Phát triển gà đồi theo chuỗi giá trị
Mô hình nuôi gà đồi của gia đình ông Ngô Thu Bồn, thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm. |
Vừa xuất bán 1,5 nghìn con gà thương phẩm, thu lãi hơn 30 triệu đồng nhưng ông Ngô Xuân Cường, thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm vẫn chưa bằng lòng vì việc tiêu thụ gà không ổn định. Hơn một năm qua, gia đình ông cùng 11 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn trong thôn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà đồi. Theo đó, các hộ hỗ trợ, hướng dẫn nhau kiến thức chăn nuôi, trao đổi con giống, thức ăn, thuốc thú y. Hầu hết các hộ đã làm chủ kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao.
Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào tư thương. Mỗi khi tiêu thụ, các hộ đều phải liên hệ với người mua (thường gọi là “cò” – PV) trong và ngoài tỉnh. Khá đông người tìm đến nhưng trả giá chỉ ở mức tương đương nhau.
Theo ông Cường, nguyên nhân là do hầu hết người mua đều đã liên lạc trước, trao đổi với nhau để ép giá nhằm hưởng lợi cao trong khâu trung gian.
Xã Đồng Tâm hiện có gần 200 hộ chăn nuôi gà đồi quy mô từ 500 con trở lên, tổng đàn hơn 100 nghìn con gà thương phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 4 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) được thành lập nhằm thu mua, chế biến, tiêu thụ gà cho người dân. Trên thực tế, lượng thu mua của các đơn vị không lớn, nhiều hộ không mặn mà liên kết vì thời gian nuôi kéo dài hơn song giá bán chẳng chênh lệch là bao so với cách chăm sóc thông thường. Được biết, các DN, HTX chủ yếu hoạt động theo quy mô hộ gia đình, mỗi khi có khách đặt hàng mới thu mua; giết mổ số lượng ít, đầu ra chưa ổn định, chưa tạo lòng tin đối với người sản xuất.
Không chỉ hộ dân, ngay các DN, HTX cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ gà. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết, hiện việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ vẫn diễn ra phổ biến. Hơn nữa, đa phần người dân chưa có thói quen tiêu dùng gà mổ sẵn, các sản phẩm của đơn vị dù đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đầy đủ bao bì, nhãn mác theo quy định nhưng lượng bán ra vẫn nhỏ giọt. Một yếu tố nữa là dù đã nhiều lần làm việc, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đưa ra song đối tác lại yêu cầu vài tháng mới thanh toán một lần. Trong khi đó, HTX mới thành lập, vốn điều lệ, lưu động còn hạn chế nên đành rút lui.
Xác định chăn nuôi gà mang lại nguồn thu chính của bà con trong huyện, thời gian qua, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi; đầu tư hàng tỷ đồng hỗ trợ DN, HTX, người dân xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn mác bao bì; tích cực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Vậy nhưng hiệu quả đem lại của các đề án chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Lý do là những DN, HTX đầu tư vào địa bàn năng lực còn hạn chế, chỉ bao tiêu được một phần nhỏ sản phẩm của bà con.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, thời gian tới, huyện chỉ đạo rà soát định hướng chuyển mô hình kinh tế hộ sang trang trại tập trung; nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập mới HTX; thu hút, tạo điều kiện cho các DN, HTX có tiềm lực đầu tư, phát triển khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm thương hiệu Gà đồi Yên Thế phát triển bền vững.
Mới đây, tại Yên Thế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà đồi theo chuỗi giá trị”. Nhiều nhà khoa học, đại biểu cho rằng, việc phát triển Gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị là việc làm tất yếu. Trước hết phải chuẩn hóa con giống, tạo sự khác biệt về hình thức để người tiêu dùng dễ nhận biết.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)