Đề xuất hợp nhất 750.000 người làm bảo vệ trật tự ở cơ sở
Sáng 11/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Trình bày dự án Luật, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nói việc thống nhất lực lượng sẽ giúp tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở.
Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tham gia phối hợp, hỗ trợ công an xã chính quy trong bảo đảm an ninh, trật tự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng 11/9. |
Theo lãnh đạo Bộ Công an, việc thống nhất nêu trên sẽ giúp giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước. Do dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, các chức danh không phải là người hoạt động chuyên trách nên khi hợp nhất sẽ cắt giảm được khoảng 500.000 người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tương đương với cắt giảm chi 375 tỷ đồng mỗi tháng.
"Dự thảo Luật chỉ quy định mức bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng mới và bỏ chi trả phụ cấp hàng tháng. Như vậy, sẽ giảm chi ngân sách nhà nước để chi trả hàng tháng cho các lực lượng này như hiện nay", Đại tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng 11/9. |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn về dự kiến tổng số người tham gia lực lượng khi thành lập; nguồn kinh phí cần thiết để bảo đảm cho lực lượng này hoạt động (như nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ...), làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hiện ở các địa bàn cơ sở có nhiều mô hình tự quản tham gia vào hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở như câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh trật tự... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang xây dựng đề án về thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, tổ dân phố, trong đó có một số mô hình do chính quyền địa phương thành lập khá tương đồng với lực lượng trong dự thảo Luật.
"Những mô hình tự quản tham gia bảo vệ an ninh trật tự như vậy cần có tổng kết, đánh giá chung khi xây dựng luật này để có đề xuất mang tính tổng thể, bố trí lại lực lượng theo hướng bảo đảm tinh gọn, tránh chồng chéo", ông Tùng nói và đặt vấn đề, khi ban hành luật này với ba lực lượng dự kiến thì các mô hình tự quản khác có tiếp tục duy trì không? Nếu có thì chế độ pháp lý thế nào, mối quan hệ giữa các mô hình tự quản này với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thế nào cần tiếp tục được làm rõ.
Mặt khác, dù dự thảo Luật không không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp, nhưng cũng quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. "Thực chất, đây có thể chỉ là cách gọi khác, còn về tính chất thì cũng như phụ cấp", ông Tùng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo đánh giá tổng kết những mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng đang tồn tại như các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh trật tự, mô hình thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc...
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, cần có ý kiến của Bộ Tài chính về các điều kiện bảo đảm cho lực lượng mới từ bồi dưỡng, huấn luyện, mua sắm trang thiết bị, nơi làm việc, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế...
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)