Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Bắc Giang: Bảo đảm tính đồng bộ, liên kết
Hạ tầng Khu đô thị Bách Việt (phường Dĩnh Kế) đang được hoàn thiện. |
Xin ông cho biết những điểm mới trong điều chỉnh quy hoạch lần này?
Một số điểm mới đó là: Thứ nhất, phạm vi lập quy hoạch được mở rộng so với đồ án Quy hoạch chung năm 2013, bổ sung các xã: Thái Đào, Xuân Hương (Lạng Giang) và thị trấn Tân Dân (Yên Dũng). Qua đó, bổ sung phân khu phát triển đô thị số 9 (gồm thị trấn Tân Dân và một phần xã Thái Đào); nâng tổng số diện tích lập quy hoạch lên hơn 14,4 nghìn ha, dân số dự báo đến năm 2030 hơn 360 nghìn người, đến 2035 hơn 372 nghìn người. Thứ hai, Quy hoạch định hướng phát triển không gian, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Bắc Giang đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Thứ ba, về định hướng phát triển không gian đô thị, bổ sung quy hoạch khu vực cửa ngõ phía Đông gồm xã Hương Gián, thị trấn Tân Dân và xã Thái Đào gắn với quốc lộ 31 và vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Thứ tư, việc quy hoạch hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của TP ngoài mục tiêu hàng đầu là phát triển đô thị còn tính đến việc kết nối khu vực với các đô thị lân cận trong tỉnh và bảo đảm liên kết vùng, tạo động lực phát triển đô thị của cả tỉnh. Thứ năm, cập nhật các đồ án quy hoạch ngành, các đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị và quy hoạch các khu chức năng đặc thù mới được phê duyệt sau năm 2013 trên địa bàn TP để bảo đảm đồng bộ tầng bậc quy hoạch trong đô thị.
Điều chỉnh quy hoạch nghiên cứu những định hướng quan trọng như thế nào trong phát triển đô thị TP Bắc Giang với vai trò là trung tâm của tỉnh?
Về định hướng phát triển không gian đô thị, toàn TP mở rộng chia làm 9 khu vực phát triển: Khu đô thị trung tâm; khu vực phía Nam quốc lộ 1; khu vực phía Tây Nam TP; khu vực phía Tây trung tâm đô thị hiện hữu; khu vực phía Bắc TP; khu vực phía Đông Bắc TP; khu vực núi Nham Biền; khu dân cư nông thôn và vùng canh tác nông nghiệp; khu dân cư kết hợp dịch vụ thương mại, hình thành trên cơ sở phát triển thị trấn Tân Dân và khu vực xã Thái Đào dọc quốc lộ 31 giao với đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.
Về định hướng phát triển các khu chức năng đô thị: Mở rộng khu vực phát triển dân cư đô thị tại 7 xã trở thành phường, trọng tâm là khu vực phía Nam TP; quy hoạch khu vực phát triển công nghiệp, trung chuyển hàng hóa bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, di dời các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gây ô nhiễm ra ngoài khu vực nội thành, khu dân cư, chuyển đổi nâng cao hiệu quả sử dụng đất một số tổ chức, doanh nghiệp; quy hoạch hệ thống trung tâm và phân bố các công trình công cộng như trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, thương mại - dịch vụ bảo đảm đồng bộ, đáp ứng quy mô tiêu chí của đô thị loại I.
Đối với khu vực dân cư nông thôn hiện hữu và phát triển nông nghiệp: Quy hoạch bảo tồn tôn tạo các cấu trúc làng xóm hiện hữu có giá trị, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đấu nối với hạ tầng khung của đô thị và khu vực; khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyển giao công nghệ nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Đại diện một số huyện, sở, ngành đóng góp ý kiến vào Đồ án. |
Tính liên kết với các đô thị trong tỉnh, trong khu vực Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội được xem xét như thế nào trong điều chỉnh quy hoạch lần này, thưa ông?
Về vai trò trong khu vực Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội: Quy hoạch TP Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, quy hoạch lần này sẽ bổ sung tính chất mới cho TP Bắc Giang là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái - trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động phía Đông Bắc vùng Thủ đô Hà Nội.
Tính liên kết với các đô thị trong tỉnh: Quy hoạch thể hiện rõ vai trò của TP Bắc Giang là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch giao thông liên vùng mới có tính kết nối với các đô thị xung quanh như đô thị Việt Yên, thị trấn Vôi (Lạng Giang) và thị trấn Neo (Yên Dũng) tạo động lực phát triển, giao thông thuận tiện, thông suốt.
Cụ thể, bổ sung các tuyến đường kết nối từ trung tâm TP tới trung tâm huyện Lạng Giang bằng tuyến song song đường tỉnh 295B về phía Tây lên thị trấn Vôi; quy hoạch tuyến đường kết nối tới trung tâm huyện Việt Yên từ tuyến vành đai 2 TP tại phường Đa Mai, qua phía Nam núi Nghĩa Trung, tới thị trấn Bích Động, đường nối từ quốc lộ 17 đến Khu đô thị - công nghiệp Đình Trám; định hướng quy hoạch tuyến đường kết nối tới trung tâm thị trấn Neo (Yên Dũng) tại tuyến vành đai 2 TP qua cầu Tân Liễu.
Những biện pháp để quản lý và thực hiện tốt quy hoạch TP Bắc Giang tới đây là gì, thưa ông?
Quan tâm bố trí nguồn lực để sớm triển khai lập hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu trên toàn bộ các khu vực của TP theo định hướng quy hoạch chung; đồng thời tiến hành triển khai lập quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm làm cơ sở thu hút đầu tư và phát triển đô thị.
Tiến hành tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch một cách chặt chẽ, khách quan, bảo đảm lựa chọn được các đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm; quá trình lập đồ án sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi, thảo luận, thống nhất ý tưởng quy hoạch; đồng thời cập nhật đầy đủ các đồ án quy hoạch chuyên ngành vào đồ án quy hoạch đô thị để tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về phương án quy hoạch để bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi của đồ án quy hoạch. Sau khi được phê duyệt sớm công bố, quảng bá và thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch để các cơ quan quản lý nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết, triển khai thực hiện đúng quy định.
Quan tâm bố trí, sắp xếp cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn tham gia công tác quản lý quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng phát triển đô thị; tăng cường tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập, tra cứu, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng.
Xin cảm ơn ông!
Kim Hiếu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)