Có tới 50% ca bệnh bạch hầu không có triệu chứng
Dịch đã lưu hành trong cộng đồng
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước đã ghi nhận 53 ca mắc bệnh bạch hầu, tập trung tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum.
Nhận định về các ca bệnh đã ghi nhận, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Có tới 25/53 ca bệnh bạch hầu vừa qua không có biểu hiện triệu chứng bệnh; nghĩa là người lành mang trùng, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc khi phát hiện các ổ dịch. Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là đã rõ ràng".
Điều trị dự phòng cho người dân ở vùng có dịch bạch hầu. |
Theo đó, kết quả nghiên cứu các trường hợp mắc bệnh cho thấy, chủ yếu bệnh nhân là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), có trường hợp 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Trong đó, có khoảng 3 trường hợp có tiêm chủng đầy đủ trước đó (chiếm 5,6%).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên phải làm tốt công tác truyền thông để thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân về phòng chống bệnh bạch hầu; làm tốt công tác kiểm soát ổ dịch; tập huấn cho cán bộ y tế không chỉ kỹ năng chuyên môn mà cả về kĩ năng truyền thông và các địa phương cần quan tâm chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch trong tuần này và tuần tới, công tác xét nghiệm bạch hầu sẽ được triển khai tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Viện Viện Dịch tễ Tây Nguyên cũng đã sẵn sàng có thể cung ứng tới 500.000 liều vắc xin cho khu vực trong 1 ngày; tuy nhiên vướng mắc ở chỗ người dân phần lớn ở vùng sâu vùng xa, chưa có ý thức tiêm phòng.
Hơn 10 triệu liều vắc xin đã sẵn sàng để phục vụ tiêm chủng cho hơn 4,7 triệu người ở 4 tỉnh Tây Nguyên
Sẵn sàng ứng phó với dịch
Hiện Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đề nghị tiếp tục sử dụng ứng dụng nCoV đã sử dụng rất hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để dùng vào truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên và cài BlueZone cho khu vực này.
Hội đồng chuyên môn cũng đã họp để cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, Covid-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch… chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…
Muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong, cần phát hiện sớm, điều trị triệt để. Các địa phương cần thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhưng quan trọng nữa là phải điều trị sớm. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh, ngay lập tức phải cho người trong địa bàn (thôn, xã) uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)