Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tiếp Đoàn đại biểu cấp cao T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia
Đồng chí Lê Ánh Dương tiếp ngài Hun Many.
|
Chiều 23/10, tại TP Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã tiếp xã giao Đoàn đại biểu cấp cao T.Ư Hội LHTN Campuchia do ngài Hun Many, Ủy viên T.Ư Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội LHTN Campuchia làm Trưởng đoàn. Cùng đi có ngài Chay Navuth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam.
Cùng dự buổi tiếp có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bắc Giang: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành.
Tại buổi tiếp, đồng chí Lê Ánh Dương vui mừng chào đón Đoàn đại biểu cấp cao Hội LHTN Campuchia sang thăm và làm việc tại Bắc Giang đúng vào dịp hai nước long trọng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022. Đồng chí chúc mừng những thành tựu quan trọng của Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Đồng chí Lê Ánh Dương giới thiệu khái quát và chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH của Bắc Giang. Những năm qua, Bắc Giang liên tục bứt phá vươn lên nhờ tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, lực lượng lao động trong thời kỳ dân số vàng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả.
Quy mô, tiềm lực kinh tế được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đều tăng cao, nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu cả nước.
Quang cảnh buổi tiếp.
|
Về hợp tác đầu tư với Campuchia, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là hơn 9 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm dệt may, hóa chất và kim loại. Đặc biệt, ba năm gần đây, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Campuchia với tổng sản lượng khoảng 9.100 tấn. Sản phẩm nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là các nguyên liệu vải, kim loại thường, dây điện và dây cáp điện, các sản phẩm máy vi tính, điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng và cụ và phụ tùng.
Về đối ngoại nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bắc Giang có gần 1.000 hội viên. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết địa phương sẽ tiếp tục các hoạt động đối ngoại nhân dân giữa 2 dân tộc, thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ, doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang và Campuchia. Tích cực giới thiệu tuyên truyền, thông tin cho các tầng lớp nhân dân Bắc Giang về lịch sử đất nước, con người, nền văn hóa, những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Campuchia, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước. Tiếp tục trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau để hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch...
Tại buổi tiếp, ngài Hun Many nhắc lại mối quan hệ giữa hai nước anh em, láng giềng Việt Nam-Campuchia và tin tưởng rằng hai nước sẽ giữ gìn, vun đắp mối quan hệ này ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
Ngài Hun Many đánh giá tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia, nhất là các mặt hàng nông sản của Bắc Giang là rất lớn, mong rằng lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều tăng cao hơn nữa.
Ngài Hun Many mong muốn được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp; đào tạo lao động nông thôn. "Những kinh nghiệm thực tế và kết quả của Bắc Giang sẽ là kinh nghiệm quý để áp dụng đối với đất nước chúng tôi", ngài Hun Many cho biết.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
|
Về đề nghị này, đồng chí Lê Ánh Dương nêu 4 kinh nghiệm mà Bắc Giang đã thực hiện.
Thứ nhất, tỉnh coi trọng công tác quy hoạch. Đến thời điểm này, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch đến năm 2030, tỉnh có 29 khu công nghiệp (KCN) với diện tích khoảng 7.000 ha (trong đó có 12 KCN - đô thị - dịch vụ); quy hoạch 63 CCN với diện tích khoảng 3.006 ha. Các nhà đầu tư nhìn vào bản quy hoạch trong thời gian đó, họ sẽ yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch công nghiệp đi đôi với quy hoạch dịch vụ để khi nông dân không còn đất phát triển nông nghiệp thì bà con có điều kiện chuyển sang làm dịch vụ. Khi nông dân không làm nông nghiệp nhưng đời sống được cải thiện, thu nhập cao hơn thì sẽ tạo thuận lợi để tiếp tục phát triển các KCN mới.
Thứ hai, xác định chất lượng nguồn nhân lực tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Bắc Giang, giúp thanh niên Bắc Giang có cơ hội việc làm và việc làm tốt, vì vậy tỉnh dành đầu tư lớn cho giáo dục, đào tạo nhất là đào tạo nghề cho thanh niên. Toàn tỉnh có 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp và 34 trung tâm cơ sở đào tạo nghề. Trong đó có 2 trường cao đẳng nghề chất lượng cao là: Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp và Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 72%, trong đó lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên gần 1,2 triệu người (đứng thứ 9 toàn quốc).
Thứ ba, với tầm nhìn hạ tầng không đi trước thì công nghiệp khó phát triển được, vì vậy tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng, cả hạ tầng kinh tế (giao thông, điện, nước...) và hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, trường học cho con em công nhân, y tế...)
Thứ tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn thông qua việc tích cực chuyển đổi số; đưa các thủ tục hành chính lên môi trường mạng Internet; tạo thuận lợi và sự minh bạch thu hút đầu tư; tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức.
Ngoài nguồn nhân lực tại chỗ, Bắc Giang còn thu hút nhân lực ở hầu khắp các tỉnh, TP trên cả nước. Tỉnh thường xuyên quan tâm đến chỗ ở cho công nhân ngoại tỉnh, có chương trình phát triển nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục cho công nhân và con em công nhân.
Đoàn công tác thăm HTX Rau sạch Yên Dũng.
|
Cùng ngày, Đoàn đi thăm chùa Vĩnh Nghiêm; thăm HTX Rau sạch Yên Dũng. Đây là một trong những HTX đầu tiên trong tỉnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm sạch, an toàn do thanh niên làm chủ. Đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 với diện tích ban đầu 13 ha, đến nay HTX mở rộng quy mô lên 65 ha, thu hút gần 100 lao động tham gia trồng các loại rau an toàn.
Tin, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)