Chính sách kịp thời, tư duy chuyển biến, nông thôn đổi mới
Sau chặng đường 10 năm, nông thôn Bắc Giang đã có bước chuyển toàn diện, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; tư duy, cách làm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người nông dân có nhiều đổi mới.
Chủ trương kịp thời, chính sách phù hợp
Để triển khai Chương trình NTM, ngày 14-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 145-NQ/TU về xây dựng NTM đến năm 2020 với mục tiêu và giải pháp cụ thể để lãnh đạo xây dựng NTM. Nghị quyết đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân trong xây dựng NTM, làm căn cứ để UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện Chương trình, phát động phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM”.
Bắc Giang đạt được nhiều thành tựu sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. |
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã ban hành một số chính sách đột phá. Trong đó tiêu biểu là cơ chế hỗ trợ xi măng theo Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16-8-2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nhiều chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất khác.
Từ chính sách đúng đắn đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp tại các địa phương. Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh thực hiện trên 4.000 km đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng. Các công trình NTM người dân được trực tiếp thực hiện đã cho thấy kết quả khá tích cực. Xây dựng hạ tầng được xác định là yếu tố thiết yếu, là khâu đột phá nhằm tạo tiền đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân được coi là yếu tố cốt lõi để thực hiện Chương trình.
Các chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được nhân dân, doanh nghiệp và các HTX chủ động tham gia, tỉnh đã tiếp nhận đăng ký 70 ý tưởng sản phẩm, phát triển thêm 25 sản phẩm OCOP, một số sản phẩm thô đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, mẫu mã đẹp...
Qua đó góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 103,5 triệu đồng/ha/năm (tăng 56,5 triệu đồng so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và gấp 1,7 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,29% năm 2018, bình quân mỗi năm giảm 2%, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 4%.
Thay đổi tư duy trong hệ thống chính trị, phát huy dân chủ trong nhân dân
Khi bắt đầu triển khai Chương trình, tư duy của một số cán bộ và nhân dân còn chưa chủ động, trông chờ vào Nhà nước. Tuy nhiên, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, nhận thức của cả hệ thống chính trị đã dần thay đổi. Đó là xác định rõ Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, người dân mới là chủ thể, quyết định toàn bộ những phần việc của địa phương mình, từ đó tham gia tích cực vào xây dựng Chương trình và có những cách làm sáng tạo, chủ động.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh thăm mô hình sản xuất chè tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). |
Từ việc được bàn bạc, tự nguyện đóng góp và trực tiếp thi công công trình, người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình và tổ chức quản lý công trình tốt hơn, khi có hư hỏng chủ động sửa chữa. Điều đó cho thấy hiệu quả thể hiện không chỉ ở mặt kinh tế, còn thể hiện cả ý nghĩa của Chương trình.
Xây dựng NTM định hướng cán bộ và nhân dân thực hiện theo tư duy đổi mới đó là “tư duy quy hoạch” có sự định hướng, quản lý của Nhà nước. Để làm được điều này, công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong 10 năm qua đã có gần 50.000 hộ tham gia hiến trên 334 ha đất các loại và hơn 610.000 ngày công lao động; phá dỡ trên 214.000m2 tường rào để xây dựng các công trình công cộng.
Diện mạo nông thôn thay đổi
Diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt khi triển khai NTM. Kết cấu hạ tầng, KT-XH tiếp tục được đầu tư, xây mới và cải tạo nâng cấp phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Điểm nhấn là giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, động lực cho phát triển KT-XH do đó được tập trung dành nhiều nguồn lực thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có thêm huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa đạt chuẩn huyện NTM; các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo quy định của T.Ư; phấn đấu 80% xã đạt chuẩn, 20% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao... |
Toàn tỉnh đã cứng hóa được trên 6.934 km đường giao thông, góp phần thay đổi cảnh quan, tạo diện mạo mới cho các làng quê. Công trình thủy lợi phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp, giúp người dân tiện canh tác, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hệ thống lưới điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, 100% xã, thôn đã có điện. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 88,5%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 85,7%. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở kiên cố ở các xã đã cơ bản hoàn thiện. Đến nay 166/203 xã có nhà văn hóa, 2.093/2.273 thôn, bản có nhà văn hóa. Các nhà văn hóa cơ bản được trang bị đầy đủ thiết chế, thực sự là nơi sinh hoạt chung của nhân dân.
Định hướng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thực hiện Chương trình với phương châm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Bắc Giang đặt ra nhiều mục tiêu song yếu tố cốt lõi là nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.
Người dân xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu. |
Trong thời gian tới, Bắc Giang tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình với tinh thần quyết tâm cao; tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến về tư duy của người dân – chủ thể của chương trình và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM; tiếp tục phát động phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM” để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.
Trong xây dựng NTM, luôn lấy phát triển sản xuất - nâng cao thu nhập cho người dân - giảm nghèo bền vững theo chiều sâu là gốc; đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất nhất là hợp tác xã nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xác định đây là yếu tố then chốt, động lực chính cho tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP; ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình NTM thời gian tới.
Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)