Chiến dịch "đả hổ" của ông Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (trước) tại kỳ họp quốc hội của Trung Quốc vào tháng 3.2014 - Ảnh: Reuters |
Kể từ khi lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012 và nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3.2013, ông Tập Cận Bình hay cảnh báo nạn tham nhũng đe dọa sự tồn vong của đảng và cam kết không dung thứ bất kỳ quan chức tham nhũng nào, dù thuộc dạng “hổ hay ruồi”.
Đại lão hổ
Bằng chứng thuyết phục nhất từ trước tới nay cho thấy ông Tập đã thực hiện cam kết trên là ngày 29-7, giới lãnh đạo Trung Quốc công bố quyết định điều tra “đại lão hổ” Chu Vĩnh Khang (71 tuổi), người từng nắm vị trí Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương (2007 - 2012), với cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ ám chỉ tham nhũng.
Đây là lần đầu tiên một cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị bị điều tra tham nhũng vì Trung Quốc lâu nay có luật bất thành văn là ủy viên Thường vụ dù đương nhiệm hay về hưu cũng “không thể bị đụng tới”, theo tờ South China Morning Post.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo trong năm 2013 đã có 31 quan chức cấp cao bị điều tra, gồm có cả cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh và ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ nghiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước đồng thời là cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Hai ông này được cho là nằm trong số hơn 10 quan chức có cấp bậc tương đương thứ trưởng trở lên bị điều tra liên quan đến vụ ông Chu.
Chiến dịch “đả hổ” của ông Tập cũng không loại trừ quân đội. Đầu tháng 4.2014, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Cốc Tuấn Sơn chính thức bị truy tố tội tham nhũng, biển thủ, lạm dụng công quỹ và lạm dụng quyền lực, trở thành sĩ quan cao cấp nhất phải đối mặt với tòa án quân sự nước này kể từ năm 2006. Sau đó gần 3 tháng, Tân Hoa xã đưa tin ông Từ Tài Hậu (71 tuổi), cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), cựu Ủy viên Bộ Chính trị, bị khai trừ đảng để điều tra tham nhũng.
Công cụ cho cải cách
Nhiều nguồn tin gần gũi với giới lãnh đạo Trung Quốc mới đây tiết lộ với Reuters cuộc điều tra nội bộ được thực hiện trong năm 2013 cho thấy có khoảng 30% quan chức trong đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc dính đến tham nhũng. Các nguồn tin khẳng định cho đến nay, ông Tập chưa gặp sự phản đối lớn về chiến dịch chống tham nhũng từ các đảng viên lão thành hoặc những quan chức khác, bất chấp việc họ có nguy cơ trở thành người kế tiếp bị “hạ bệ”.
Tuy nhiên, hiện vẫn có giới hạn về số quan tham mà ông Tập có thể trừng trị. Một quan chức nhận định với Reuters: “Nếu ông Tập tấn công tất cả quan chức tham nhũng, chính phủ sẽ bị tê liệt”.
Theo các nguồn tin, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn dùng nỗ lực chống tham nhũng làm công cụ cho chiến lược cải cách. Cụ thể, ông Tập hy vọng việc loại trừ quan tham và những nhân vật bảo thủ sẽ giúp ông củng cố quyền lực và có thể thực hiện suôn sẻ những cải cách “khó nuốt” về kinh tế, tư pháp và quân đội mà ông cho rằng có vai trò quyết định đối với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một quan chức khác trích lời ông Tập thừa nhận việc thực hiện cải cách đang gặp nhiều khó khăn do có sự phản đối từ nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng nhóm đảng viên lão thành có ảnh hưởng lớn và con cháu của họ. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước và con cháu của nhóm đảng viên nói trên được cho là hưởng nhiều đặc quyền trong một số ngành nên không chấp nhận thay đổi. Do đó, ông Tập dùng chiến dịch loại quan tham để buộc những người có đầu óc bảo thủ phải nhượng bộ và ủng hộ cải cách.
Ngoài ra, một nguồn tin cấp cao khác khẳng định với Reuters: “Chống tham nhũng chỉ là phương tiện, mục tiêu là đưa những người thân cận của ông ấy và quan chức cấp tiến vào các vị trí quan trọng để đẩy mạnh cải cách”.
Ngôi sao đang lên
Ngày 1-8, Reuters dẫn 2 nguồn tin cấp cao từ Trung Quốc tiết lộ ông Tập có thể cất nhắc một người dám tố cáo tham nhũng trong quân đội, giúp mở đường cho cuộc điều tra ông Từ và ông Cốc, vào CMC tại Hội nghị trung ương 4 khóa 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10. Người đó chính là Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên, con trai cả của cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (1898 -1969) và là bạn của ông Tập. Trong đó có một nguồn tin khẳng định thượng tướng Lưu (62 tuổi) ít nhất sẽ trở thành ủy viên hoặc phó chủ tịch CMC.
Ba nguồn tin khác tiết lộ nhà ông Lưu hiện được thắt chặt an ninh sau khi ông này bị dọa giết vì đã phơi bày nạn tham nhũng trong quân đội. Các nguồn tin nhận định với Reuters rằng ông Lưu có năng lực cũng như quyết tâm chống tham nhũng và việc đưa ông này vào CMC sẽ góp phần đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của ông Tập.
Tại Đại hội đảng khóa 18 vào tháng 11.2012, ông Lưu không được cất nhắc vì bị xem là gần gũi với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người “ngã ngựa” sau vụ bê bối liên quan đến vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood do vợ ông là bà Cốc Khai Lai chủ mưu. Trong đợt thị sát các đơn vị quân sự ở tỉnh Phúc Kiến ngày 30-7, ông Tập tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt vào nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội, theo Reuters.
Để có được những người mình tin cậy, ông Tập tìm chọn những quan chức có đầu óc cải cách từ Đại học Thanh Hoa, một trong những trường danh tiếng ở Trung Quốc, và ở một số tỉnh khác. Tuy nhiên, tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập làm bí thư tỉnh trong giai đoạn 2002 - 2007, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển chọn “người tài” của ông, theo một số nguồn tin cấp cao tiết lộ với Reuters.
Chiết Giang, nằm phía nam Thượng Hải, từ lâu đã đi đầu trong công cuộc cải cách kinh tế, khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân tập trung ở đó, giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Cụ thể, ông Tập có kế hoạch đưa khoảng 200 quan chức Chiết Giang có đầu óc cải cách vào các vị trí quan trọng của đảng, chính phủ và quân đội trong vài năm tới.
Ông Tập còn cử nhiều quan chức Chiết Giang đến các tỉnh khác công tác. Chẳng hạn, theo các nguồn tin, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang Hạ Bảo Long đang là ứng viên hàng đầu để nhận nhiệm vụ đầy khó khăn là lãnh đạo Khu tự trị Tân Cương trong năm nay hoặc năm tới để sau đó có thể trở thành ủy viên Bộ Chính trị năm 2017. Ngoài ra, một trong những người thân cận nhất của Chủ tịch Tập là Chung Thiệu Quân, cũng từ Chiết Giang, có thể sẽ thăng tiến trong PLA dù ông bước vào con đường binh nghiệp chưa được bao lâu, theo 2 nguồn tin gần gũi với PLA nhận định với Reuters.
Hồi năm ngoái, trong một động thái bất thường, Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm ông Chung giữ chức Phó chánh văn phòng Quân ủy trung ương, trong khi ông Chung được xem là chuyên về ngoại giao.
Văn Khoa/TNO
Ý kiến bạn đọc (0)