Cập nhật: 14:57 ngày 25/05/2024
Cập nhật: 14:57 ngày 25/05/2024
bacgiang-emagazine
 
 

 

Dấu xưa... Đào Mỹ

Trên địa bàn xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) hiện còn nhiều điểm di tích, công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Các thế hệ người dân Đào Mỹ coi đây là “báu vật” của quê hương, từ đó nhắc nhở nhau cùng gìn giữ, hun đúc lên tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư .

Thực hiện: Đỗ Thành Nam
 

 

Gắn kết cộng đồng

Đến thăm thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ vào đầu giờ sáng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng chiếc cổng làng cổ có cách đây hơn trăm năm. Cổng được xây 2 tầng, phía trên là nơi để đứng canh gác. Không giống nhiều cổng làng cổ khác chỉ đủ cho xe cải tiến đi vừa, chiếc cổng này khá rộng, xe ô tô qua lại thoải mái. Cách cổng làng không xa là ngôi điếm nằm gần cây đa cổ thụ - nơi nhiều người dân trong thôn thường ngồi hóng mát, trò chuyện sau những giờ lao động vất vả. Tất cả tạo ra bức tranh làng quê yên bình.

 

Điếm Gai là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây.

 

Bước chân vào điếm làng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Khắc Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đang cùng vài người dân kê dọn bàn ghế. Ông Hùng tự hào nói: “Tôi đã đi nhiều nơi, song chưa thấy nơi nào giữ được điếm làng to đẹp như ở đây”. Ông Hùng từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch UBND xã, năm 2022 sau khi được nghỉ hưu, trách nhiệm với dân làng, ông tiếp tục tham gia công tác ở thôn. Theo ông Hùng, khi sinh ra, ông đã thấy có cổng và điếm làng rồi. Các cụ cao niên trong thôn kể lại, hai công trình này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Khi ấy, nạn phỉ nổi lên nhiều, thường xuyên quấy nhiễu dân lành. Nhằm bảo vệ làng xóm không bị cướp phá, người dân thôn Gai Bún đã tập trung xây dựng cổng làng, xung quanh đắp lũy, trồng tre; đồng thời, điếm làng cũng được xây dựng làm nơi thờ Thổ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn.

 

Điếm làng ở Gai Bún có tên là điếm Gai được thiết kế theo kiểu chữ nhất, rộng 7 gian với 5 hàng cột. Toàn bộ cột, kèo được làm bằng gỗ lim quý hiếm, chạm khắc hoa văn tinh xảo, chủ yếu về rồng, vân mây, hoa lá. Ông Hùng bày tỏ: “Điếm và cổng làng đã gắn bó với bao thế hệ nơi đây, là “cột mốc” để khắc ghi trong tâm thức về nơi chôn nhau cắt rốn, nhất là những người đi làm ăn xa, để rồi một lòng hướng về tổ tiên, gia đình. Bởi vậy, chúng tôi luôn xác định đây là “báu vật” của thôn, cần giữ gìn cho muôn đời sau”.

Toàn bộ hệ thống cột kèo của điếm Gai được làm bằng gỗ lim quý hiếm.

 

Mặc dù hiện nay thôn Gai Bún đã xây dựng nhà văn hóa to đẹp song điếm Gai vẫn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn; có người trông coi cẩn thận. Vào những ngày tuần rằm, các cụ trong thôn lại đến thắp hương cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an.

Chia tay người dân thôn Gai Bún, chúng tôi đến tham quan đình Tráng Quán nằm ở thôn Nùa Quán đúng lúc các cụ cao tuổi đang tập trung ở đình, chùa của thôn làm lễ cúng Phật. Đình Tráng Quán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1876, rộng khoảng 300 m2, bao gồm 3 gian, 2 chái. Toàn bộ cột kèo được làm bằng gỗ lim, với nhiều họa tiết chạm khắc đẹp mắt. Hiện trong đình vẫn còn chứng tích lịch sử, đó là hai mảnh bom của thực dân Pháp găm sâu trong cột đình.

Đình Tráng Quán vừa được đầu tư kinh phí trùng tu, tạo cảnh quan khang trang hơn.

 

Đình Tráng Quán không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của thôn Nùa Quán mà còn của cả người dân thôn Gai Bún. Điều này càng tạo nên sự gắn kết giữa những người dân trong vùng. Ông Dương Ngọc Tòng, Trưởng ban khánh tiết đình Tráng Quán chia sẻ: “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đình để trông coi, quét dọn sạch sẽ. Mỗi khi ra đình hàn huyên cùng mọi người, chúng tôi thấy tinh thần sảng khoái hơn. Nơi đây cũng là địa điểm để giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ”.

Thực tế, không chỉ có thôn Gai Bún hay Nùa Quán, khi đến tham quan các điểm di tích khác trên địa bàn xã Đào Mỹ, chúng tôi đều cảm nhận được sức hút của những điểm di tích này trong việc gắn kết, vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Điểm đặc thù của Đào Mỹ là các đình, chùa không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của một thôn mà của nhiều thôn hợp lại. Qua đó, tăng thêm sự giao lưu trong cộng đồng dân cư.

Đình Phù Lão, xã Đào Mỹ là ngôi đình thời Lê, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Năm 1982, đình Phù Lão được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Vào đình Phù Lão, ta có thể thấy trên các kẻ là những bức chạm nổi hình ảnh mang đậm nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt của các tầng lớp như quan lại, sỹ, nông, công, thương và có nhiều linh thú như: Long, ly, quy, phượng và các con giống như nghê, lân, ngựa, rắn, tắc kè, thạch sùng.

 

Cùng nhau vun đắp, phát huy giá trị di tích

 

Thời kỳ phong kiến, xã Đào Mỹ nằm trong tổng Đào Quán, trong đó Đào Mỹ được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả tổng. Có lẽ vì thế, nơi đây sớm hình thành nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh như đình, chùa, đền, miếu, nghè, điếm… Mặc dù qua năm tháng bào mòn và chiến tranh tàn phá, song các thế hệ người dân Đào Mỹ vẫn luôn có ý thức gìn giữ những di sản cha ông để lại. Hiện toàn xã có 26 công trình tín ngưỡng do cộng đồng dân cư xây dựng từ cách đây hàng trăm năm. Trong đó, nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như đình Phù Lão, Tráng Quán, Trừng Hà; chùa Phúc Quang (chùa Ba Nước), chùa Phù Lão cùng nhiều đền, điếm, nghè. Nhiều cổng làng cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc như cổng làng thôn Gai Bún, Ruồng Cái…

Khi tới tham quan đình Trừng Hà nằm ở thôn Đồng Quang, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Như Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ đang kiểm tra các hạng mục công trình vừa được tu bổ. Ông Khoa cho biết: “Nhằm bảo vệ ngôi đình không bị xuống cấp, năm 2023, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ngôi đình đã được đầu tư hơn một tỷ đồng để tu bổ sửa lại toàn bộ phần mái, cửa, tường và lát nền. Đây là ngôi đình rất quý cần được bảo vệ, gìn giữ”.

 
 

Đình Trừng Hà nằm bên hàng cây phượng vĩ, tạo khung cảnh bình yên nơi thôn quê.

 
 

Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng ban khánh tiết đình Trừng Hà giới thiệu về ngôi đình cho các em học sinh Trường THCS Đào Mỹ.

 

Được biết, đình Trừng Hà là công trình kiến trúc cổ, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVIII) và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Hiện trong đình vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật quý như sập thờ, đài thờ, hương án bằng gỗ cùng bát bửu, kiệu bát cống, tượng gỗ và hệ thống cột, kèo được chạm khắc long, ly, quy, phượng, hoa cúc dây... tinh xảo. Đặc biệt, đình Trừng Hà còn là trung tâm sinh hoạt của làng xã, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước. Thời kỳ chống thực dân Pháp, giai đoạn 1947- 1954, đình là nơi cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến dịch đánh đồn Cẩm Lý (Lục Nam). Cũng trong những năm 1948 - 1949, sàn đình được tháo dỡ để bắc cầu qua sông Thương giúp bộ đội vượt sông đánh giặc Pháp.

Theo ông Khoa, nhận thức được giá trị từ những di tích, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn xã Đào Mỹ luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo vệ và trùng tu các công trình kiến trúc này. Hằng năm, xã chỉ đạo rà soát hiện trạng các điểm di tích; đồng thời dành từ 300 - 350 triệu đồng cho công tác tu bổ, bảo vệ các di tích. Đơn cử như từ năm 2020 đến nay, chỉ tính riêng tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo 3 ngôi đình: Phù Lão, Tráng Quán và Trừng Hà là hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó 2/3 do ngân sách của xã và nhân dân đóng góp. Tại các di tích, xã đều thành lập ban khánh tiết do chính người dân địa phương lựa chọn thành viên tham gia để hằng ngày trông coi, chăm sóc chu đáo.

 
 

Đặc biệt, xã đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, giúp người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ các di tích. Nhiều gia đình còn tự nguyện hiến đất để mở rộng khuôn viên di tích. Từ trước đến nay, các hiện vật, cổ vật trong những điểm di tích trên địa bàn xã chưa bị mất cắp, xâm hại. Tất cả các điểm di tích đều gắn với những lễ hội mỗi dịp Tết đến, xuân về, qua đây càng thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần đưa xã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực KT-XH. Năm 2023, Đào Mỹ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 64,5 triệu đồng/năm; số gia đình đạt danh hiệu văn hóa hằng năm trên 95,6%...

Chia tay Đào Mỹ khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi tình cờ gặp các em học sinh đạp xe ngang qua cổng đình Trừng Hà tạo nên bức tranh làng quê sinh động, càng tô thắm thêm sức sống trường tồn cùng thời gian từ những giá trị văn hóa, truyền thống ở vùng quê lưu giữ nhiều dấu tích xưa này.

Cổng làng cổ thôn Ruồng Cái.

 
 
 
 
 
 
 

DẤU XƯA... ĐÀO MỸ

Trên địa bàn xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) hiện còn nhiều điểm di tích, công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Các thế hệ người dân Đào Mỹ coi đây là “báu vật” của quê hương, từ đó nhắc nhở nhau cùng gìn giữ, hun đúc lên tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Thực hiện: Đỗ Thành Nam
 

Gắn kết cộng đồng

 

Đến thăm thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ vào đầu giờ sáng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng chiếc cổng làng cổ có cách đây hơn trăm năm. Cổng được xây 2 tầng, phía trên là nơi để đứng canh gác. Không giống nhiều cổng làng cổ khác chỉ đủ cho xe cải tiến đi vừa, chiếc cổng này khá rộng, xe ô tô qua lại thoải mái. Cách cổng làng không xa là ngôi điếm nằm gần cây đa cổ thụ - nơi nhiều người dân trong thôn thường ngồi hóng mát, trò chuyện sau những giờ lao động vất vả. Tất cả tạo ra bức tranh làng quê yên bình.

Bước chân vào điếm làng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Khắc Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đang cùng vài người dân kê dọn bàn ghế. Ông Hùng tự hào nói: “Tôi đã đi nhiều nơi, song chưa thấy nơi nào giữ được điếm làng to đẹp như ở đây”. Ông Hùng từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch UBND xã, năm 2022 sau khi được nghỉ hưu, trách nhiệm với dân làng, ông tiếp tục tham gia công tác ở thôn. Theo ông Hùng, khi sinh ra, ông đã thấy có cổng và điếm làng rồi. Các cụ cao niên trong thôn kể lại, hai công trình này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Khi ấy, nạn phỉ nổi lên nhiều, thường xuyên quấy nhiễu dân lành. Nhằm bảo vệ làng xóm không bị cướp phá, người dân thôn Gai Bún đã tập trung xây dựng cổng làng, xung quanh đắp lũy, trồng tre; đồng thời, điếm làng cũng được xây dựng làm nơi thờ Thổ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn.

Điếm Gai là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây.

 

Điếm làng ở Gai Bún có tên là điếm Gai được thiết kế theo kiểu chữ nhất, rộng 7 gian với 5 hàng cột. Toàn bộ cột, kèo được làm bằng gỗ lim quý hiếm, chạm khắc hoa văn tinh xảo, chủ yếu về rồng, vân mây, hoa lá. Ông Hùng bày tỏ: “Điếm và cổng làng đã gắn bó với bao thế hệ nơi đây, là “cột mốc” để khắc ghi trong tâm thức về nơi chôn nhau cắt rốn, nhất là những người đi làm ăn xa, để rồi một lòng hướng về tổ tiên, gia đình. Bởi vậy, chúng tôi luôn xác định đây là “báu vật” của thôn, cần giữ gìn cho muôn đời sau”.

Mặc dù hiện nay thôn Gai Bún đã xây dựng nhà văn hóa to đẹp song điếm Gai vẫn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn; có người trông coi cẩn thận. Vào những ngày tuần rằm, các cụ trong thôn lại đến thắp hương cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình an.

Chia tay người dân thôn Gai Bún, chúng tôi đến tham quan đình Tráng Quán nằm ở thôn Nùa Quán đúng lúc các cụ cao tuổi đang tập trung ở đình, chùa của thôn làm lễ cúng Phật. Đình Tráng Quán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi đình được xây dựng từ năm 1876, rộng khoảng 300 m2, bao gồm 3 gian, 2 chái. Toàn bộ cột kèo được làm bằng gỗ lim, với nhiều họa tiết chạm khắc đẹp mắt. Hiện trong đình vẫn còn chứng tích lịch sử, đó là hai mảnh bom của thực dân Pháp găm sâu trong cột đình.

Đình Tráng Quán vừa được đầu tư kinh phí trùng tu, tạo cảnh quan khang trang hơn.

 

Đình Tráng Quán không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của thôn Nùa Quán mà còn của cả người dân thôn Gai Bún. Điều này càng tạo nên sự gắn kết giữa những người dân trong vùng. Ông Dương Ngọc Tòng, Trưởng ban khánh tiết đình Tráng Quán chia sẻ: “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đình để trông coi, quét dọn sạch sẽ. Mỗi khi ra đình hàn huyên cùng mọi người, chúng tôi thấy tinh thần sảng khoái hơn. Nơi đây cũng là địa điểm để giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ”.

Thực tế, không chỉ có thôn Gai Bún hay Nùa Quán, khi đến tham quan các điểm di tích khác trên địa bàn xã Đào Mỹ, chúng tôi đều cảm nhận được sức hút của những điểm di tích này trong việc gắn kết, vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Điểm đặc thù của Đào Mỹ là các đình, chùa không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của một thôn mà của nhiều thôn hợp lại. Qua đó, tăng thêm sự giao lưu trong cộng đồng dân cư.

Đình Phù Lão, xã Đào Mỹ là ngôi đình thời Lê, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Năm 1982, đình Phù Lão được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Vào đình Phù Lão, ta có thể thấy trên các kẻ là những bức chạm nổi hình ảnh mang đậm nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt của các tầng lớp như quan lại, sỹ, nông, công, thương và có nhiều linh thú như: Long, ly, quy, phượng và các con giống như nghê, lân, ngựa, rắn, tắc kè, thạch sùng.

Cùng nhau vun đắp, phát huy giá trị di tích

 

Thời kỳ phong kiến, xã Đào Mỹ nằm trong tổng Đào Quán, trong đó Đào Mỹ được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả tổng. Có lẽ vì thế, nơi đây sớm hình thành nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh như đình, chùa, đền, miếu, nghè, điếm… Mặc dù qua năm tháng bào mòn và chiến tranh tàn phá, song các thế hệ người dân Đào Mỹ vẫn luôn có ý thức gìn giữ những di sản cha ông để lại. Hiện toàn xã có 26 công trình tín ngưỡng do cộng đồng dân cư xây dựng từ cách đây hàng trăm năm. Trong đó, nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như đình Phù Lão, Tráng Quán, Trừng Hà; chùa Phúc Quang (chùa Ba Nước), chùa Phù Lão cùng nhiều đền, điếm, nghè. Nhiều cổng làng cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc như cổng làng thôn Gai Bún, Ruồng Cái…

Khi tới tham quan đình Trừng Hà nằm ở thôn Đồng Quang, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Như Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ đang kiểm tra các hạng mục công trình vừa được tu bổ. Ông Khoa cho biết: “Nhằm bảo vệ ngôi đình không bị xuống cấp, năm 2023, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ngôi đình đã được đầu tư hơn một tỷ đồng để tu bổ sửa lại toàn bộ phần mái, cửa, tường và lát nền. Đây là ngôi đình rất quý cần được bảo vệ, gìn giữ”.

Đình Trừng Hà nằm bên hàng cây phượng vĩ, tạo khung cảnh bình yên nơi thôn quê.

Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng ban khánh tiết đình Trừng Hà giới thiệu về ngôi đình cho các em học sinh Trường THCS Đào Mỹ.

 

Được biết, đình Trừng Hà là công trình kiến trúc cổ, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVIII) và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Hiện trong đình vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật quý như sập thờ, đài thờ, hương án bằng gỗ cùng bát bửu, kiệu bát cống, tượng gỗ và hệ thống cột, kèo được chạm khắc long, ly, quy, phượng, hoa cúc dây... tinh xảo. Đặc biệt, đình Trừng Hà còn là trung tâm sinh hoạt của làng xã, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước. Thời kỳ chống thực dân Pháp, giai đoạn 1947- 1954, đình là nơi cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến dịch đánh đồn Cẩm Lý (Lục Nam). Cũng trong những năm 1948 - 1949, sàn đình được tháo dỡ để bắc cầu qua sông Thương giúp bộ đội vượt sông đánh giặc Pháp.

Theo ông Khoa, nhận thức được giá trị từ những di tích, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn xã Đào Mỹ luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo vệ và trùng tu các công trình kiến trúc này. Hằng năm, xã chỉ đạo rà soát hiện trạng các điểm di tích; đồng thời dành từ 300 - 350 triệu đồng cho công tác tu bổ, bảo vệ các di tích. Đơn cử như từ năm 2020 đến nay, chỉ tính riêng tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo 3 ngôi đình: Phù Lão, Tráng Quán và Trừng Hà là hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó 2/3 do ngân sách của xã và nhân dân đóng góp. Tại các di tích, xã đều thành lập ban khánh tiết do chính người dân địa phương lựa chọn thành viên tham gia để hằng ngày trông coi, chăm sóc chu đáo.

 

Đặc biệt, xã đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, giúp người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ các di tích. Nhiều gia đình còn tự nguyện hiến đất để mở rộng khuôn viên di tích. Từ trước đến nay, các hiện vật, cổ vật trong những điểm di tích trên địa bàn xã chưa bị mất cắp, xâm hại. Tất cả các điểm di tích đều gắn với những lễ hội mỗi dịp Tết đến, xuân về, qua đây càng thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần đưa xã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực KT-XH. Năm 2023, Đào Mỹ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 64,5 triệu đồng/năm; số gia đình đạt danh hiệu văn hóa hằng năm trên 95,6%...

Chia tay Đào Mỹ khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi tình cờ gặp các em học sinh đạp xe ngang qua cổng đình Trừng Hà tạo nên bức tranh làng quê sinh động, càng tô thắm thêm sức sống trường tồn cùng thời gian từ những giá trị văn hóa, truyền thống ở vùng quê lưu giữ nhiều dấu tích xưa này.

 
 
 
Cổng làng cổ thôn Ruồng Cái, xã Đào Mỹ.