Cần xem xét lại toàn diện, khách quan việc kê biên thiếu tài sản phải thi hành án ở Hiệp Hòa
Làm việc với bà Hồng được biết, tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST của TAND huyện Hiệp Hòa và bản án dân sự phúc thẩm số 40/2017/DS-PT của TAND tỉnh Bắc Giang về tranh chấp hợp đồng vay tài sản buộc vợ chồng bà có nghĩa vụ trả cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngân ở cùng thôn số tiền 280 triệu đồng và tiền lãi suất là 12,6 triệu đồng (tổng cộng 292,6 triệu đồng). Vợ chồng bà xin trả dần nhưng bà Ngân không đồng ý.
Nhà đất là tài sản phải thi hành án của gia đình bà Ngô Thị Bích Hồng. |
Do kinh tế khó khăn, vợ chồng bà không đủ khả năng thanh toán số tiền trên cùng lúc nên bên cho vay có đơn yêu cầu Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa kê biên tài sản đưa ra bán đấu giá. Đáng chú ý, quá trình thực thi nhiệm vụ, chấp hành viên không thực hiện đúng quy trình, kê biên không hết dẫn đến tài sản phải THA của gia đình bà bị hạ giá quá thấp. Khi bà Hồng làm đơn đề nghị xem xét lại vụ việc thì được trả lời đã hết thời hiệu khiếu nại.
Tài sản bà Hồng phản ánh bị kê thiếu gồm: 81,7 m2 đất (thực tế hộ đang sử dụng 268,04 m2, nhưng chấp hành viên chỉ kê biên phần diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là 186,7m2); tường bao, nhà công trình phụ phía sau, cầu thang đổ bê tông ngoài hành lang... Ngoài ra, căn nhà bà Hồng đang ở cũng không được xác định năm xây dựng để tính % giá trị công trình trên đất.
Từ những vấn đề nêu trên, bà Hồng đề nghị Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa tạm dừng bàn giao tài sản đấu giá, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đấu giá; hủy kết quả bán đấu giá tài sản và các quyết định, văn bản liên quan như: Quyết định kê biên tài sản; quyết định cưỡng chế THA; biên bản kê biên, định giá tài sản THA…, đồng thời thực hiện THA lại từ đầu, bảo đảm quyền lợi chính đáng của gia đình bà.
Đối chiếu với biên bản xác minh, kiểm kê tài sản của Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa và tài sản thực tế của gia đình bà Hồng đang quản lý, chúng tôi nhận thấy một số tài sản chưa được kiểm kê như phản ánh, gồm: Tầng hầm, tường bao phía sau, nhà công trình phụ, cầu thang đổ bê tông ngoài hành lang…
Trao đổi về vụ việc này, ông Dương Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa cho biết: Đơn vị nhận được đơn khiếu nại của gia đình bà Hồng nhưng đã hết thời hiệu giải quyết. Tuy nhiên qua xem xét hồ sơ THA và tài sản thực tế, nhận thấy nội dung bà Hồng phản ánh việc kê biên thiếu tài sản là có cơ sở nên dù hết thời hạn khiếu nại, đơn vị vẫn tiếp nhận giải quyết.
Nguyên nhân của việc kê thiếu là do gia đình bà Hồng không hợp tác trong quá trình THA, không tạo điều kiện cho chấp hành viên vào nhà để kiểm đếm, xác định tài sản... Hiện Chi cục THA dân sự huyện đã tổ chức xác minh, kiểm kê lại các tài sản còn thiếu theo quy định của pháp luật (nhưng không phải toàn bộ tài sản hộ bà Hồng kê ra), đồng thời mời cơ quan chuyên môn thẩm định giá cụ thể số tài sản này.
Đối với phần diện tích 81,7 m2 đất gia đình bà Hồng đang sử dụng, qua làm việc với UBND xã Mai Đình, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện cho thấy phần đất này không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ bà Hồng được cấp năm 2014, không đủ điều kiện được cấp “sổ đỏ” nên theo quy định không kê biên là đúng.
Căn cứ quy định của Luật THA dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014 và các văn bản luật liên quan, quan điểm của Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa là không có căn cứ để hủy kết quả đấu giá và sẽ tiếp tục tổ chức bàn giao tài sản phải THA cho người mua được tài sản qua đấu giá.
Việc giải quyết quyền lợi của người phải THA đối với phần tài sản kê thiếu được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu người phải THA (là vợ chồng bà Hồng) và người trúng đấu giá tài sản không thỏa thuận được phần tài sản kê thiếu thì sẽ tiến hành giải quyết vụ việc theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Để bảo vệ quyền lợi của các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đề nghị Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa xem xét lại vụ việc một cách toàn diện, khách quan theo pháp luật về THA dân sự và đấu giá tài sản. Theo quy định của pháp luật, khi người phải THA không hợp tác, chấp hành viên có thể lập biên bản, thực hiện thủ tục cắt khóa cửa vào nhà kiểm đếm tài sản theo quy định.
Vì sao chấp hành viên Chi cục THA dân sự huyện Hiệp Hòa không làm thủ tục trên mà chỉ đứng ngoài kê biên tài sản dẫn đến kết quả kiểm đếm không chính xác, bị thiếu? Do đó, trong vụ việc này cần xác minh xem chấp hành viên có sai phạm hay không trong quá trình kê biên, định giá, đấu giá tài sản như: Móc ngoặc với người đấu giá, người tham gia đấu giá… cố tình kê biên thiếu tài sản phải THA để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây ảnh hưởng cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nếu có căn cứ chứng tỏ tập thể, cá nhân thực thi công vụ vi phạm quy định về đấu giá tài sản THA cần hủy kết quả đấu giá, giải quyết lại vụ việc từ đầu theo quy định pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.
Nhóm phóng viên
Ý kiến bạn đọc (0)