Chính quyền thân thiện
Một trong những “điểm nghẽn” để khơi thông các nguồn lực phát triển KT-XH được chỉ ra ở những năm trước là việc giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế. Khắc phục tình trạng này, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các cấp ra đời với phương thức hoạt động là mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”…
Nhưng rồi đâu đó vẫn còn tình trạng “một cửa nhiều khóa”, trễ hẹn, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức chưa nhiệt tình, trách nhiệm… nên tiếp tục được cải tiến bằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy định về tác phong, lề lối làm việc và cuộc vận động cán bộ, công chức “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).
Vậy, cán bộ, công chức đã đáp ứng các yêu cầu như trên chưa? Lấy gì làm thước đo? Từ thực tế ấy, mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thí điểm tổ chức lấy ý kiến nhằm khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp.
Việc khảo sát không chỉ là thước đo giúp cho cán bộ, công chức khi làm việc, giao tiếp với người dân phải cân nhắc hơn về tinh thần, thái độ, ứng xử mà còn giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn quyền làm chủ của mình trong tham gia xây dựng chính quyền.
Được biết, kết quả đã có hơn 7.000 người dân tham gia khảo sát và bày tỏ sự đồng tình với nội dung và phương pháp triển khai lấy ý kiến, lựa chọn phương án trả lời khảo sát với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan.
Kết quả bước đầu cho thấy, đa số người dân có ý kiến đánh giá tích cực đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, còn một số ý kiến nói rằng thời gian giải quyết thủ tục còn chậm, người dân phải chờ đợi lâu, quá hạn không có lý do; thái độ làm việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm...
Kết quả trên sẽ là cơ sở để lãnh đạo tỉnh đề ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính nói chung, giải quyết các thủ tục hành chính nói riêng, trọng tâm là nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ công chức. Trong dài hạn, đây sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI… của tỉnh và xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”.
Theo đó, tiêu chí của “Chính quyền thân thiện” được xác định là đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”. Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn” với mục tiêu xuyên suốt vì sự hài lòng của người dân.
Như vậy, “Chính quyền thân thiện” chính là mang đến sự hài lòng cho người dân, tạo sự đồng thuận, khơi thông các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH. Cho nên, giải pháp làm thế nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngoài “căng mực, kẻ chỉ” theo quy định còn cần thêm sự “thân thiện” vì lẽ đó.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)