Dự án KĐT mới phía Tây thị trấn Thắng: Thu hồi đất đúng quy định
Dự án KĐT mới phía Tây thị trấn Thắng được UBND tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư từ tháng 3/2017 với quy mô 24,77 ha. Để thực hiện dự án, năm 2018, UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức thu hồi, bồi thường GPMB đối với diện tích đất của gần 600 hộ ở các thôn: Đức Thịnh, Trung Đồng và Tân Kết, đều thuộc xã Đức Thắng, nay là thị trấn Thắng, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Lương (mẹ đẻ ông Sơn đứng tên GCNQSDĐ cấp năm 1998).
UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn Quân. |
Khi huyện thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng dù là thành viên trong gia đình nhưng không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc này. Đầu năm 2020, ông khiếu nại việc thu hồi 1.182,3 m2 đất nông nghiệp của gia đình không đúng.
Quá trình giải quyết khiếu nại, UBND huyện Hiệp Hòa mới phát hiện việc cấp GCNQSDĐ đối với 3 hộ ông, bà: Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Văn Sơn (con bà Lương) và Nguyễn Thị Bát (mẹ bà Lương) bị trùng về diện tích.
Cụ thể, GCNQSDĐ mang tên bà Lương, diện tích 1.512 m2; giấy chứng nhận mang tên ông Sơn, diện tích 504 m2 và giấy chứng nhận mang tên bà Bát, diện tích 504 m2 đều được cấp lần đầu ngày 27/9/1999. Tổng diện tích của 3 giấy chứng nhận này trùng với giấy cấp ngày 21/12/1998 do bà Nguyễn Thị Lương đứng tên.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện, ngay sau khi phát hiện 3 GCN bị trùng diện tích đã cấp năm 1998 cho hộ bà Lương, ngày 29/9/2020, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Quyết định số 1296 thu hồi các giấy chứng nhận này. Như vậy, khi phát hiện sự việc, UBND huyện thu hồi GCNQSDĐ cấp trùng là đúng quy định của pháp luật.
Bởi theo quy định tại khoản 56, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì cần kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do về quyết định thu hồi.
Quy định của pháp luật rõ ràng như vậy, nhưng người có GCNQSDĐ bị cấp trùng (là ông Sơn) không nhất trí với quyết định của UBND huyện Hiệp Hòa nên chưa bàn giao lại giấy chứng nhận.
Về nội dung ông Sơn cho rằng không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Công, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hiệp Hòa cho biết, ngày 26/9/2017, UBND huyện Hiệp Hòa có thông báo thu hồi đất để triển khai dự án và gửi đến từng hộ gia đình, cá nhân, đồng thời niêm yết công khai tại nhà văn hóa của các thôn (nay là tổ dân phố).
“Theo quy định, chỉ cần gửi thông báo về việc thu hồi đất đến những cá nhân đứng tên trong GCNQSDĐ mà không phải gửi đến từng thành viên trong gia đình. Qua kiểm tra hồ sơ, bà Lương (đứng tên trong giấy chứng nhận năm 1998) đại diện hộ gia đình đã ký xác nhận nhận thông báo thu hồi đất, tờ tự khai, lịch kiểm kê đất và tài sản trên đất cũng như các quyết định về việc thu hồi, phê duyệt phương án bồi thường và biên bản chi trả tiền”, ông Nguyễn Văn Công nói.
Để giải thích cho công dân hiểu rõ lý do thu hồi, ngày 8/3 vừa qua, UBND huyện tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn Quân, trú tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh (em trai ông Sơn và được ông Sơn ủy quyền đứng đơn) về các nội dung khiếu nại. Ông Quân cho rằng việc cấp giấy chứng nhận trùng như trên là sự tắc trách của cơ quan Nhà nước.
Qua sự việc cho thấy, UBND huyện Hiệp Hòa thu hồi GCNQSDĐ sau khi phát hiện cấp trùng là đúng quy định. Để người dân bức xúc, khiếu nại trước hết do lỗi của cán bộ địa chính, UBND xã Đức Thắng (cũ) và cán bộ chuyên môn của huyện không thẩm định, rà soát chặt chẽ diện tích đất trên hồ sơ và thực địa dẫn đến cấp trùng. Sai sót này đã lâu song UBND huyện không rà soát, sớm phát hiện để kịp thời thu hồi mà chỉ khi công dân có khiếu nại mới ban hành quyết định.
Dư luận cho rằng, UBND huyện Hiệp Hòa cần nghiêm túc kiểm điểm cán bộ, cơ quan liên quan đã tắc trách dẫn đến sự việc trên. Về phía gia đình ông Quân, ông Sơn cần hợp tác, lắng nghe ý kiến từ phía cơ quan chức năng, trường hợp không tìm được tiếng nói chung thì có thể khởi kiện ra tòa.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)