Đưa hoạt động bến thủy vào nền nếp
Nhiều bến hoạt động không phép
Theo ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 180 BTNĐ (bến hàng hóa) hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa ven sông, trong đó có 167 bến gắn với các dự án bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu ven sông; 13 bến chuyên dùng phục vụ hoạt động của các nhà máy.
Bến thủy nội địa hoạt động trái phép tại xã Hợp Đức (Tân Yên). |
Trước năm 2015, thẩm quyền quản lý cấp giấy phép hoạt động BTNĐ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Năm 2015, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) nhận bàn giao 47 bến hàng hóa do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã cấp giấy phép bến tạm, hoạt động 1-3 năm.
Trong số này, đến nay, Sở đã rà soát cấp lại giấy phép hoạt động cho 30 bến ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang. Như vậy, toàn tỉnh hiện còn 150 bến đang hoạt động không có giấy phép.
Tại huyện Tân Yên có 5 trường hợp tự ý lập BTNĐ, ngang nhiên hoạt động tại xã Hợp Đức và Liên Chung. Đến thôn Lục Liễu Trên (xã Hợp Đức) ngày 5 và 6/1/2021, phóng viên chứng kiến có 3 BTNĐ hoạt động trái phép ven sông Thương của các chủ hộ: Nguyễn Thế Nhâm, Trần Văn Hoạt, Nguyễn Văn Cường.
Tại các bến này, các hộ lắp trụ cẩu sát ven sông để tải cát sỏi, có trường hợp còn đưa than xuống thuyền vận chuyển đi tiêu thụ. Tượng tự, tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang) có các chủ hộ: Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Vỹ, Bùi Thọ An cũng tự ý lập BTNĐ ven sông Thương để vận chuyển cát, sỏi.
Trong đó có 2 trường hợp tự ý xây trụ bê tông làm cầu chìa ra ngoài sông để vận chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) lên, xuống tàu. Tình trạng tự ý lập BTNĐ còn xảy ra tại các huyện: Hiệp Hòa 34 bến, Việt Yên 28 bến, Yên Thế 11 bến, Yên Dũng 21 bến, Lục Ngạn 13 bến…
Theo quy định, hành lang bảo vệ từ chân đê ra sông là 20 m; hành lang bảo vệ luồng đường thủy được tính từ mép nước vào bờ 10 m. Trong diện tích này, các tổ chức, cá nhân liên quan không được phép xây dựng công trình, chất tải VLXD. Việc xây dựng mố, trụ cẩu, cầu phao vào lòng sông làm cản trở và thay đổi dòng chảy.
Khẩn trương cấp phép để quản lý
Theo phản ánh của một số chủ BTNĐ, hằng năm trước mùa mưa bão đều có một số đoàn của huyện, tỉnh kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính về hành vi chất, tải vật liệu lên hành lang đê, chưa có giấy phép và đình chỉ hoạt động để hoàn thiện thủ tục liên quan, xin cấp bến song các hộ vẫn tiếp tục tập kết, bốc xếp vật liệu trên bến.
Toàn tỉnh hiện có 30 BTNĐ ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang có giấy phép; còn 150 bến đang hoạt động không phép. |
Cùng đó, các đơn vị liên quan chưa phối hợp chặt chẽ để quản lý hoạt động của BTNĐ. Việc xử lý vi phạm được nhiều địa phương quan tâm nhưng còn nửa vời, thiếu kiên quyết.
Tại nhiều địa phương, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị chuyên môn tuy có kiểm tra, yêu cầu các chủ hộ tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại bến, đình chỉ hoạt động nhưng thiếu giám sát, không hậu kiểm nên “đâu lại hoàn đấy”.
Ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức lý giải, xã đã đôn đốc, nhắc nhở các chủ bến tập kết cát, sỏi ven sông và lập BTNĐ trái phép giải tỏa, di dời nhiều lần nhưng các hộ chưa chấp hành. Nói như vậy chưa thỏa đáng bởi chính quyền sở tại có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, khi các hộ tập kết, xây dựng công trình trái phép cần xử lý vi phạm, buộc khôi phục hiện trạng.
Ngoài những nguyên nhân trên, được biết từ năm 2015 đến nay, Bộ GTVT đã phân quyền cấp phép hoạt động BTNĐ cho Sở GTVT nhưng việc cấp phép còn nhiều khó khăn.
Hầu hết các đơn vị vướng về mặt bằng vì chưa được thuê đất; chưa hoàn thiện thủ tục quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nên chưa đủ điều kiện cấp phép. Để chấn chỉnh vi phạm, nhiều ý kiến đề nghị các huyện, TP, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý, kiên quyết giải tỏa trường hợp vi phạm, tránh ảnh hưởng đến an toàn đường sông, đê điều.
Dự báo giai đoạn 2021-2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng từ 9-10%/năm. Để bảo đảm lưu thông, quản lý chặt chẽ các BTNĐ, bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngày 29/12/2020, Sở đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hai phương án cấp phép hoạt động cho các bến hàng hóa. Trong thời gian chờ các chủ bến hoàn tất thủ tục xin cấp phép, Sở đề nghị UBND tỉnh cho phép cấp giấy phép hoạt động tạm thời đối với 85 bến đã rà soát.
Sở chấp thuận chủ trương xây dựng bến trước khi có quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy phép hoạt động BTNĐ tạm thời cho các bến có nhu cầu hoạt động thiết thực, cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện gắn với các dự án bãi tập kết VLXD ven sông đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; phù hợp với quy hoạch của địa phương, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác; đất hiện trạng là đất dịch vụ hoặc đất giao thông; bảo đảm an toàn đê điều, luồng tuyến.
Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng bãi tập kết cát, sỏi gắn với xây dựng BTNĐ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND các huyện, TP rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho ý kiến về loại đất phù hợp mục đích sử dụng của BTNĐ để tạo thuận lợi cho chủ bến hoàn tất thủ tục đầu tư, cấp phép hoạt động. Sở Nông nghiệp và PTNT cho ý kiến về sự ảnh hưởng tới đê điều, hành lang thoát lũ...
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)