Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, các hoạt động giao thương với bên ngoài vẫn còn hạn chế, thị trường du lịch nội địa được xác định là mục tiêu trọng tâm của ngành du lịch trong thời điểm hiện nay. Và sự an toàn tại Việt Nam cùng với tiềm năng du lịch dồi dào chính là yếu tố quan trọng tạo đà bứt phá cho du lịch trong nước.
Đất nước ta vốn sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều điểm đến hấp dẫn. Với đường bờ biển trải dài hơn 3.620 km cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ, từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có thể bắt gặp những bãi biển đẹp. Vùng núi phía Bắc, với những nét hấp dẫn riêng từ ruộng bậc thang mùa lúa chín, mùa nước đổ, những rừng đào, mận, những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng, cải tím, những đồi chè… Miền Trung không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, mà còn được biết đến với những nền văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn... Phía Nam, không thể không nhắc đến miền Tây sông nước, miệt vườn với những đặc trưng văn hóa riêng được gìn giữ và lưu truyền từ thời sơ khai mở cõi…
Đặc biệt, với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú. Trong số 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có khoảng 3.000 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Có thể kể đến một số di tích nổi bật như: Cố đô Hoa Lư, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Đền Hùng, Cố đô Huế…
Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo dự đoán của các chuyên gia, sớm nhất phải hết năm 2020 thị trường du lịch quốc tế mới có thể phục hồi. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, thị trường du lịch nội địa được xác định là mục tiêu trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Do đó, ngay sau khi lệnh cách ly toàn xã hội được dỡ bỏ, các cơ quan quản lý về du lịch đã ngay lập tức vào cuộc. Việc kích cầu du lịch được thúc đẩy bài bản, có kế hoạch từ cơ quan quản lý cao nhất. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” (thực hiện từ 1/6 đến 31/12/2020) với ba nhiệm vụ trọng tâm là: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch; các địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng đón khách nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch; ngành du lịch phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu với các gói sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng, giá ưu đãi. Chương trình được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho sự bứt phá của thị trường du lịch nội địa, với sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp và du khách.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng khởi động chương trình kích cầu du lịch với quy mô toàn quốc qua thông điệp Du lịch an toàn. Theo đó, chương trình kích cầu sẽ được triển khai ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam với giá tour giảm từ 20 - 30%... Khu vực phía Nam sẽ kết nối du lịch cả nước với Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…). Khu vực phía Bắc: kích cầu khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa); thúc đẩy du lịch Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Khu vực miền Trung: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế làm trung tâm. Khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, tiếp tục phát triển liên minh kích cầu Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên và mở rộng thêm Kon Tum, Đắk Nông.
Các doanh nghiệp cũng nhanh chóng vào cuộc với hàng loạt tour khuyến mãi hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không như: FLC Hotels & Resorts, Vinpearl, Bamboo Airways, Vietjet… đã ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm du lịch ưu đãi từ 20 - 50%. Các công ty lữ hành lớn như Saigon Tourist, AZA Travel, Hanoi Red Tours… cũng tung ra nhiều tour hấp dẫn, với giá một số dịch vụ giảm tới 70%, khởi hành từ nay đến hết năm 2020.
Các địa phương cũng nhanh chóng bắt nhịp, đưa ra các chương trình kích cầu, ưu đãi, giới thiệu các tour, tuyến, điểm đến mới, các chương trình liên kết mới. Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong chiến dịch mới này với chính sách miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử, bảo tàng Quảng Ninh trong tháng 5 và nhiều ngày lễ cụ thể sau đó. Sa Pa (Lào Cai) cũng giảm giá 30 - 60% giá phòng khách sạn, vé ô tô, vé vào khu du lịch cho du khách. Chương trình kích cầu du lịch nội địa Thành phố Hồ Chí Minh 2020 chính thức bắt đầu từ tháng 6/2020 đến cuối năm 2020 với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10 đến 70%. UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức chương trình quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020, góp phần tăng cường kích cầu hoạt động du lịch nội địa thành phố...
Cùng với việc đưa ra các chương trình ưu đãi, các doanh nghiệp, địa phương cũng chú trọng nâng cao chất lượng du lịch. Một trong những tiêu chí quan trọng của du lịch Việt Nam hiện nay là sự an toàn. Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã đưa ra những bộ tiêu chí, hướng dẫn du lịch an toàn dành cho cả du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển và người dân địa phương nơi có điểm du lịch. “An toàn” cũng là thông điệp mà ngành du lịch Việt Nam gửi đến du khách trong thời kỳ du lịch “hậu Covid-19”.
Đối với các lao động làm trong lĩnh vực du lịch, thời điểm này, thay vì chỉ tập trung vào phục vụ hoặc cung cấp các dịch vụ thuần túy mang tính chuyên môn như trước đây, thì bây giờ hầu hết các lao động trong ngành du lịch đều phải trang bị kiến thức sơ đẳng về y tế, dịch bệnh, các dấu hiệu nhận biết… Các lao động du lịch cũng được huấn luyện để hướng dẫn khách tuân thủ các biện pháp an toàn, phối hợp với ngành y tế trong trường hợp phát hiện người nhiễm bệnh. Việc thu thập thông tin liên hệ của du khách cũng được thực hiện đầy đủ.
Để đảm bảo sức khỏe cho hành khách, các hãng hàng không nội địa đều cam kết tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình, hướng dẫn và các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Yêu cầu giãn cách được dỡ bỏ nhưng tinh thần "chống dịch như chống giặc" vẫn luôn được các hãng hàng không đặt lên hàng đầu.
Do đó, không chỉ được ca ngợi như một hình mẫu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép người dân đi du lịch trong nước trở lại.
Trong một bài viết đăng trên Bloomberg, tác giả Clara Ferreira Marques đánh giá, Việt Nam đang trong cuộc đua mở cửa trở lại để đón những người đi phượt và tắm nắng. Du lịch nội địa đang khởi động lại mạnh mẽ. Việc mở cửa du lịch ổn định sẽ giúp Việt Nam hồi phục nền kinh tế.
Báo Skift của Mỹ đã có bài viết phân tích về tình hình du lịch của Việt Nam: Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nổi lên vì ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi, trong khi các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn đang trong tình trạng phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Việt Nam có thể sẽ dẫn đầu các nước Đông Nam Á trong việc khôi phục du lịch sau dịch Covid-19.
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỷ đồng.
Với tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân khoảng 22% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015-2019, Việt Nam liên tục nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Cũng trong giai đoạn này, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ 75/141 năm 2015 lên 63/140 năm 2019. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những địa điểm du lịch đáng chú ý đối với khách du lịch quốc tế. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam vinh dự được nhận 2 giải thưởng tầm thế giới là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 do World Travel Awards trao tặng và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 do World Golf Awards trao tặng. Cùng với đó là các giải thưởng tầm khu vực bao gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liền 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Ngoài ra, hàng chục giải thưởng quốc tế danh giá cũng đã được trao cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort và các công trình, điểm du lịch của Việt Nam.
Hy vọng, cùng với hình ảnh Việt Nam quyến rũ, thân thiện và mến khách đã tạo dựng được trong mắt bạn bè quốc tế những năm vừa qua, chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020 sẽ góp thêm xung lực để du lịch Việt Nam cất cánh trở lại sau đại dịch Covid-19, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ý kiến bạn đọc (0)