Con Mối
BẮC GIANG - Mẹ vợ ông mất vào đầu tháng Giêng, những ngày trời rét đậm. Nhìn ông Nhình bàn tay phải có tật dìu ông anh cả vợ đi liêu xiêu, đầu gối lấm bụi đất, chân không giày tất sưng rộp, đi từ ngoài vào, ông vội chạy lại đón, giọng xót xa:
- Bác đi đâu về mà ra nông nỗi này?
Anh cả run run:
- Tôi đi báo tang...
Ông Dương, cọc chèo với ông thấy vậy, vội cắt nghĩa:
- Bác ấy đến từng nhà họ hàng và người lớn tuổi nhưng thân thiết với gia đình ở trong làng để báo tin mẹ mất. Theo tục lệ, người đi báo tang phải đi chân đất. Phải quỳ khóc trước cửa nhà người ta, không được vào nhà, không được gọi, chờ người ta trông thấy mới được báo tang! Lâu hay nhanh là tùy người ta trông thấy sớm hay muộn.
Minh họa: Hiền Nhân. |
- Nhà đông anh em, sao không chia nhau đi báo ạ?
- Chỉ các con trai mới được làm việc này. Hai cậu nhà ở xa không về kịp nên mình bác cả phải lo... May có bác Nhình đi cùng. Bác Nhình bảo cho tôi đi với chú kẻo chú ngã ra thì ai dìu. Thiên hạ nói gì kệ họ!
Vợ ông là con gái út xa nhà từ nhỏ, ông là người dưới xuôi lên công tác, mới chuyển về trên này nên nhiều tập tục quê vợ không biết. Dự mấy đám cưới của các cháu ông cũng vỡ ra được vài điều, đám hiếu thì chưa hiểu chuyện.
Anh cả mời tất cả anh em trai gái, dâu rể ngồi bàn việc tang cho mẹ. Ông nhìn nhanh thấy có cả vợ chồng bác Nhình. Ông khẽ hỏi vợ:
- Vợ chồng bác Nhình cũng được tham gia hả em?
Vợ ông gật đầu, nói vừa đủ ông nghe:
- Vâng! Con mối cũng như con rể!
À, ra thế! Bác Nhình là con mối thì ông biết. Cũng mới biết thôi. Cụ Cao, tuổi nhiều và dáng người đúng như tên của cụ đã kể cho ông nghe.
- Tôi là người Hải Dương lên đây khai hoang từ năm còn ít tuổi lắm. Vì đồng niên với ông ngoại anh, bà ngoại anh lại là người cùng quê, chúng tôi dắt díu nhau lên làm thuê kiếm sống rồi ở hẳn trên này nên cũng dần trở thành người của làng. Là người Kinh nhưng chúng tôi lai phong tục tập quán người làng. Xa thì tôi không dám chắc mình biết đúng vì chỉ nghe kể lại nhưng chuyện bốn năm chục năm nay thì tôi rành.
Ông cười vui:
- Như chúng cháu hay nói, cụ vừa là chứng nhân vừa là người biên soạn lịch sử làng ạ!
Cụ Cao cười hiền:
- Chả biết chứng với biên là gì nhưng bảo kể chuyện người làng Khả này, tôi có thể kể. Nói rồi, cụ nhìn ông đăm đăm:
- Anh may mắn được làm con rể cụ Hai. Dù cụ đi mấy năm rồi, anh chị mới lấy nhau. Hai cụ không giàu có, thậm chí có lúc còn khó nhưng là người nhân hậu, nói rõ ra là thương người. Cụ ông cẩn thận, có chữ nghĩa và vui tính; cụ bà chăm chỉ, khéo léo cả việc nhà lẫn việc thôn, việc xã. Trong làng, trong vùng, người gốc hay người mới, người Hoa, người Thổ, người Kinh đều vị nể, quý trọng hai cụ.
Chiêu xong ngụm nước, cụ thong thả nói tiếp:
- Như cái chuyện cụ đối xử với nhà anh Nhình Cá... Anh Nhình Cá là con mối của hai cụ đấy!
- Con mối là thế nào, thưa cụ?
- Ừ! Dưới xuôi mình, bên quê anh cũng có chuyện làm mối cho người này lấy người kia chứ? Trên này cũng thế! Có điều người làm mối thường cứng tuổi hơn, là bậc cha chú, để nếu thành thì vợ chồng người được làm mối gọi là bố mẹ - ông bà mối - cũng thuận. Họ là con mối. Người làm mối là người đáng tin thì nhà gái người ta mới gả con gái cho, rồi cũng phải là cầu nối giữa hai bên gia đình về các bước, từ xin lá số đến dạm hỏi, cưới xin; cả chuyện thách cưới, lễ lạt. Nhờ ông bà mối mà khối chuyện hai bên không hiểu nhau, hay không tiện nói với nhau lại biết được ý tứ của nhau. Không khéo là ông bà mối bị bắt đền! Có rồi đấy anh à!
- Thế ạ!
- Anh Nhình Cá mồ côi, nghèo, khó lấy vợ. Anh ấy cũng chẳng họ hàng thậm chí chẳng thân thiết với ông bà ngoại anh. Bấy giờ ông bà ngoại anh còn trẻ, chưa dựng vợ gả chồng cho các anh chị vợ anh. Hai cụ quý cái nết ăn ở, làm lụng của anh Nhình Cá mới gọi anh ta đến nhà bảo có cái đám này, nếu ưng thì ta thử giúp. Anh Nhình Cá mắt sáng lên, rối rít: "Đám nào ạ? Ở làng mình hay ở xa ạ? Có chê cháu không ạ?". Cụ ông cười: "Từ từ nào! Hỏi dồn dập thế ta giả nhời thế nào?". Anh Nhình Cá vê vê điếu thuốc sâu kèn trên tay, cười khì khì. Cụ bà bảo: "Người làng thôi. Hiền lành, chịu thương chịu khó, có điều nhà cũng nghèo, bé người, anh mà kén giống tốt, giống đẹp thì không nên!". Anh Nhình Cá vội đáp: "Không chê cháu là phúc cho cháu rồi, chứ cháu đâu dám chê! Cháu biết thân phận mồ côi, mồ cút của cháu chứ ạ!".
Ông cụ mới lên tiếng: "Là cái Mịn con bà Sáp ý. Mẹ goá con côi mà làng nước chỉ có khen, nào ai có lời ra, tiếng vào!". Anh Nhình ngẫm ngợi một lúc rồi gật gật đầu: "Cháu biết ạ! Vâng, bác bá giúp cháu!". Thế là thành! Nói thế chứ bá Hai, bà ngoại anh ấy, cũng phải năm lần bảy lượt làm thuyết khách đấy! Lúc đầu, bà Sáp cũng lo, bà nghĩ mình đã thiệt phận, con gái đã thiệt thòi mà gả bán cho người tứ cố vô thân, ruộng nương không có thì khổ thêm khổ. Bà ngoại anh là cán bộ phụ nữ nên cũng biết cách tỉ tê giãi bày. Ông cụ có uy tín, nói ít nhưng chắc: "Ruộng thì có hợp tác, đất nương thì lên đồi khai phá. Tài sản ở đầu, ở tay ấy. Chăm chỉ, thương nhau thì mấy chốc nên người!". Thế là nhà gái thuận cho.
Ông tò mò:
- Thế ông bà ngoại cháu có được lễ lạt gì không ạ?
Giọng cụ Cao trầm trầm:
- Có chứ! Theo phong tục thì ngày cưới, vợ con mối phải đem lễ ông bà mối đôi gà, cân thịt, chai rượu. Cả sau này, ngày Tết, ngày sinh nhật ông bà mối cũng thế! Lệ thì phải theo. Có điều, anh Nhình Cá đem lễ đến, các cụ nhận rồi cho lại có khi gấp đôi.
Ngừng một lát, cụ Cao nói tiếp:
- Lấy được vợ, anh chị Nhình Cá là con mối của ông bà ngoại anh. Thương anh chị ấy, hai cụ cho mượn một con trâu và chiếc xe quệt. Anh biết loại xe này chưa nhỉ?
- Cháu biết rồi ạ! Loại xe trâu kéo tự tạo, không có bánh, trượt sát mặt đất bằng hai khúc gỗ dưới cùng của khung xe, rất phù hợp với địa hình miền núi.
- Đúng rồi đấy! Nhờ có trâu, có xe mà anh chị Nhình Cá khai phá đồi nương, san lấp đất tạo được vườn bãi. Nhờ thế mà khá dần lên. Mà nói là cho mượn chứ con trâu sau anh chị Nhình có tiền đem trả, các cụ lại bảo “cho anh chị lúc chân nâng, bây giờ có của ăn của để là tôi mừng rồi!".
Ông nhìn cụ Cao:
- Các cụ nhà cháu cũng nở mày nở mặt, cụ nhỉ? Vâng, ít nhất là không bị bắt đền!
Cụ Cao đăm chiêu:
- Bắt đền à? Có đấy! Cả mẹ vợ, cả vợ anh ấy bắt đền, bắt vạ hai cụ nhà anh!
Ông ngạc nhiên:
- Có chuyện đó ạ?
Cụ Cao nhìn ông:
- Anh thấy bàn tay phải anh Nhình Cá không đủ ngón không?
- Có ạ! Mất ngón cái và ngón trỏ ạ!
Cụ lại hỏi:
- Anh biết vì sao không?
- Chắc bác ấy chặt cây, cuốc đá mà gặp tai nạn?
Cụ lắc lắc đầu:
- Không! Không phải! Thú vui làm hại anh ấy đấy! Anh ấy thích bắt cá sông. Thích từ bé, cứ như nghiện. Cái tên Nhình Cá làng gọi anh thành quen là thế! Tệ nhất là ném mìn xuống sông để vớt cá, anh ấy gan, không - phải nói là liều lĩnh mới đúng. Mỗi lần đi bắt cá sông, anh ấy đốt dây dẫn vào kíp song chưa ném ngay mà đợi sao cho thời điểm mìn rơi xuống nước là nổ ngay, cá chưa kịp chạy. Vậy là hôm đó anh ấy chưa kịp ném thì mìn nổ trên tay, may không chết nhưng hai ngón tay bị mất! Ông bà ngoại anh lại phải cho tiền cứu chữa.
... Ngày bố vợ ông mất, ông chưa là con rể cụ nên không hiểu anh Nhình lo việc tang cụ thế nào. Hôm nay, mẹ vợ mất, ông đã chứng kiến.
Anh Nhình nói với anh cả vợ ông:
- Các chú ra xem vườn vải của tôi, nếu được thì để mẹ nằm. Nơi ấy cao ráo, bằng phẳng, thoáng đãng, đi lại thuận tiện, không gần nơi ở. Sau này tắm rửa thì làm nhà mới cho cụ ngay ở đấy.
Anh cả gạt đi:
- Như thế thì phải chặt rất nhiều vải. Quả vải lại đang có giá...
Không để anh nói hết câu, anh Nhình khóc to:
- Sao chú dám nói thế? Mấy cây vải, mấy vuông đất có là gì so với ân nghĩa của ông bà với vợ chồng tôi?
Anh cả rơm rớm nước mắt:
- Vâng bác! Thế thì em yên tâm! Em cảm ơn bác!
Bác Nhình nói to, như giận:
- Chú này! Chú coi tôi là người ngoài sao mà ơn với huệ? Con cháu lo cho mẹ, cho bà là bổn phận mà!
Ông Dương, ông và ông Nhình tang phục như nhau - tang phục con rể theo phong tục người dân tộc vùng này, ngồi riêng một lúc. Ông Nhình bảo:
- Tôi và hai chú chung nhau một con lợn để tế cụ. Cho các cháu triển khai nhé!
Lợn chuẩn bị xong, con rể và con mối cùng hành lễ. Ông Nhình dặn, ba anh em xếp hàng dọc tiến vào rồi hàng ngang đứng, quỳ, cúi lễ. Chú Dương và chú rồi đến tôi!
Ông lắc đầu:
- Không! Bác nhiều tuổi nhất đi trước, đến bác Dương rồi em!
Anh Nhình đập đập lưng ông:
- Con rể trước, con mối sau!
Ông nghĩ nhanh, nói nhanh:
- Sáng nay, bác Nhình đã "đổi mới" rồi! Xin hai bác đổi mới thêm vì em! Ai cười, ai nói em nhận do em, cứ bảo chú không biết!
Ông không nói hết câu. Thực ra là ông còn có ý nữa. Là ông muốn làm theo hai ông anh. Do không biết tiếng dân tộc nên ông không nghe được văn cúng, cũng không biết các bài, các bước tế lễ nên khi lễ cứ liếc trộm hai anh mà làm, chậm một tý còn hơn sai, mang tiếng! Thật tình, vừa lễ, vừa run thế mà vẫn nghe tiếng lao xao:
- Cái anh giáo này lễ giỏi thật! Chả thấy lúng túng tý nào!
Không dám quay lại tỏ bày cảm ơn người khen nhưng bụng ông cứ nghĩ: Bác Nhình mà câu nệ, cứ bắt xếp hàng trước thì mình khác gì Từ Hải chết đứng!
Những đêm làm chay, những ngày tuần tiết, con đẻ, con dâu, con rể, con mối lại khăn trắng, áo tang bên nhau xúm xít lo lễ cho mẹ.
*
* *
Mẹ vợ ông mất hơn 30 năm rồi. Mấy năm sau gia đình ông về xuôi, xa xôi quá, ông bà không thường xuyên lên quê ngoại được. Vừa rồi, chị gái vợ ông đi theo mẹ, ông về trên ấy tang lễ chị. Lúc phát tang, ông hỏi người cháu con anh cả vợ:
- Này! Chú thấy có một cô gái không phải con gái với bác bá Dương sao lại mặc áo xô? Lại cả cái anh thanh niên kia, không phải con rể của bá mà lại mặc áo tang làm lễ?
Cháu bảo:
- Hai đứa ấy là vợ chồng. Chúng là con mối của vợ chồng chú Dương đấy ông à!
À thì ra là thế! Tục con mối vẫn còn ở một cái làng giàu có, văn minh nhất nhì huyện miền núi này!
Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh
Ý kiến bạn đọc (0)