Đến 6 giờ ngày 13/11, thế giới vượt 53 triệu ca nhiễm Covid-19
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 138.000 ca), Ấn Độ (43.681 ca) và Italy (37. 978 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.005 ca), Brazil (828 ca) và Italy (636 ca).
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. |
Trong bối cảnh người dân đang trở nên mệt mỏi với dịch Covid-19, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo vẫn cần phải cảnh giác và thận trọng trong khi thế giới vẫn đang chờ một loại vaccine tiềm năng có thể phòng bệnh hiệu quả.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Tổng giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới.
Ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bào chế thành công một loại vaccine hiệu quả, song cũng không thể trông đợi hoàn toàn vào vaccine.
Chính vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng bệnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng kêu gọi cần chia sẻ vaccine phòng Covid-19 với các nước nghèo.
Châu Mỹ: Các bệnh viện Mỹ đối mặt sức ép khi số ca nhập viện tăng cao
Sau vài tuần chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải, buộc giới chức địa phương phải áp dụng các biện pháp mới nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Theo số liệu mới nhất của Covid Tracking Project, có tới 61.964 ca phải nhập viện vì Covid-19 trong ngày 10/11, lần đầu tiên vượt qua con số 60.000 ca. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại thành phố biên giới El Paso ở phía Tây bang Texas, nơi số ca nhiễm đã vượt qua con số 1 triệu.
Riêng tại hạt El Paso, hơn 1.000 người đã phải nhập viện vì Covid-19, chiếm phần lớn trong tổng số 6.170 ca nhập viện ở đây.
Thống đốc bang Texas, Greg Abbott đã đề nghị cải tạo một trung tâm y tế quân sự thành nơi điều trị cho các bệnh nhân không nhiễm Covid-19, qua đó tạo thêm giường trống trong bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, giới chức hạt El Paso đã đề nghị bổ sung nhà xác di động.
Tình hình tại El Paso là điển hình cho thấy những khó khăn mà các chính quyền địa phương đang phải đối mặt tại Mỹ. Cuối tháng 10 vừa qua, một thẩm phán hạt El Paso đã yêu cầu đóng cửa các công ty không thiết yếu trong vòng 2 tuần.
Trong khi đó, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Corey Lewandowski, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ông Lewandowski, 47 tuổi, là thành viên mới nhất trong nhóm giới chức vòng trong của Tổng thống Trump bị mắc Covid-19. Trước đó, đã có ít nhất 4 quan chức cũng đã được xác định mắc bệnh kể từ sau ngày bầu cử 3/11.
Theo số liệu thống kê, đến nay Mỹ đã ghi nhận trên 10,8 triệu ca mắc Covid-19 khiến trên 248.000 người thiệt mạng. Bản thân Tổng thống Trump cũng từng phải nhập viện trong thời gian ngắn vì mắc căn bệnh này hồi đầu tháng 10. Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và con trai Barron cũng bị nhiễm bệnh.
Châu Âu: Tổng thống Ukraine nhập viện do mắc Covid-19
Ngày 12/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhập viện sau khi ông được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi đầu tuần.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine cho biết ông Zelenskiy đã quyết định tới bệnh viện Feofania để cách ly hoàn toàn và đảm bảo không lây nhiễm cho người khác. Về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Ukraine, người phát ngôn này cho biết không có vấn đề nghiêm trọng.
Hôm 9/11, ông Zelenskiy cho biết ông có kết quả xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2. Ba quan chức cấp cao khác gồm Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Quốc phòng và một cố vấn cấp cao của ông Zelenskiy cũng đã nhiễm virus này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã ghi nhận 500.865 ca nhiễm và 9.145 ca tử vong. Dịch Covid-19 tại Ukraine chuyển biến theo chiều hướng xấu hồi tháng 9 khi số ca nhiễm tăng từng ngày, buộc chính phủ nước này gia hạn các biện pháp hạn chế để ứng phó với dịch bệnh cho đến cuối năm 2020.
Hôm 11/11, Nội các của ông Zelenskiy đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào các ngày cuối tuần nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế để ứng phó với dịch bệnh.
Hy Lạp áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc
Tại Hy Lạp, chính phủ nước này thông báo một lệnh giới nghiêm toàn quốc và có hiệu lực từ đêm 13/11 sau khi ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.
Hy Lạp đưa ra quyết định trên sau khi số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt. Tổ chức Y tế công Quốc gia (EODY) của Hy Lạp cho biết ngày 12/11, nước này ghi nhận 50 ca tử vong, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 959 ca. Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua cũng tăng thêm 3.316 ca, lên tổng số 66.637 ca.
Tây Ban Nha thắt chặt quy định nhập cảnh
Bộ Y tế Tây Ban Nha cùng ngày cho biết nước này sẽ yêu cầu những người đến từ những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 23/11 tới, theo đó những người đến Tây Ban Nha sẽ phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được tiến hành trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này.
Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ các công ty du lịch, đơn vị vận tải đường biển và đường không phải thông báo đến hành khách về quy định mới này.
Hiện tại, khách quốc tế đến Tây Ban Nha phải khai báo y tế và kiểm tra nhiệt độ khi nhập cảnh. Việc Tây Ban Nha thắt chặt quy định nhập cảnh trên là nhằm thực hiện khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) rằng tất cả các quốc gia thành viên phải áp đặt các biện pháp tương tự. Tây Ban Nha cũng sẽ đánh giá những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao theo tiêu chuẩn của EU.
Tính đến 6 giờ ngày 13/11, số ca nhiễm tại Tây Ban Nha là trên 1,4 triệu ca, trong khi số ca tử vong tăng lên trên 40.000 ca. Hiện Tây Ban Nha là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao thứ 4 ở EU.
Ý kiến bạn đọc (0)