Bức tranh trở lại
Chất giọng cùng cách nói năng nhẹ nhàng rõ ra là người vùng Kinh Bắc, nhưng người gọi tự xưng đang ở mãi TP Hồ Chí Minh, nhân một chuyến ra Bắc, muốn gặp ông Tâm có câu chuyện muốn nói.
Quả tình, nếu không nhờ thiện cảm với cách nói năng dễ mến từ người phụ nữ xưng tên Minh ấy, ông Tâm cũng không mấy hào hứng với cuộc hẹn gặp. Vậy mà không ngờ cuộc hẹn ấy mang lại cho ông cùng gia đình niềm vui lớn: Tìm lại được một bức tranh quý của họa sĩ Nguyễn Thúc Hoàng, người cha đã khuất núi của ông. Một bức tranh được sáng tác ở thời điểm mà khi còn sống, cha ông thường nói là một trong những quãng đời đẹp nhất của cụ…
Minh họa: Đinh Hương |
Tháng 5/1954. Chỉ ít ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Hoàng từ cơ quan Hội Văn nghệ tranh thủ trên đường công tác về thăm mẹ ở Kép, một thị trấn miền trung du. Đây quả là một vùng đất thật lạ, lạ ngay từ những địa danh dân dã với chỉ một âm tiết. Kép, Giỏ, Chũ rồi Kế, Mẹt, Thắng, Vôi… những cái tên gần gũi thân thương gắn với vùng đồi trung du thơ mộng.
Từ ATK về quê, Hoàng qua làng Yên, một vùng quê mà mới năm nào anh còn cùng chúng bạn mải mê trong những hội xuân thì thùng tiếng trống, rộn rã nhịp đu, dập dìu trai thanh gái lịch. Vượt con dốc nhỏ cuối làng, Hoàng chợt sững người trước màu vàng rực của cánh đồng đang kỳ lúa chín. Trong tâm trạng hào hứng, phấn khởi với tin vui chiến thắng từ mặt trận Điện Biên, trước viễn cảnh no ấm được mùa của quê hương, họa sĩ Hoàng dựng giá, vẽ như người lên đồng.
Bức "Mùa vàng" được hoàn thành chỉ trong một buổi. Bức vẽ sau này được bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc chào mừng 10 năm ngày Quốc khánh 2/9, được trao Giải thưởng Lớn và gửi tham dự triển lãm của các nước XHCN, được in nhiều bản ở Liên Xô, Trung Quốc. Chỉ tiếc một điều, bức tranh được bán cho một nhà sưu tập ở Hà Nội, không biết lưu lạc ở đâu.
Sinh thời cha ông Tâm vẫn nói với các con về cái xúc cảm đặc biệt khi sáng tác trong buổi sáng tháng 5 ấy. Dường như có một sự linh diệu khiến bao nhiêu xúc cảm của những ngày chàng sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945 ở Phủ Lạng Thương, rồi những trải nghiệm của người nghệ sĩ trên đường kháng chiến… như vỡ òa, dồn lên ngọn bút.
Niềm hứng khởi giúp ông với chất liệu màu nước giản dị chỉ trong một lần đã tạo được màu vàng của cánh đồng, cái màu vàng khiến người xem tranh như hít thở được mùi thơm của lúa chín mang lại sự ấm no, như được hòa vào cuộc sống của những người nông dân gánh lúa nặng trĩu, thành quả của những ngày một nắng hai sương, như được nhấp ngụm nước vối ngọt lành trong quán nhỏ nơi điếm canh nép mình dưới gốc đa cổ thụ… Cái màu vàng tạo nên hồn cốt của bức tranh ấy khiến ông không muốn vẽ lại khi nó bị lưu lạc mà tạm bằng lòng với những bản sao từ nghệ thuật in tranh bậc thầy của nước Nga một thời…
Cũng bởi vậy, tìm lại bản gốc bức tranh luôn là nỗi niềm đau đáu của ông, và bây giờ là của Tâm, người con trai út, nay cũng đã ngoại lục tuần. Vậy mà tin vui lại đến một cách bất ngờ đúng vào lúc gia đình đang chuẩn bị tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của lão họa sĩ…
Căn gác nhỏ, nơi bà Minh hẹn gặp ông Tâm nằm trên tầng hai của một ngôi nhà hình ống ở phố Lãn Ông. Ngôi nhà là điển hình của kiểu kiến trúc nơi phố cổ Hà Nội, có từ hàng trăm năm. Với diện tích không lớn, mặt tiền khoảng bốn mét, sâu chừng hơn chục mét, hai nếp nhà được nối bằng một khoảng sân nhỏ. Phía ngoài là chỗ bán hàng, tiếp khách. Dãy bên trong là bếp, nơi nghỉ trưa, làm hàng. Gác hai là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên.
Ngôi nhà ống là một không gian kiến trúc thống nhất, dù diện tích nhỏ mà vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của một gia đình. Những mái hiên cùng lan can con tiện, những non bộ, giàn hoa, cầu thang gỗ… tạo cho ngôi nhà sự hòa hợp với thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào không gian sống của chủ nhân. Những ngôi nhà như vậy, một di sản kiến trúc Hà Nội xưa, nay dường như chỉ còn trong hoài niệm...
Vốn là nơi sinh sống của một gia đình, sau ngày tiếp quản Thủ đô, ngôi nhà ống thành nơi cư trú của dăm bảy hộ, đủ người tứ xứ. Những không gian đậm chất văn hóa người Hà Nội cùng hệ thống tường ngăn, các phòng, gác lửng, sân trong…. biến dạng, xuống cấp. May mà toàn bộ tầng hai, nơi Nhà nước để lại cho chủ nhân, người đã tự nguyện hiến hơn chục ngôi nhà cùng một cơ sở sản xuất đưa vào công tư hợp doanh vẫn nguyên vẹn với những bài trí một thời. Chính nơi căn gác cổ đậm chất Hà Nội ấy, ông Tâm đã gặp lại, hay đúng hơn là lần đầu tiên được thấy đứa con tinh thần đầy nhung nhớ của cha mình năm nào. Ông cảm động ứa nước mắt, không nói được nên lời, nhìn bà Minh với ánh mắt đầy biết ơn.
Bức "Mùa vàng" được treo trang trọng trên mảng tường chính của phòng khách vẫn giữ được cách bài trí của những gia đình khá giả ở Hà Nội những năm giữa thế kỷ trước. Giữa những sa lông, sập gụ, tủ chè… đã lên nước theo thời gian, phong cảnh quen thuộc của vùng quê Kinh Bắc với nếp điếm canh núp bóng đa cổ thụ trên nền vàng rực ấm áp của cánh đồng lúa càng thêm nổi bật. Bức tranh được treo đúng chỗ gây một cảm xúc thị giác mạnh mẽ mà gần gụi, tươi tắn như mang cả một mảng thiên nhiên vùng quê thân thương vào căn phòng đậm màu thời gian.
Rót mời ông Tâm chén trà thoảng hương sen Hồ Tây, bà Minh kể: Sinh thời cha bà rất quý bức "Mùa vàng". Ông không nói bằng cách nào có được bức tranh, nhưng qua cái cách ông gìn giữ, nâng niu nó, mọi người trong gia đình biết được tình cảm ông dành cho tác phẩm hội họa này, mà ông coi như một mảnh của quê hương Kinh Bắc hiện diện trong căn nhà nơi phố thị. Có những lúc, vì tuổi già sức yếu, ít có dịp về quê, ông bảo cứ ngắm bức tranh là ông như được về lại vùng quê yêu dấu nơi chôn nhau cắt rốn thủa nào. Còn với anh em bà Minh, sau này mỗi người một phương, mỗi khi nhớ về ngôi nhà cũ nơi phố cổ Hà Nội, bức tranh như một phần không thể thiếu.
Cơ may là cách đây ít tháng, bà Minh đọc trên một tờ báo bài viết về họa sĩ Hoàng, bậc thầy được giới hội họa tôn vinh là người lưu giữ hồn quê Kinh Bắc mới biết chuyện bức "Mùa vàng" đang được coi là lưu lạc và mong muốn của gia đình tìm được bản gốc của bức tranh.
Với ý định trao lại bản gốc bức "Mùa vàng" cho gia đình họa sĩ, bà Minh đến tòa soạn tìm gặp tác giả bài báo và có được số điện thoại của ông Tâm khi chỉ còn ít ngày nữa bà xuất cảnh sang định cư tại một nước châu Âu cùng vợ chồng người con gái. Căn gác nơi phố cổ cũng sẽ nhượng lại. Thật ra, để có được quyết định này, bà cũng phải đấu tranh rất nhiều. Bức "Mùa vàng" với bà, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật. Nó còn là kỷ niệm quý báu của gia đình về người cha thân yêu. Nhưng để một tác phẩm nghệ thuật của đất nước theo mình lưu lạc tha hương là điều bà không nỡ. Hơn nữa, được vẽ cách nay ngót bảy chục năm, bức tranh liệu có chịu được những khác biệt về thời tiết nơi trời Âu.
Bà muốn trao bức tranh cho gia đình họa sĩ, những người có điều kiện và hiểu biết để bảo quản gìn giữ hộ. Với bà, người con duy nhất còn lại trong 5 người con của gia đình, bức tranh cùng những kỷ niệm về người cha yêu hội họa, gắn bó với quê hương là vô giá. Nay nó được trao gửi vào tay người xứng đáng là bà mãn nguyện. Bà Minh chỉ có một mong muốn, mỗi khi về Hà Nội, lại được đến thăm gia đình họa sĩ, ngắm lại bức tranh, ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ một thời…
Triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sĩ lão thành Nguyễn Thúc Hoàng, người lưu giữ hồn quê Kinh Bắc diễn ra sớm hơn dự định. Công chúng yêu tranh được chứng kiến sự trở về của bức "Mùa vàng". Tại buổi khai mạc triển lãm, bà Minh đã kịp trao bức tranh để chỉ mấy tiếng sau đáp chuyến bay Hà Nội- Paris…
Nhài quyết quay lưng để dứt bỏ mối tình này. Hoa nhài vẫn thơm ngát ngoài hiên, mùa dịu dàng vẫn về quanh ngôi nhà của hai mẹ con nhưng trái tim Nhài thì đang vỡ ra, nức nở.
Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh
Ý kiến bạn đọc (0)