Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từng bước phục hồi diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá sau chiến tranh
Các đại biểu đánh giá cao những chính sách điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch Covid-19, ứng phó với thiên tai, bão lũ; đồng thời bảo đảm ổn định đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Bắc Giang phát biểu tại kỳ họp. |
Theo nhiều đại biểu, các giải pháp trong thời gian tới cần được Chính phủ xây dựng cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó cần tập trung cho các kịch bản xấu nhất khi dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chia sẻ với những khó khăn chung của nền kinh tế; đồng thời thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở năm 2021 để dành nguồn lực ưu tiên khắc phục thiên tai, phục hồi sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, trước các tác động xấu của thời tiết, ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề biến đổi khí hậu đã làm rõ những hạn chế, yếu kém trong vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch, vấn đề đô thị hóa nhanh, các thành phố lớn cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng.
"Việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm phá vỡ một tỷ lệ diện tích rừng đáng kể, làm đất đá xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng ở các vùng núi, trung du. Tuy trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rà soát, đưa ra ngoài danh mục đầu tư rất nhiều dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ. Bên cạnh hiệu quả hoạt động của một số công trình thủy điện, trong thời gian qua, một số công trình còn bộc lộ nhiều bất cập, các tác động xấu từ dự án thủy điện đã và đang được đầu tư. Công tác thẩm định dự án, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thật sự tốt", đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho ý kiến.
Từ đó, đại biểu kiến nghị, quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn hơn và gắn với phát triển bền vững; nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp, ít ảnh hưởng xấu đến môi trường, sử dụng ít nguồn lực lao động để tăng cường năng suất lao động của ngành, mang lại hiệu quả quy hoạch.
Cũng đánh giá về những tác động về biến đổi khí hậu, thiên tai, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nhấn mạnh về vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. "Trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai" - đại biểu nhấn mạnh.
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nêu: Nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước. Công tác quản lý, sử dụng nguồn nước chưa bảo đảm phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề về tích trữ còn hạn chế; sử dụng, khai thác nước chưa tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ rừng đầu nguồn, giải quyết mối quan hệ quốc tế với quốc gia thượng nguồn tuy có cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế và phức tạp.
Sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của nước ta có lịch sử rất lâu đời. Cả nước có 7.800 hồ, đập lớn nhỏ, dung tích 74 tỷ m3 nước. Mặc dù đã phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng, chống lũ song do biến đổi khí hậu, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao; tình trạng không ổn định của địa chất dẫn tới nhiều vùng, miền phải chịu thảm họa từ thiên tai.
Từ thực tiễn khách quan và chủ quan, để an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống của người dân, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị: Quốc hội ban hành Nghị quyết về “an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”. Chính phủ quan tâm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường… Đây là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân vận hành và các địa phương thực hiện với phương châm 4 tại chỗ: Sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ, vận hành và phân phối tại chỗ.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng kỹ thuật số trong quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy hoạch hồ chứa nước và coi nguồn nước ngọt là tài nguyên đặc biệt của quốc gia cần được bảo vệ và tích trữ an toàn, chất lượng.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những báo cáo, giải trình trước các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có những trao đổi, phân tích liên quan. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay, nước ta có tổng diện tích 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng đạt 4,3 triệu ha.
Theo Bộ trưởng, mặt trái của vấn đề, trong 30 năm, phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ban đầu bởi thời gian quá ngắn. Thiệt hại về rừng tự nhiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rất lớn. Vì vậy, việc phục hồi rừng phải từng bước.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngành kinh tế công nghiệp - lâm nghiệp hiện có 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay, xuất khẩu lâm sản có thể đạt 13 tỷ USD. Còn về rừng tự nhiên, Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn có chính sách để bà con trên 1 triệu ha giữ rừng đó có chính sách, chế độ ngày càng được tăng lên.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cần được cải thiện, nâng cao mức tiền công khoán để từng bước nâng cao chất lượng khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thế giới thừa nhận, tôn trọng các cam kết của Việt Nam phát triển rừng bền vững .
Trong ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục dành thời gian để thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)