Nuôi gà đồi đón Tết: Ổn định tổng đàn, bảo đảm chất lượng giống
Đa dạng giống gà
Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát khiến hàng triệu con lợn trong nước bị chết, gây thiếu hụt lượng lớn thực phẩm cho thị trường. Tại Bắc Giang, bệnh DTLCP làm hơn 270 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy. Hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn tại Bắc Giang đã chuyển đổi sang các vật nuôi khác như gà, vịt... Dự báo, tổng đàn gia cầm sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong dịp Tết tới.
Dịp này, mỗi ngày cơ sở ấp nở gà lai Hồ của ông Nguyễn Tiến Mạnh (bên phải), Giám đốc HTX Giống gia cầm Mạnh Ngân xuất bán ra thị trường hơn 3 nghìn con giống. |
Hiện người dân trong tỉnh, nhất là ở Yên Thế việc chăn nuôi và tiêu thụ gà khá thuận lợi, giá bán dao động từ 55 - 75 nghìn đồng/kg (tùy từng loại gà và độ tuổi). Mỗi lứa khi xuất bán, người nuôi thu lãi từ 15 triệu đồng trở lên/1 nghìn con. Thời tiết năm nay ít mưa, ngành chuyên môn dự báo sẽ không có dịch bệnh lớn trên đàn gà. Tuy vậy, các hộ giàu kinh nghiệm chăn nuôi vẫn khá thận trọng khi vào đàn gà đón Tết.
Hộ ông Nguyễn Hồng Hải, thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm nuôi gà từ năm 1985, mỗi năm, gia đình ông xuất bán hơn một vạn con gà thương phẩm. Mỗi tháng, ông vào đàn 1 nghìn gà giống và xuất bán với số lượng tương tự. Ông Hải chia sẻ, với cách làm này, tháng nào gia đình cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống và đầu tư chăn nuôi, tránh được rủi ro nếu giá gà xuống thấp.
Cách đây hơn một tháng, ông vào đàn 2 nghìn gà con để bán trước Tết. Ông Hải phân tích: “Năm nay nhiều hộ nuôi lợn bị dịch bệnh đã chuyển sang nuôi gà, vì thế tôi xác định sẽ xuất chuồng trước và sau Tết Nguyên đán để tiêu thụ được thuận lợi”.
Hộ các ông Hoàng Văn Thạch, Ngô Thu Bồn, Nguyễn Văn Cường cùng hơn 50 hộ nuôi gà đồi trong thôn Tân Kỳ đều vào đàn "dải đều", tránh xuất chuồng dồn dập vào đúng dịp cận Tết Nguyên đán để tránh rủi ro về giá.
Là chủ trại chăn nuôi quy mô lớn với hơn 3 vạn con gà/năm nên Tết Nguyên đán thường là dịp để hộ anh Hoàng Đăng Khoa, thôn Đền Quan, xã Tam Hiệp tăng sản lượng gà. Thay vì nuôi các giống gà truyền thống, nhiều năm qua, gia đình anh chọn nuôi gà lai Hồ, gà chíp, gà ta Lò.
Theo anh Khoa, cơ cấu đàn như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tết này, gia đình anh dự kiến xuất chuồng 3 nghìn con gà lai Hồ. Ngoài Tết, bán 1 nghìn con gà chíp để phục vụ nhu cầu cúng Rằm tháng Giêng.
Ngoài các giống gà chủ lực là ri lai và mía lai, tại Yên Thế, nhiều hộ nuôi một số giống gà đặc sản phục vụ các nhà hàng.
Sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, ngoài hỗ trợ người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, năm 2019 là năm thứ 2 Yên Thế tập trung chỉ đạo, định hướng, khuyến khích người chăn nuôi tăng tỷ trọng gà ri lai.
Bởi đây là giống gà cho chất lượng thịt thơm ngon, giá cao hơn gà mía từ 7 -10 nghìn đồng/kg. Phấn đấu năm nay gà ri lai đạt khoảng 50% tổng đàn gà, duy trì ổn định tổng đàn 4 triệu con.
Thời điểm hiện tại, tổng đàn gà của Yên Thế đạt hơn 4 triệu con. Dự kiến sản lượng gà xuất chuồng năm 2019 ước đạt hơn 1,5 nghìn tấn (tương ứng hơn 12 triệu con) và hơn 9,5 triệu quả trứng; giá trị ước đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Dự kiến lượng gà bán ra dịp Tết tới khoảng 2,5 triệu con, chủ yếu là gà từ 4-5 tháng tuổi. Trong đó, tỷ lệ gà ri lai chiếm khoảng 45%.
|
Để bảo đảm chất lượng gà, Yên Thế đã tích cực chỉ đạo các cơ sở chuẩn hóa quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, năm nay, 100% các hộ nuôi gà trên địa bàn huyện nhập con giống từ các cơ sở sản xuất theo quy trình sạch bệnh và thụ tinh nhân tạo.
Bởi gà được sản xuất theo quy trình này có ưu điểm đồng đều, sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm chất lượng từ gà giống tới thương phẩm”, ông Hiến nói.
Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc. Bảo đảm chặt chẽ các khâu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, quản lý quá trình vận chuyển vật nuôi ra, vào địa bàn, đặc biệt là công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm (cúm A H5N1).
Năm nay, Yên Thế đã thành lập thêm một số HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, ấp nở và tiêu thụ gà đồi như HTX Giống gia cầm Mạnh Ngân, xã Tam Tiến; Tổ hợp tác Chăn nuôi gà đồi thôn Tân Kỳ… Huyện cũng chỉ đạo, khuyến khích HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, Công ty cổ phần Giang Sơn tăng cường liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho hay, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ với số lượng hơn 40 nghìn con (tăng 10 nghìn con so năm trước), đồng thời mở thêm 7 đại lý tiêu thụ gà ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, nâng tổng số đại lý lên 15.
Có sự chỉ đạo tích cực từ chính quyền, ngành chức năng cùng kinh nghiệm tích lũy, vụ gà Tết sắp tới, người chăn nuôi ở Yên Thế hy vọng có thu nhập cao.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)