Chăn nuôi gà phục vụ Tết: Trọng chất hơn lượng
Sản xuất theo chuỗi khép kín
Thương nhân thu mua gà đồi Yên Thế đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh trong nước. |
Thay vì chăn nuôi tự phát, các hộ chăn nuôi gà tại huyện Yên Thế đã từng bước liên kết theo tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, cung ứng giống bảo đảm chất lượng và ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, thời điểm này toàn huyện có 20 tổ hợp tác chăn nuôi gà, tập trung ở các xã như: Tam Tiến, Canh Nậu, Đồng Tâm, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Hồng Kỳ…
Cùng với chăn nuôi theo tổ hợp tác, điểm nổi bật ở Yên Thế đó là mấy năm gần đây, trên địa bàn huyện duy trì 2 chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế và Công ty cổ phần Giang Sơn.
Thời điểm này, Công ty cổ phần Giang Sơn tập trung hướng dẫn các hộ tích cực chăm sóc đàn gà theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng để đủ nguồn cung cho khách hàng theo đơn đặt trước. Ngay từ khâu đầu vào, Công ty liên kết với cơ sở có uy tín mua gà giống bảo đảm đồng đều, rõ nguồn gốc. Các hộ được hướng dẫn vệ sinh chuồng trại định kỳ, tiêm vắc-xin đầy đủ.
Thức ăn ngoài rau, củ quả, ngô, Công ty ký hợp đồng với đơn vị cung ứng cám theo từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của đàn gà. Nhờ vậy, Công ty đã được cấp chứng nhận chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP.
Dự kiến trong dịp Tết này, Công ty sẽ cung ứng hơn 500 tấn gà lông và gà thịt cho thị trường các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…, cao hơn hàng chục tấn so với năm trước. Ngoài ra, Công ty còn chế biến giò gà tiêu thụ cho thị trường Hà Nội và đưa vào siêu thị ở một số tỉnh.
Tương tự, các thành viên của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đang tất bật chăm sóc đàn gia cầm. Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, gia đình ông Nguyễn Văn Sự, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm chia sẻ: “Để gà lớn nhanh, mã đẹp, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Vào ngày nhiệt độ xuống thấp bổ sung thêm khoáng chất, thắp đèn sưởi ấm cho gà.
Trước khi xuất chuồng khoảng một tháng, cho gà ăn ngô để gà thịt chắc, thơm ngon”. Vừa nuôi vừa gối đàn, lúc nào trong chuồng cũng có 2-2,5 nghìn con gà, đến kỳ xuất bán ông đều để HTX thu mua như hợp đồng đã ký kết. Mới đây, nhà ông bán 1 nghìn con gà ri lai với giá 55 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng.
Dịp Tết này, ông dự kiến cung ứng 1 nghìn con gà ri lai cho khách hàng. Theo ông Giáp Qúy Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, để có sản phẩm cung cấp cho các đầu mối, HTX liên kết với 87 hộ chăn nuôi. Năm nay, lần đầu tiên HTX được chứng nhận quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Hiện HTX ký hợp đồng bao tiêu 10 nghìn con cho hộ dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tăng tỷ lệ gà nuôi theo quy trình VietGAP
Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện cung ứng cho thị trường 2-2,2 triệu con gà từ 4-5 tháng tuổi, trong đó gà ri lai chiếm khoảng 50%. Thời điểm này, gà ri lai có giá 60 nghìn đồng/kg, mía lai khoảng 55 nghìn đồng/kg. Mức giá này dự kiến sẽ tăng trong dịp gần Tết.
Để bảo đảm chất lượng gà đồi, huyện khuyến cáo các hộ dân duy trì ổn định tổng đàn 4,3 triệu con/lứa/năm, không tăng ồ ạt khi giá lên cao mà chú trọng thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và theo hướng VietGAP.
Để bảo đảm chất lượng gà đồi, huyện khuyến cáo các hộ dân duy trì ổn định tổng đàn 4,3 triệu con/lứa/năm, không tăng ồ ạt khi giá lên cao mà chú trọng thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và theo hướng VietGAP. |
Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; cấp phát hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong năm, huyện phối hợp với một số trung tâm giống gia cầm, cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn 100 lớp chăn nuôi gà an toàn, theo hướng VietGAP cho các hộ.
Đặc biệt, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện dành hàng tỷ đồng hỗ trợ nông dân chăn nuôi gà bền vững, xây dựng mô hình và hoàn thiện hồ sơ chứng nhận VietGAP cho đơn vị đủ điều kiện. Đồng thời từng bước chuẩn hóa giống gà ri lai, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ấp nở con giống để cung ứng cho người dân, tránh tình trạng mua con giống trôi nổi, khó kiểm soát chất lượng.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm nay tỷ lệ gà chăn nuôi theo quy trình VietGAP toàn huyện đạt 30-35% tổng đàn, tăng 7% so với năm trước. Để giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế, từ nay đến năm 2025 huyện phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 65-75% tổng đàn.
Huyện định hướng các hộ dân chăn nuôi theo quy mô tập trung thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ. Cách làm này vừa thuận lợi trong chăm sóc để nâng cao chất lượng vừa bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Huyện quy hoạch và chú trọng thu hút doanh nghiệp về địa bàn đầu tư cơ sở chế biến; khuyến khích người chăn nuôi nâng tỷ lệ gà ri lai lên khoảng 60% bởi đây là giống gà cho chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn gà mía từ 8- 10 nghìn đồng/kg.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)