Để doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng yên tâm
BẮC GIANG - Những tháng đầu năm nay, kinh tế tỉnh Bắc Giang có sự phục hồi, tăng trưởng tích cực. Với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) nên tình hình thị trường tương đối ổn định.
Một trong những vụ hàng giả quy mô lớn bị phát hiện là vừa qua, lực lượng chức năng xác minh được kho hàng ở Lục Ngạn có chứa khoảng 23 nghìn đơn vị sản phẩm là quần, áo, giày, dép, túi, mũ... giả mạo nhãn hiệu của thương hiệu lớn và gần 500 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên quan. Hiện Công an huyện Lục Ngạn tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Trước đó, riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đấu tranh có hiệu quả 1.727 vụ, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 949 vụ, 959 đối tượng vi phạm về kinh doanh hàng hoá.
Trong đó, 275 vụ về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 85 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 589 vụ về gian lận thương mại, an toàn thực phẩm và các vi phạm khác. Đây là kết quả trong phối hợp, nỗ lực kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng địa phương. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng BCĐ 389 tỉnh nêu, hiện nay trong đấu tranh về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn gặp một số khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã khởi tố, xử lý hình sự 29 vụ và 45 đối tượng. Trong đó có một số vụ, bị can bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả song doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng thật có mặt hàng bị giả mạo nhãn hiệu lại ngại phối hợp xác minh. Nguyên nhân do các chủ DN còn e dè khi tiếp xúc với cơ quan điều tra nên phần nào ảnh hưởng đến công tác đấu tranh. Bởi lẽ, việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ hiệu quả hơn nếu DN sản xuất hàng chính hãng chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng. Việc này sẽ kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi cho chính DN là chủ sở hữu các nhãn hiệu.
Nhận định tình hình thị trường sẽ diễn biến sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào những tháng cuối năm. Theo đó, các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm quyền lợi DN và người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, các DN cần tích cực phối hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định thành công của DN. Như vậy mới mang lại hiệu quả trong phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đúng chất lượng; các DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)