ĐBQH Bắc Giang đề xuất giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang: Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hà Thị Lan, Phó trưởng Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang phát biểu tập trung vào một số giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tạo dựng môi trường mạng an toàn
Trong tham luận của mình, đại biểu Hoàng Thị Hoa phân tích, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu người. Hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa phát biểu thảo luận về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. |
Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống của trẻ em trong việc cung cấp kiến thức, phương thức làm việc, giải trí, tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới và cơ quan trong nước cũng cho thấy không ít tác động tiêu cực, thậm chí có nhiều nguy cơ, rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng.
Đại biểu nhấn mạnh: Thông qua môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, quay, chụp lại và phát tán; tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm, xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác; gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp (bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện game trực tuyến…).
Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu Bắc Giang. |
Các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng bên cạnh tác động đến sức khỏe, còn ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức, thậm chí trong một số trường hợp còn gây sang chấn tâm lý. Bởi trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều những biến động và thiếu tính ổn định. Mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em.
Trong 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này. Phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở T.Ư để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng.
Xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm có đủ hành lang pháp lý giúp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội liên quan đến trẻ em.
Lãnh đạo một số cơ quan: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn cùng dự họp trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phù hợp với từng độ tuổi. Phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Lao động -Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; T.Ư Đoàn…, để có chương trình truyền thông giúp trẻ em có những kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp trẻ em nhận biết; cảnh báo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về các nội dung không phù hợp trẻ em.
Về phía các cơ quan truyền thông: Không khuyến khích thông tin các vụ xâm hại tình dục của trẻ em. Tập trung truyền thông cho trẻ em, cha mẹ và gia đình, nhà trường, trong đó nhấn mạnh đến nội dung đồng hành cùng trẻ em sử dụng internet thông minh và an toàn. Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tạo dựng môi trường mạng an toàn cho trẻ em.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hà Thị Lan cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan liên quan trong vấn đề bảo vệ trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng đối với nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.
Đại biểu Hà Thị Lan phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang. |
Cùng đó, trang bị kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả và nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong chương trình học tin học chính khoá.
Đại biểu Hà Thị Lan cũng đề xuất giải pháp khai thác có hiệu quả mạng xã hội-nơi tập trung sự quan tâm thường xuyên của giới trẻ để phổ biến những nội dung thiết thực, kỹ năng cụ thể về phòng chống xâm hại trẻ em. Trong đó có những quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại mà mỗi trẻ em cần phải biết.
Kịp thời cụ thể hóa quy định của Luật An ninh mạng (ANM) liên quan đến bảo vệ trẻ em. Luật ANM được Quốc hội thông qua tháng 6/2018 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.
Đại biểu đề nghị Chính phủ giao các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy định Điều 29 Luật ANM, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường Internet.
Cùng ngày, đại biểu Ngô Sách Thực tham luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, trên cả nước phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là hơn 8 nghìn em, trong đó có hơn 7 nghìn em nữ.
Đại biểu Ngô Sách Thực thảo luận tại kỳ họp. |
Đại biểu Ngô Sách Thực đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; thủ tục giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với trẻ em là loại đặc biệt, rút ngắn thời hạn cơ quan tiến hành tố tụng xem xét ra quyết định trưng cầu giám định. Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế về sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ giám định y khoa, sử dụng môi trường mạng để hỗ trợ nạn nhân từ xa và tăng bằng chứng trước tòa.
Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp năm 2012 đối với các quy định liên quan đến giám định y khoa đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực trên cơ sở giới. Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, đại biểu đề nghị cần bổ sung các chương trình hành động quốc gia cho phù hợp trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, trẻ em; tăng cường cơ sở vật chất, nơi vui chơi cho trẻ em… Hoàn thiện các quy định để phát huy giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)