Di tích nghệ thuật đình Vĩnh Ninh
Đình Vĩnh Ninh là công trình nghệ thuật đặc sắc thời Lê. (Ảnh: Quang Ngọc) |
Đình Vĩnh Ninh xưa có quy mô kiến trúc to lớn, đồ sộ, là công trình kiến trúc cổ, được khởi dựng từ triều vua Lê cách ngày nay khoảng 300 năm, được tu bổ mở rộng vào triều vua Lê niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) theo cấu trúc truyền thống gồm: tòa tiền tế, trung đình và hậu cung. Qua nhiều lần tu sửa, ngôi đình hiện còn tòa trung đình và hậu cung. Tòa trung đình gồm 5 gian, 2 dĩ, là nơi tế lễ của nhân dân nên đồ thờ tự được bài trí đơn giản, gọn gàng; trên mái các gian treo hoành phi, các cột treo câu đối.
Tòa hậu cung: là trung tâm thờ tự đức Thánh Cao Sơn-Quý Minh. Trong hậu cung, khám thờ được bài trí trang trọng ở gian giữa, bên trong đặt ngai và bài vị Đức Thánh. Hai bên khám là ngựa thờ, trước ngai là nhang án thờ, trên đặt bộ thất sự bằng đồng, hai bên là bộ siêu đao, bát biểu, trên cùng là bức hoành phi, hai bên cột treo câu đối. Tất cả các đồ thờ tự ở đình đều được tạo tác bằng chất liệu gỗ, chạm khắc, trang trí tinh xảo, sơn son thếp vàng rực rỡ thể hiện sự khéo léo của các nghệ nhân dân gian xưa.
Nói về ý nghĩa của ngôi đình với nhân dân địa phương, ông Nguyễn Xuân Cần, Ban Tế lễ đình Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang chia sẻ: “Vì xây dựng ở chốn linh thiêng của làng nên mọi việc lớn nhỏ trong năm dân làng đều báo cáo với đình. Những ngày lễ, tết nhân dân đều về dự hội làng và đặc biệt luôn có ý thức gìn giữ và công đức để tu bổ đình. Vì vậy, mặc dù một làng ở giữa thành phố có nhiều đổi mới nhưng nhân dân vẫn giữ được phong tục tập quán tốt đẹp từ xưa để lại”.
Ở đình Vĩnh Ninh, các tài liệu, hiện vật còn lưu giữ bên trong có vai trò quan trọng tạo nên giá trị lớn của di tích. Hiện vật có giá trị nghệ thuật cao ở đây là ngựa thờ bằng gỗ; kiệu bát cống, trên có long đình, được trạm lộng công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy, đó là sản phẩm nghệ thuật cổ đặc sắc mà ít nơi còn giữ được. Kế đến là hệ thống các đồ thờ, ngai thờ, bát biểu, câu đối, tấm bia bằng đá xanh 4 mặt, ghi lại công đức của người dân có công đóng góp tu bổ đình…
Trong đình còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật nghệ thuật cổ, đặc sắc. (Ảnh: Quang Ngọc) |
Ông Nguyễn Quách Hải, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Bắc Giang cho biết: Thời gian qua tỉnh và thành phố thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và tu bổ các giá trị của di tích. Từ năm 2009 đến nay, đình Vĩnh Ninh trải qua các quá trình tu bổ từ tòa trung đình, hệ thống cổng, cũng như nhà tạo soạn và gần đây tiếp tục tu bổ tòa hậu cung.
Với những ý nghĩa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, năm 1994 đình Vĩnh Ninh được xếp hạng là Di tích Nghệ thuật quốc gia. Hằng năm, để bày tỏ lòng thành kính, nhân dân địa phương lại mở hội vào ngày 19, 20 tháng Giêng. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước, đồng thời có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc ta.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)