Thắc thỏm giá gà
Gia đình chị An thắp điện, sử dụng lò sưởi giữ ấm cho đàn gà. |
Cùng với Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế Lê Văn Toản, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Tuân, phố Bà Ba, thị trấn Cầu Gồ. Anh Tuân cho biết, trời rét đậm vài ngày qua đã làm người chăn nuôi tốn thêm nhiều thời gian, chi phí chăm sóc. Nhà nào cũng phải mua bạt quây quanh chuồng trại để chắn gió lùa; tăng khẩu phần thức ăn và bố trí người trông thường xuyên để tránh gà mổ nhau. Vì vậy, khi trời ấm áp, anh Tuân vội đưa đàn gà ra vườn. "Mấy ngày tới tôi mong trời không mưa rét để việc chăn nuôi đỡ vất vả"- anh Tuân nói.
Từ năm 2013 đến nay, cứ lứa gà cận Tết Nguyên đán, gia đình anh lại chọn nuôi toàn gà trống (giống Sơn Tây). Quy trình nuôi tương tự các loại gà mía, gà ta hay gà ri song khâu chọn giống quan trọng hơn vì lơ là sẽ lẫn nhiều gà mái, bán không được giá. Đáng chú ý, do gà bán để các hộ làm lễ dịp Tết nên thời gian tiêu thụ chỉ diễn ra vài ngày. Hai năm đầu, chưa có mối quen, gia đình anh phải mang gà ra chợ. Về sau, cứ trước Tết vài ngày là thương lái đến tận nhà mua buôn cả đàn. Lứa này, anh Tuân nuôi 2.000 con gà trống. Sau hơn 4 tháng vào đàn, mỗi con trung bình nặng từ 1,8-2kg, giá dao động từ 60-65 nghìn đồng/kg, thấp hơn 5-10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Hiện trên thị trường giá lợn đang xuống rất thấp nên anh Tuân lo đến thời điểm xuất chuồng, giá gà cũng sẽ giảm sâu hơn, lời lãi chẳng còn bao nhiêu.
Hiện toàn huyện có hơn 1 triệu con gà phục vụ dịp Tết, tập trung nhiều ở các xã Tiến Thắng, Tam Tiến, Đồng Vương, Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Tân Sỏi và thị trấn Cầu Gồ. |
Gần chục ngày qua, gia đình chị Nguyễn Thị An, khu phố Bà Ba, thị trấn Cầu Gồ cũng loay hoay chống đỡ những tác động của thời tiết, thị trường đối với đàn gà. Mỗi khi nghe dự báo nhiệt độ giảm chỉ còn 12-13 độ C, chị ăn không ngon, ngủ không yên. Suốt ngày, hai vợ chồng túc trực ở khu chuồng trại, lúc đốt lửa ủ ấm cho đàn gà vài tuần tuổi, khi phủ bạt, dọn trấu ở lán nuôi gà thương phẩm chuẩn bị xuất bán. "Thông thường, vào thời điểm này, gà dễ bán, giá cao vì nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng năm nay giá thấp. Hôm qua tôi bán một đàn giá 45 nghìn đồng/kg, trong khi lứa gà Tết năm ngoái 50-53 nghìn đồng/kg"- chị An cho biết.
Theo anh Lê Văn Toản, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Gia đình chị An bán giá 45 nghìn đồng/kg vẫn được giá, bởi chị có nhiều mối quen. Từ ngày 10-1 đến nay, qua kiểm tra thấy một số hộ dân còn phải bán ở mức 40 nghìn đồng/kg bởi không thể tiếp tục nuôi kéo dài. Gà đã đến kỳ xuất, không bán kịp thời còn phải chi thêm tiền thức ăn, vật tư chống rét và công bảo vệ chống chuột cắn, trộm cắp (gần đây trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ trộm gà). Hơn nữa, nếu dồn hết vào những ngày áp Tết mới bán có thể ùn ứ, khó tiêu thụ. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giống gà mía nếu xuất chuồng giá 45 nghìn đồng/kg sẽ lãi từ 8-12 triệu đồng/nghìn con. Còn giống Sơn Tây bán với giá 65 nghìn đồng/kg, lợi nhuận từ 12-15 triệu đồng.
Hiện cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng huyện Yên Thế đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ gà dịp Tết Nguyên đán như: Tăng cường quảng bá hình ảnh gà đồi Yên Thế; khuyến khích các tiểu thương, doanh nghiệp vào địa bàn thu mua; có chính sách cho các hộ vay vốn đầu tư phương tiện, máy móc chế biến... Mong rằng với các biện pháp tích cực đó, giá gà Yên Thế ổn định, việc tiêu thụ thuận lợi.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)