Cổng làng
Cổng làng
Chiều hôm đón mát cổng làngGió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời
Đường quê quanh quất bao người về thôn
Sáng hồng lơ lửng mây son
Mặt trời thức giấc véo von chim chào
Cổng làng rộng mở ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai
Trưa hè bóng lặng nắng oi
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm
Những khi gió lạnh mưa buồn
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn
Nhưng khi trăng sáng chập chờn
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha
Ngày mùa lúa chín thơm đưa...
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre
Bàng Bá Lân
Lời bình
Đồng quê, vườn lượn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn. Yêu quá hai tiếng quê, câu trên câu dưới song sóng điệp từ. Nó chả mới lạ gì, nhưng cứ anh ánh, nhoi nhói lên một nỗi niềm, dường như vời vợi xa xót. Đã có rồi đấy, lại bỏ rơi đâu đấy, bao giờ tìm được...
Còn hai tiếng “quanh quất” ở đây sao đắt giá vô chừng, quanh quất vừa đúng với hình ảnh những con đường quê rơm rạ nhỏ bé, lúc theo bờ ruộng, lúc men quanh ao, lúc lại luồn qua bụi cây hoang rậm rạp.
Nhưng “quanh quất” đâu chỉ đặc tả hình thể con đường, quanh quất đã thành trạng thái tình cảm, có một cái gì đó, như muốn dứt khoát ra mà không nỡ, lại cứ lòng vòng thương mến.
Quanh quất ấy lại gắn liền với hình ảnh bao người về thôn. Giá là ra khỏi thôn thì hỏng cả. Nhưng: Đường quê quanh quất bao người về thôn gợi đồng cảm bao nhiêu. Trong đoàn người lặng lẽ, mờ mờ ảo ảo kia, nghe như có cả mình trong ấy chăng? Có lẽ toàn bài thơ đã được cấu trúc quanh một nỗi niềm quanh quất như thế.
Như người thợ thêu tài hoa, khéo dấu mối chỉ, Bàng Bá Lân không ra mặt xưng tôi, ta, anh... nhưng người đọc vẫn nhận ra tác giả khi phong cảnh hiện lên. Trong lớp lớp hình ảnh nối tiếp đó có hai cuốn lịch thời gian đan xen nhau.
Một, cái thời gian biểu ngắn cho một ngày, đủ sáng trưa chiều tối. Một cuốn lịch dài suốt cả năm: Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hai cuốn lịch ấy được gắn vào một cái cổng làng, được giở ra bất chợt, chẳng theo thứ tự bắt buộc nào. Chừng như thi sĩ muốn níu lấy cảnh đẹp giây phút thoáng qua, và còn muốn theo kịp mạch đập vĩnh cửu của âm dương xuân hạ.
Bàng Bá Lân trong Thi nhân Việt Nam được xếp vào nhóm nhà thơ của phong cảnh đồng quê. Trong bài Cổng làng thi sĩ đã làm trọn yêu cầu “Thi trung hữu họa”, trong thơ có hội họa khi vẽ liên tiếp những bức tứ bình với nhiều hòa sắc khác nhau:
Trong sáng và rực rỡ thi cảnh:
Cổng làng rộng mở ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai
Nhịp thơ lục bát được cách tân, cho câu trước bắt mạch vào câu sau, tự nhiên bao nhiêu...
Dầm dề, lặng lẽ buồn, thì cảnh:
Những khi gió lạnh mưa buồn
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn
Cảnh vắng, thì cổng làng được nhân hoá như người im ỉm. Và đường lội trơn như cũng có người nào ngậm tăm đang dò từng bước trong chữ “lội”. Bởi nói riêng về đường thì chỉ đường trơn cũng đủ... Cảnh trong thơ Bàng Bá Lân đều đượm tình và chắt lọc, gặp một lần là không dễ gì quên được. May mắn tuổi thơ tôi có được nhiều bài học thuộc lòng đáng quý như thế.
Hơn nửa thế kỷ qua đi, hôm nay đọc lại Cổng làng mà phong cảnh đã khác xưa. Những luỹ tre bao bọc quanh làng, nhiều nơi đã không còn nữa. Nhà cửa vượt khỏi thế thắt bó, đã tiến dần về phía các đường lớn. Cổng làng phần lớn chỉ còn ý nghĩa như một di tích. Còn cái di tích sống động nhất, lại phải tìm về thơ Bàng Bá Lân...
Ý kiến bạn đọc (0)