Chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số: Giúp người dân ổn định đời sống
Vươn lên thoát nghèo
Toàn tỉnh hiện có khoảng 9 nghìn hộ DTTS và hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085. Bà con được hưởng lợi là gia đình DTTS số nghèo, hộ nghèo ở thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp đang thiếu đất ở, đất sản xuất.
Gia đình anh Nông Văn Chăng, dân tộc Tày, thôn Bến, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) có thu nhập khá từ đồng vốn hỗ trợ theo Quyết định 2085. |
Lục Ngạn có hơn 3 nghìn hộ thuộc diện được hỗ trợ. Gia đình anh Nông Văn Chăng, dân tộc Tày, thôn Bến, xã Cấm Sơn có 7 người; thu nhập chỉ trông vào 4 sào ruộng. Thiếu đất sản xuất, nhà lại đông nhân khẩu nên dù có làm thuê đủ đường thì cái nghèo vẫn đeo bám. Đầu năm 2018, anh Chăng được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Ngạn giải ngân 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Anh Chăng nói: “Số tiền này tôi mua một con trâu nái, bê con, máy cày. Đến nay, trâu vừa đẻ nghé con. Tôi đi lái máy cày thuê thu về khoảng 20 triệu đồng/vụ”. Có thu nhập, vợ chồng anh vừa mua thêm vài sào đất rừng trồng keo.
Không chỉ hộ anh Chăng, hiện xã Cấm Sơn có 36 hộ đang được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; bà con đều sử dụng số tiền này vào đúng mục đích như: Mua, thuê lại ruộng; sắm nông cụ máy móc sản xuất; học nghề mới… Ông Nông Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn cho hay: “Năm nay, địa phương được giải ngân gần 2 tỷ đồng theo chương trình hỗ trợ. Bà con có điều kiện đầu tư làm ăn, tăng thu nhập, trong đó có hai hộ thoát nghèo”.
Đầu năm 2018, huyện Yên Thế cũng tiếp nhận 2 tỷ đồng phân bổ cho các hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất. Xã Canh Nậu hiện có hàng chục hộ thiếu đất sản xuất. Nhiều gia đình có đông nhân khẩu nhưng chỉ có hai, ba sào ruộng. Theo chị Lăng Thị Đường, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Thế, năm nay xã Canh Nậu có 15 hộ được thụ hưởng kinh phí này. Sau một năm nhận hỗ trợ, nhiều gia đình đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi nghề mộc đã có thu nhập khá. Một số hộ tự nguyện xin thoát nghèo vào năm 2019 như gia đình anh Triệu Văn Quân, Trần Thị Liên, bản Khuôn Đống. Tại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Sơn Động, hàng trăm hộ cũng được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất này.
Sử dụng vốn hiệu quả
Thực hiện Quyết định 2085, hơn một năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ 458 hộ thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên với tổng kinh phí 20 tỷ đồng; hàng trăm hộ được hỗ trợ trực tiếp bằng diện tích đất khai hoang, chuyển nhượng. Ưu điểm của nguồn vốn này là mức vay tối đa 50 triệu/hộ, lãi suất bằng một nửa so với lãi suất cho vay hộ nghèo ở từng thời điểm, thời gian vay trong vòng chục năm.
Để thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện phối hợp lập, xác minh danh sách hộ dân đủ điều kiện tham gia chương trình. Tại huyện Sơn Động, sau khi được tiếp nhận hơn 7 tỷ đồng, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ vay vốn của hội, đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời cho bà con. Cán bộ phụ trách đến kiểm tra, thường xuyên nắm bắt tình hình, hướng dẫn sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, tạo điều kiện cho hơn 30 hộ thiếu đất sản xuất thuê, mượn lại diện tích thuộc phần đấu thầu của những gia đình không bị thiếu.
Ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thiếu đất sản xuất lâu dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, có thể xảy ra bất ổn về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, phá rừng, người dân vượt biên trái phép tìm kiếm việc làm. Vì vậy, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS là hướng đi đúng, giải quyết được nhu cầu cấp thiết. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện có hiệu quả chính sách trên; đồng thời tham mưu với UBND tỉnh về việc rà soát diện tích đất rừng, nguồn đất hoang hóa để thu hồi, cấp đất cho hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)