Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công nghiệp Bắc Giang - hành trình từ không đến có - Bài 2: “Trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư

Cập nhật: 05:59 ngày 28/10/2022
 
{keywords}

Cho đến bây giờ, hẳn nhiều người dân Bắc Giang còn nhớ sự kiện diễn ra vào ngày 11/10/2003 - ngày khởi công xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Dẫu vậy, để hoàn thiện hạ tầng và lấp đầy KCN này và những KCN tiếp theo, tỉnh gặp không ít khó khăn.

{keywords}

Ngày 7/12/1999, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây dựng KCN Đình Trám diện tích 101 ha, thuộc địa bàn hai xã Hồng Thái, Hoàng Ninh (Việt Yên). Điều hiển nhiên là để KCN dần hình thành đồng nghĩa với phải giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi diện tích đất tương ứng.

{keywords}

Dây chuyền sản xuất ở Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Khu Công nghiệp Đình Trám).

Một trong những lý do khiến GPMB KCN Đình Trám, tiếp đó là các KCN Quang Châu, Vân Trung gặp khó khăn là trước đó một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đứng chân trên địa bàn xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh) gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều người dân bức xúc dựng lều bạt phản đối. Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với hướng xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường của tỉnh và GPMB xây dựng các KCN. Cho đến giờ, Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh vẫn nhớ rõ những ngày “ba cùng” với nhân dân. Theo Đại tá Nguyễn Đức Thuận, chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh là đúng song do việc phổ biến các chủ trương, chính sách đến hộ dân chưa đầy đủ, chưa kể khi triển khai còn có thiếu sót nên quá trình thu hồi đất gặp những khó khăn. Không ít hộ dân cho rằng đã bao đời gắn bó với đồng ruộng, không còn đất canh tác sẽ không biết làm gì để sống, tương lai con cháu sẽ ra sao(?). Đã vậy, một số đối tượng xấu lợi dụng kích động nên lúc đầu nhiều hộ không bàn giao đất. Có cán bộ nghỉ hưu còn hùa theo những người không đồng tình với chủ trương chung. Nội bộ nhân dân ở một số thôn bị phân hóa, những hộ ủng hộ chủ trương của tỉnh bị tẩy chay, thậm chí bị đe dọa; nhiều hộ dân còn phải đóng góp một khoản tiền để phục vụ cho việc khiếu kiện, giữ đất. Hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi không phát huy được vai trò, nguy cơ trở thành “điểm nóng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự hiện hữu.

{keywords}
{keywords}

Trước tình hình trên, kiên trì với chủ trương phát triển công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, giải đáp ý kiến, kiến nghị của người dân; thành lập các tổ công tác, Đội GPMB tích cực vào cuộc. Con em địa phương công tác ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện được giao nhiệm vụ tuyên truyền người thân gương mẫu chấp hành chủ trương của tỉnh. “Chúng tôi nắm bắt các đối tượng trong thôn, nhất là thành phần cộm cán, thậm chí có tiền án để tuyên truyền. Vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa kiên quyết với từng trường hợp nên khó khăn cũng dần qua”- Đại tá Nguyễn Đức Thuận kể.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, từng là cán bộ Đội GPMB KCN Quang Châu nhớ lại: “Bất kể nắng mưa, sớm tối, có điều kiện là chúng tôi phối hợp tuyên truyền, giải thích chủ trương, lợi ích của việc phát triển công nghiệp, cơ chế thu hồi, bồi thường GPMB song không phải ai cũng hiểu và đồng thuận ngay. Hộ đồng thuận còn đỡ, người kiên quyết phản đối thì buông đủ lời lẽ khó nghe. Nhận thức rõ nguyện vọng, lo lắng của đa số hộ dân là chính đáng, cán bộ GPMB kiên trì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ đó tuyên truyền kết hợp tổng hợp để tham mưu, đề xuất với tỉnh, các ngành những giải pháp trước mắt và lâu dài trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và hộ dân”.

{keywords}

Dây chuyền sản xuất găng tay xuất khẩu tại Công ty Glovenland vina (Việt Yên).

Với những trường hợp cố tình không chấp hành, tỉnh chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng xúi giục, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện đông người, có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Những cán bộ có sai phạm liên quan đến bồi thường GPMB, thu hồi đất tùy mức độ cũng bị xử lý để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và tạo niềm tin trong nhân dân.

{keywords}

Cho đến bây giờ, nhiều người dân Bắc Giang vẫn nhớ sự kiện diễn ra vào ngày 11/10/2003 - ngày khởi công xây dựng KCN Đình Trám - “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. KCN được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn DN, tổng vốn đầu tư khoảng 210 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 184 tỷ đồng, còn lại là vốn DN (làm điện, nước). Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: “Đầu tư hạ tầng KCN Đình Trám, tỉnh phải nỗ lực rất lớn bởi thời điểm đó là tỉnh nghèo, ngân sách rất hạn hẹp. Để đáp ứng kỳ vọng, tỉnh tập trung huy động nguồn lực nội tại và hỗ trợ từ T.Ư để đầu tư. Đây là KCN sử dụng hình thức thu tiền thuê đất có hạ tầng (thu hằng năm), thuận lợi trong việc tiếp nhận các dự án, nhất là dự án trong nước hoặc dự án có tiềm lực tài chính thấp, phù hợp với những tỉnh mới đầu tư phát triển các KCN”.

{keywords}

KCN Song Khê - Nội Hoàng.

Tại lễ khởi công KCN Đình Trám, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến nhà đầu tư, khẳng định Bắc Giang luôn coi trọng vai trò của DN, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Tỉnh coi hiệu quả kinh tế, kinh doanh của DN như của địa phương. Lãnh đạo tỉnh cam kết cùng chia sẻ khó khăn, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại vì sự phát triển bền lâu của DN. Kèm theo đó, hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút đầu tư được ban hành như ưu đãi về giá thuê đất, thuế, phí sử dụng hạ tầng… Ngoài ra, các dự án có vốn đầu tư trong nước không thuộc danh mục nhà nước cấm đều được hưởng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề… UBND tỉnh tạo điều kiện cho các DN vay vốn từ các nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và xem xét hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư; hỗ trợ 100% thuế thu nhập DN thực nộp vào ngân sách tỉnh trong 3 năm đầu và 50% cho 3 năm tiếp theo kể từ khi sản xuất kinh doanh có lãi. Các DN sử dụng lao động là người địa phương được xem xét hỗ trợ đến 50% kinh phí đào tạo nghề theo định mức của Nhà nước (mức tối đa không quá 500 nghìn đồng/lao động) và nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác.

{keywords}

Công ty TNHH Viettonic trong dây chuyền sản xuất.

Sau khi khởi công KCN Đình Trám, tỉnh cũng chấp thuận cho DN đầu tư dự án Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng với số vốn hơn 4 nghìn tỷ đồng… Từ sự khởi đầu thuận lợi này, thời điểm đó, Bắc Giang kỳ vọng trong tương lai không xa, KCN Đình Trám, Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng cùng với Cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (nay là KCN Song Khê - Nội Hoàng) ở gần đó sẽ tạo thành liên khu, cụm công nghiệp tầm cỡ của tỉnh.

{keywords}

Khu công nghiệp Vân Trung.

Với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, đồng thời làm tốt công tác GPMB, tiến độ xây dựng hạ tầng được đẩy nhanh, chỉ trong thời gian ngắn, KCN Đình Trám đã có 25 DN đăng ký đầu tư với diện tích 62 ha, vượt kế hoạch đề ra. Trong số đó có nhiều DN lớn, nổi bật như: Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Phú Thịnh, Công ty cổ phần Thực phẩm Hoàng Gia.... Theo thời gian, số DN đầu tư vào KCN Đình Trám ngày càng tăng và đến năm 2009 đã lấp đầy với 141 dự án đầu tư thứ cấp, tổng vốn đầu tư 493 tỷ đồng và 366 triệu USD. Theo tính toán, suất đầu tư quy đổi ở KCN Đình Trám đạt 2,75 triệu USD/dự án và 3,91 triệu USD/ha đất công nghiệp. KCN giải quyết việc làm cho khoảng 23 nghìn lao động, trong đó có nhiều lao động địa phương.

{keywords}

Tuyến đường nối với quốc lộ 37 mới được đầu tư xây dựng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Vạn sự khởi đầu nan, từ KCN mang dấu ấn lịch sử này là cơ sở để tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như bổ sung các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Thời gian qua đi, các KCN Quang Châu, Vân Trung cũng trên địa bàn huyện Việt Yên dần hình thành, đón nhà đầu tư đến triển khai dự án. Đến nay, tỉnh có 5 KCN đi vào hoạt động, tạo bước đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, từng bước đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của cả nước.

(Còn nữa)

Chia sẻ:
cong-nghiep-bac-giang-hanh-trinh-tu-khong-den-co-bai-2-“trai-tham-do”-don-nha-dau-tu.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...