Công tác giảm nghèo: Hỗ trợ tiếp cận chính sách, nguồn lực xã hội
Trao “cần câu” cho người nghèo
Trước đây, gia đình anh Phí Văn Sáu là một trong những hộ nghèo nhất thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu. Kinh tế chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng cấy lúa không ăn chắc. Cách đây ít năm, anh được tạo điều kiện vay hơn 30 triệu đồng theo chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi thả cá kết hợp nuôi vịt đẻ.
Công ty cổ phần PT Daehan Global, xã Yên Lư (Yên Dũng) tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. |
Được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lại ham học hỏi nên anh Sáu đã từng bước phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, ngoài hơn một mẫu diện tích mặt nước thả cá, anh còn nuôi 1.300 con vịt đẻ; đàn dê hơn 20 con đang gây nái. Năm vừa qua, trừ chi phí, gia đình thu hơn 100 triệu đồng.
Tương tự, với “cần câu” là 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Nguyễn Thị Thuyết ở thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại mua bò, lợn giống để tạo sinh kế cho gia đình. Bà cũng mạnh dạn vay vốn cho con đi lao động tại Đài Loan (Trung Quốc). Hiện tại gia đình bà Thuyết đã có “của ăn, của để”, xây dựng nhà khang trang trị giá khoảng một tỷ đồng.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện được biết: Hằng năm, huyện tổ chức điều tra, rà soát và phân loại hộ nghèo, cận nghèo, từ đó đưa ra biện pháp giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, người nghèo còn trong độ tuổi lao động được tạo điều kiện tiếp cận với chương trình, dự án, chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và vốn vay ngân hàng.
Năm 2019, với chính sách tín dụng ưu đãi, hơn 300 hộ nghèo được vay khoảng 15 tỷ đồng, nâng tổng số hộ dư nợ vay vốn trên địa bàn lên 1.467 hộ (tổng dư nợ lũy kế hơn 66 tỷ đồng). Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo tập trung cải tạo ruộng, vườn, mua cây, con giống để mở rộng, phát triển kinh tế. Mặt khác, để góp phần giảm nghèo bền vững, huyện chỉ đạo tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Năm qua, hơn 2,6 nghìn lao động nông thôn được học nghề dưới ba tháng; khoảng 3,2 nghìn người có việc làm mới, trong đó hơn 700 người đi lao động ở nước ngoài.
Giúp đỡ thiết thực
Nhiều năm qua, huyện Yên Dũng luôn chủ trương huy động các nguồn lực trong xã hội để chung tay giảm nghèo. Điển hình là sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Chẳng hạn, ngoài tín chấp cho phụ nữ vay vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn vận động hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Từ hoạt động này, 530 hội viên được vay tiền, hỗ trợ vật tư, cây con giống không tính lãi trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ huyện và các xã, thị trấn vận động hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 28 nhà ở; Hội Nông dân huyện tổ chức 101 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Những trường hợp như chị Hoàng Thị Hợi ở thôn Thượng Tùng, Hoàng Thị Hoa ở thôn Toàn Thắng (xã Lão Hộ); bà Nguyễn Thị Thuyết ở thôn Hưng Thịnh (xã Tư Mại); ông Lê Thế Khanh ở thôn Thượng (xã Đồng Việt)… thoát được nghèo chính bởi sự giúp đỡ thiết thực về vật chất, tinh thần từ các tổ chức hội, đoàn thể trong huyện.
Huyện cũng dành 417 triệu đồng để miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh; hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện; lập danh sách đề nghị cấp hơn 6 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo.
Năm 2020, huyện phấn đấu giảm hộ nghèo còn 1,96%. Để đạt mục tiêu này, huyện tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; bố trí đủ vốn cho chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm... nhằm tạo động lực để giảm nghèo bền vững.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)