Đổi mới hình thức giám sát, theo dõi thực hiện các kết luận sau giám sát
Hội nghị lần này tập trung vào chủ đề “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.
Quang cảnh hội nghị.
|
Chọn nội dung giám sát trúng vấn đề cử tri quan tâm
Để cuộc giám sát chuyên đề hiệu quả, chất lượng cần rất nhiều kỹ năng và sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện. Hội nghị lần này nhằm trao đổi những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay trong triển khai công tác giám sát chuyên đề, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thường trực HĐND các cấp.
Đồng chí Hà Văn Bé trao đổi tại hội nghị.
|
Theo đồng chí Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, việc lựa chọn vấn đề giám sát phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tránh dàn trải. Trong đó, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, các chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của số đông người dân.
Qua thực tế, đồng chí cho rằng, trong quá trình giám sát chuyên đề cũng cần làm tốt công tác dân vận. Ở nhiệm kỳ này, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức giám sát một số nội dung như: Hiệu quả chiếu bóng lưu động, hệ thống truyền thanh cơ sở, chương trình giáo dục VNEN. Nếu chỉ dựa vào báo cáo thì không thể đánh giá sâu, kỹ để có kết luận, kiến nghị chất lượng sau giám sát. Do vậy, ngoài gặp gỡ trực tiếp cử tri, ban sử dụng phiếu điều tra xã hội học để có được những ý kiến tâm huyết, đúng, trúng vấn đề.
Đồng chí Trần Thị Hà nêu kinh nghiệm của Thường trực HĐND TP Bắc Giang trong tổ chức giám sát chuyên đề.
|
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả 19 cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực, các ban HĐND TP Bắc Giang trong cả nhiệm kỳ, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Bắc Giang đánh giá cao vai trò của hoạt động khảo sát, thu thập thông tin trước khi tiến hành giám sát. Xem xét kỹ lưỡng các báo cáo, giám sát phải gắn liền với khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến các tầng lớp nhân dân, các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của chủ trương, chính sách, những cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát.
Đồng chí Trần Thị Hà cũng cho rằng, trước khi xây dựng kế hoạch, cần nghiên cứu chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở.
Nhằm nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, các đại biểu nêu một số giải pháp: Xây dựng đề cương chi tiết, cụ thể trước khi tiến hành giám sát; mở rộng thành phần tham gia đoàn giám sát tùy theo tính chất chuyên đề; trước khi ban hành kết luận giám sát, tổ chức hội nghị mời thành phần đoàn giám sát và đối tượng được giám sát để trao đổi, giải trình thêm những vấn đề trong thực tế nhằm thống nhất kết luận giám sát.
Trao đổi kinh nghiệm của Thường trực HĐND trong theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Nam nêu: Trước hết, các kết luận, kiến nghị sau giám sát cần có nội dung cụ thể, rõ ràng, đúng phạm vi trách nhiệm của đối tượng phải thực hiện. Đồng thời, có thời hạn, lộ trình cụ thể để yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát thực hiện, là cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc khắc phục.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông thảo luận tại hội nghị.
|
"Với huyện Yên Dũng, trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND huyện và các ban tổ chức 25 cuộc giám sát về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: Quản lý, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đầu tư xây dựng công trình vệ sinh đối với các trường công lập; công tác quản lý đào tạo nghề. Qua đánh giá, việc khắc phục những hạn chế, tồn tại sau giám sát của chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng". Đồng chí Dương Văn Đức, Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện cho biết.
Trong ban hành kết luận sau giám sát, trước hết cần phân tích điều kiện thực tế, so sánh, đối chiếu với những quy định pháp luật, từ đó xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều hành để bảo đảm kết luận có tính khách quan, thuyết phục.
Đồng chí Chu Thị Toan nêu cách làm của Thường trực HĐND huyện Sơn Động trong theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau giám sát. |
Còn theo đồng chí Chu Thị Toan, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Động, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND phải xây dựng kế hoạch, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát. Nếu phát hiện những nội dung chưa triển khai, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cần có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp được giám sát không thực hiện nghiêm. Với những nội dung đã yêu cầu khắc phục nhiều lần mà chủ thể vẫn trây ì, thì cần kiên quyết “tái giám sát” hoặc xem xét, đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND.
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề và việc theo dõi thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, các ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, TP tập trung nghiên cứu để đổi mới hình thức tổ chức giám sát, nhất là trong lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, phân công nhiệm vụ thành viên đoàn giám sát.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu kết luận hội nghị.
|
Tập hợp thông tin, nghiên cứu quy định pháp luật liên quan để có cơ sở đối chứng, phản biện, tìm ra nguyên nhân, kiến nghị tháo gỡ, giải quyết với từng nội dung giám sát. Trong xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát, yêu cầu đối tượng chịu giám sát báo cáo trọng tâm, chính xác, kịp thời về nội dung, số liệu liên quan.
Khi xây dựng báo cáo đánh giá vấn đề được giám sát, phần nội dung kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng, không chung chung, chỉ “rõ người, rõ việc” theo đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát. Các kết luận, kiến nghị giám sát phải được các thành viên trong đoàn bàn thảo, xem xét và thống nhất trước khi ban hành.
Thành viên đoàn giám sát nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, chủ động nghiên cứu để có kiến thức chuyên môn sâu và phù hợp với các lĩnh vực được giám sát. Đặc biệt, có chính kiến rõ ràng trong việc đánh giá tình hình, kết quả khắc phục của các đối tượng chịu sự giám sát để theo đến cùng việc thực hiện kết luận giám sát.
Chú trọng việc theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành. Những kiến nghị chưa được thực hiện nghiêm túc hoặc tiến độ chậm thì cần phân tích, đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức giám sát lại hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, chất vấn tại các kỳ họp HĐND.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)