trợ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong tháng 6 đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết kịp thời các vướng mắc phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời hỗ trợ cho ngân sách các địa phương gặp khó khăn không có nguồn chi trả hỗ trợ.
TTXVN-Văn Hân
Ý kiến bạn đọc (0)