Đại diện UNESCO trao Bằng chứng nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới cho ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam.
Trải qua nhiều thế kỷ đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hoá quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm: hệ thống tượng thờ gồm trên 100 pho, hệ thống văn bia (7 bia) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn thời Lê - Nguyễn ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ ... Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do các vị thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, tháng 3/2016.
Di sản này không chỉ là báu vật của đất nước Việt Nam mà còn là tài sản văn hoá chung của cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên toàn thế giới tiêu biểu cho tư tưởng triết học, nhân văn của người phương Đông suốt từ những năm đầu thế kỷ XIII đến nay. Vì thế, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới ngày 16/5/2012.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại chùa Vĩnh Nghiêm, tháng 3/2016.
Với những giá trị vốn có, chùa Vĩnh Nghiêm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tháng 10/2012.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu, các vị thiền sư Việt Nam và một số nước trên thế giới đã tìm về Vĩnh Nghiêm để xem xét, nghiên cứu, phát huy những giá trị của kho mộc bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số vị thiền sư Việt Nam đã về chùa Vĩnh Nghiêm xin toàn bộ bản dập kho mộc bản để nghiên cứu, biên tập thành sách, giáo trình thể hiện giáo lý Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm và lấy đó làm sách giảng kinh Phật cho các tăng ni, phật tử. Nhờ vậy, tư tưởng, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, truyền dạy lại và ngày càng phát triển mở rộng, hoà nhịp với cuộc sống đương đại ở trong nước và thế giới.
Lễ vinh danh kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO công nhận, tháng 10/2012.
Những vị thiền sư người Việt Nam có uy tín như Hoà thượng Thích Thanh Từ, Hoà thượng Thích Nhất Hạnh và Thiền sư Thích Huyền Diệu vừa truyền bá tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm qua việc biên soạn sách và dịch ra tiếng nước ngoài, vừa truyền giảng tinh thần thiền Việt Nam cũng như trực tiếp xây dựng nên các thiền viện để đào tạo tăng ni, phật tử theo kiểu thiền phái Trúc Lâm ở trong nước và thế giới; quảng bá và giao lưu với nhiều hệ tôn giáo khác trên thế giới trong tinh thần dung hợp bác ái.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo nhân dân dự buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, tháng 3/2016 (ảnh trên); một số tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ (2 ảnh dưới).
Đánh giá được tầm quan trọng lớn lao của kho mộc bản, năm 2009 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã tiến hành in dập lấy thác bản của toàn bộ số mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đồng thời kiểm kê, phân loại đầu sách, lược dịch lấy nội dung của những tác phẩm kinh, sách tiêu biểu trong kho mộc bản, dịch giới thiệu một số tác phẩm có liên quan đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và chốn tổ Vĩnh Nghiêm.
Sau một thời gian làm việc tích cực, đoàn kiểm kê đã đưa ra được số liệu thống kê tổng hợp toàn bộ kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. Cụ thể, kho mộc bản có 3050 mộc bản với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại, có thể kể tên một số loại kinh, sách chính như sau:
* Về kinh Phật có hai bộ kinh là Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh (cả phần kinh và phần chú giải) và A Di Đà kinh. Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
* Về luật giới Phật có: Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh. Ba quyển này là giới luật tu và thiền cho các tăng ni của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
* Về sách có: Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình (bài Hạnh Thiền tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ, bài phú Cư trần lạc đạo, bài phú Giáo tử, bài Du Yên Tử sơn nhật trình, bài phú Thiếu thất, bài phú Thiền tịch). Trong đó Thần du Tây phương ký và Tây phương mỹ nhân truyện là sách nói về nguồn gốc của đạo Phật Ấn Độ. Tập Nhật trình Yên Tử nói về sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và phương pháp tu thiền tâm của thiền phái này.
Tất cả các tăng ni, phật tử theo dòng Đại thừa ở Việt Nam cũng như hải ngoại đều sử dụng các bộ kinh, luật, sách trên để tu trì hành đạo. Vì vậy, mộc bản chính là di sản văn hoá quý giá của Phật giáo Đại thừa trên toàn thế giới nói chung và thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam nói riêng. Từ các tư tưởng và giáo lý đó, các thiền sư đã tiếp thu biên soạn thành sách để phát hành, truyền giảng trong toàn quốc và trên thế giới.
Các mộc bản này đều được khắc trên vật liệu là gỗ thị. Loại gỗ này được khai thác chủ yếu trong vườn chùa. Đây là loại gỗ quý với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ rất phù hợp với việc khắc ván in. Chữ trên các mộc bản đều được dùng bằng chữ Hán và Nôm. Chữ khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Sách được đóng, sử dụng theo truyền thống của người phương Đông (đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Kích thước các mộc bản không đồng đều tuỳ theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm.
Do đã qua nhiều lần in dập nên các ván in đều có màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả. Đa phần các mộc bản được khắc trên 2 mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Mỗi mặt là hai trang sách. Nhiều trang được khắc đan xen thêm những hình minh hoạ với bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét tinh tế. Vì vậy, mỗi mộc bản còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Mỗi bản in trong kho mộc bản xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ đẹp.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được coi là bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật duy nhất hiện còn được lưu giữ về thiền phái Trúc Lâm - một trong những thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Qua quá trình tiếp xúc, lược đọc nội dung cơ bản của kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, những người làm công tác nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng Bắc Giang đã nhận định sơ bộ về giá trị nội dung kho mộc bản như sau:
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bảo vật đặc biệt quý hiếm của Việt Nam. Tổng tập “mộc bản kinh, sách Hán Nôm” này chính là những tác phẩm lớn chứa đựng nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Trúc Lâm Yên Tử, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hoá giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, tâm linh học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền, xã hội học, y học, cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam từ giai đoạn đầu thế kỷ XIII đến những năm đầu thế kỷ XX.
Cái lớn của kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là số lượng con chữ mà là giá trị nhân văn của đất nước, con người Việt Nam được chuyển tải qua mặt chữ Hán Nôm theo tư duy logic của cộng đồng các dân tộc Việt ngay từ những năm đầu công nguyên cho đến thế kỷ XIII. Từ dòng tư duy logic Việt này, tư tưởng nhân văn được chắt lọc và phát triển thành lời thông qua trí tuệ của các vị vua, thiền sư, quan lại, nhân sĩ, trí thức thời Trần rồi được lưu truyền sang thời Lê, Nguyễn và tiếp tục trở thành yếu tố chủ đạo trong đời sống, đạo đức của người Việt.
Đan xen giữa các mộc bản kinh Phật là các bản khắc về luật giới, sách thuốc qua đó răn dạy các tăng ni phật tử, giáo dục người đời sống khoan dung độ lượng, nhân ái vị tha theo giáo lý nhà Phật cùng những phương thuốc quý giá để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cứu giúp người đời. Ngoài ra các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hoá của đất nước mà người dân nước Việt đời đời tôn vinh. Điều này khẳng định thêm rằng Phật giáo là một tôn giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân tộc Việt Nam.
Những tư liệu trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Cụ thể là sự phát triển của chữ Nôm trong lịch sử; quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm. Từ chỗ chỉ được sử dụng số ít thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu hình thành có hệ thống và phát triển mạnh trong dòng văn học Việt Nam. Điển hình là trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm thường sử dụng văn Nôm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng Phật học như: “Thiền Tông bản hạnh”, “Yên Tử nhật trình”, phú “Cư trần lạc đạo”, phú “Giáo tử”, phú “Thiền tịch” và các thể loại văn Nôm Việt Nam.
Các tác phẩm chữ Nôm ghi chép về phong cảnh thiên nhiên, địa chí và địa chất khu vực Yên Tử - Vĩnh Nghiêm cho biết, Yên Tử là nơi hội tụ nhiều yếu tố “địa linh nhân kiệt” để tạo nên một kinh đô Phật giáo thời Trần. Đồng thời khẳng định thêm mối quan hệ mật thiết không thể tách rời giữa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) mỗi khi nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, đa văn hoá của nhân loại hiện nay, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của kho mộc bản Vĩnh Nghiêm đóng một vai trò quan trọng. Việc này không chỉ giáo dục ý thức giữ gìn văn hoá truyền thống của dân tộc Việt mà còn giúp cho cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, châu Á bảo tồn nét văn hoá phương Đông trong quá trình cùng thế giới hội nhập và phát triển. Đồng thời những tư tưởng nhân văn, bác ái, cư trần lạc đạo của thiền phái Trúc Lâm đã nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Ý kiến bạn đọc (0)