Để có phiên giải trình hiệu quả
Làm tốt khâu chuẩn bị
Xét về hình thức, hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND và giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND có nhiều điểm giống nhau. Đó cùng là hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp, cùng do một chủ thể đứng ra tổ chức là Thường trực HĐND.
Đại biểu HĐND tỉnh khu vực Lục Ngạn chất vấn tại một phiên giải trình do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang chủ tọa. |
Trong hoạt động chất vấn có giải trình làm rõ nguyên nhân. Trong hoạt động giải trình có các ý kiến nêu câu hỏi yêu cầu giải trình tiếp về trách nhiệm, biện pháp khắc phục. Chính những điểm tương đồng này khiến nhiều người cho rằng hoạt động chất vấn và hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND là một.
Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và qua thực tế cho thấy đây là hai hoạt động về tính chất có nhiều điểm khác nhau. Trước hết, trong hoạt động chất vấn, người chất vấn phải là đại biểu HĐND, còn trong hoạt động giải trình, chủ tọa là người nêu nội dung yêu cầu giải trình, các thành viên Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND tham dự có thể nêu thêm những nội dung yêu cầu giải trình, làm rõ.
Nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình được gửi trước tới người phải giải trình chậm nhất là 10 ngày, còn đối với nội dung chất vấn, luật không quy định về việc gửi trước.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, thông qua các phiên họp thường kỳ hằng tháng, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành 12 cuộc giải trình. Nội dung đều tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc còn nhiều bất cập liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực thi pháp luật và thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể như: Giải trình về hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; những bất cập trong thực hiện cung ứng thanh toán xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh Bắc Giang; thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành; thực hiện thu, quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận và tự nguyện trong các nhà trường; quản lý, bảo tồn các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…
Để cuộc giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND mang lại hiệu quả thiết thực, việc lựa chọn vấn đề là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch công tác và sự phân công của Thường trực HĐND, các ban của HĐND phải chủ động lựa chọn nội dung vấn đề cần giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách.
Vấn đề lựa chọn đề xuất giải trình phải là những vấn đề “nóng”, bảo đảm sát và trúng tại mỗi thời điểm, được cử tri mong đợi. Đó là những tồn tại, bất cập đang diễn ra trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật và nghị quyết của HĐND, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn, đơn vị, ngành, có ảnh hưởng tới phát triển KT-XH và quyền lợi chính đáng của người dân ở địa phương.
Nguồn cung cấp nội dung để lựa chọn giải trình chính là kết quả các cuộc khảo sát, giám sát, qua ý kiến kiến nghị của cử tri, qua chất vấn của đại biểu tại kỳ họp gần nhất, đơn thư phản ánh của công dân, phản ánh của báo chí và dư luận. Kinh nghiệm cho thấy, để nội dung giải trình được tập trung sâu, không dàn trải và có tính khả thi cao, tại mỗi phiên giải trình chỉ nên lựa chọn một vấn đề cụ thể.
Tuy nhiên, để hoạt động giải trình diễn ra sinh động, làm rõ vấn đề trọng tâm, giúp chủ tọa chủ động trong việc dẫn dắt, điều hành, bảo đảm thời gian và những mục tiêu đặt ra phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng khâu chuẩn bị.
Muốn vậy, trong công tác chuẩn bị phải nghiên cứu kỹ báo cáo giải trình do cơ quan, người có trách nhiệm giải trình gửi tới; thu thập, tổng hợp các tài liệu, báo cáo giám sát, khảo sát, ý kiến cử tri, chuẩn bị chứng cứ minh họa cho nội dung yêu cầu giải trình.
Tại phiên giải trình, sau khi nghe người giải trình báo cáo xong, nếu thấy chưa hài lòng, các thành viên khác của Thường trực HĐND và các đại biểu nêu câu hỏi để yêu cầu giải trình tiếp.
Giám sát kết quả sau giải trình
Ngoài các yếu tố nêu trên, để hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tổ chức thành công, nên tranh thủ sự hỗ trợ của báo chí truyền thông và các công cụ máy ảnh, ghi âm, video clip.
Thời gian qua, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh Bắc Giang đã mời cơ quan báo chí tham gia các cuộc giám sát, khảo sát; xây dựng bài, phóng sự, định hướng nội dung phản ánh trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và phục vụ trình chiếu minh họa tại phiên giải trình. Điều đó không chỉ tăng tính hấp dẫn, sinh động, thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri mà còn mang tính thuyết phục cao ngay tại cuộc họp.
Vì hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND là một hình thức giám sát giữa hai kỳ họp nên việc giám sát thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tại phiên giải trình hết sức cần thiết. Việc tổ chức giám sát thực hiện kết luận sau phiên giải trình có thể tiến hành riêng hoặc tiến hành lồng ghép với giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau khảo sát, giám sát, thực hiện lời hứa của các thành viên UBND, thủ trưởng các sở, ngành tại kỳ họp HĐND.
Có thể khẳng định hiệu quả của hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND đã được chứng minh thực tế qua các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Nhiều bất cập, tồn tại được đề cập, yêu cầu giải trình làm rõ đã được tháo gỡ kịp thời và được cử tri, dư luận đánh giá cao.
Tuy nhiên, do đây là một hoạt động mới được luật quy định, triển khai chưa được bao lâu, lại thiếu các văn bản hướng dẫn, nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn, nhất là ở cấp huyện và cấp xã.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hình thức giám sát này, thiết nghĩ trong giai đoạn hiện nay, áp dụng tại phiên họp của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có tính khả thi hơn và mới bảo đảm đủ điều kiện để tổ chức. Việc áp dụng nên theo hướng mỗi năm tổ chức khoảng 3 cuộc tại HĐND cấp tỉnh và 2 cuộc tại HĐND cấp huyện.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)