Chàng trai Bắc Giang rời Nhật Bản về quê làm nông
Đi xa để trở về
Vy kể: “Học hết lớp 9, trong khi các bạn đến trường thì em vào miền Nam làm thuê. Đủ 18 tuổi em đi bộ đội, xuất ngũ lại về quê tiếp tục đi học. Tốt nghiệp cấp 3 chậm hơn các bạn cùng tuổi đến 4 năm, sau đó em còn ra Hà Nội làm nghề lái xe tải thuê. Đi nhiều nơi nhưng lúc nào em cũng nhớ đến Lãng Sơn vùng chiêm trũng quê em; nhớ tuổi thơ nón mê, quần đùi, chân đất đi làm ruộng, chăn trâu, thả vịt khắp cánh đồng. Thế nhưng khi đó em cũng chả nghĩ ra được việc gì, làm gì để giúp cho quê hương cả”.
Trang trại chim bồ câu của gia đình anh Vy. |
Cách đây khoảng chục năm, nhiều thanh niên Yên Dũng sang Nhật Bản lao động xuất khẩu, có tiền gửi về cho gia đình. Đầu năm 2017, Vy cũng đi học tiếng Nhật Bản, chia tay vợ trẻ, con thơ với quyết tâm sang bên đó làm kinh tế. Đầu tiên là làm cho một doanh nghiệp xây dựng, công việc của Vy là đi sơn nhà. Được một thời gian thấy không phù hợp nên Vy chuyển sang doanh nghiệp thứ hai chuyên về chăn nuôi và trồng trọt.
Ở đơn vị này có tất cả 16 lao động là người Việt Nam. Vốn thích làm nông nghiệp từ xưa, sang đây, Vy thấy vô cùng hào hứng, em như được trở về tuổi thơ của mình ở quê nhà, cũng ra cánh đồng trồng rau, củ, quả, cũng những công việc của người chăn nuôi. Nhưng ở đây Vy thấy khác là họ làm nông nghiệp hoàn toàn sử dụng máy móc tự động. Trong chăn nuôi, cho gia súc, gia cầm ăn uống đều sử dụng máy. Trồng rau củ quả cũng vậy, cơ bản máy móc thay con người.
Mỗi lần đi làm mà cứ ngỡ đang đi du lịch sinh thái bởi cánh đồng, trang trại trông đẹp như tranh. Vì vậy ngay trong thời gian đầu làm việc ở đây, Vy đã nung nấu ý định đem mô hình này áp dụng ở đồng đất quê mình. Chăm chú quan sát, tiếp thu kiến thức, học hỏi kỹ thuật, Vy thấy cách làm của họ khắt khe trong từng công đoạn, nghiêm túc về thời gian. Họ làm rất khoa học, quy củ, nguyên tắc và kỹ lưỡng, cẩn thận.
Chẳng hạn như khi trồng dưa thì hạt giống loại này chỉ trồng được ở nhà màng này, không thể trồng được ở nhà màng khác vì khi chọn giống, họ đã nghiên cứu rất kỹ về thổ nhưỡng, thời tiết, độ ẩm, ánh sáng, nếu đem trồng ở những nơi khác cây sẽ không sinh trưởng và phát triển được. Hay như bên mình một vài công đoạn đơn giản có thể tặc lưỡi làm sơ khoáng, qua loa thậm chí bỏ qua nhưng bên Nhật Bản thì không, tất cả phải đúng quy trình, không được bỏ công đoạn nào dù là nhỏ nhất. Thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học, đa số tự pha chế từ tỏi, rượu, ớt, rất ít khi dùng thuốc hóa học.
Kinh nghiệm và cách làm nông nghiệp tiên tiến của Nhật Bản đã được anh Vy tìm tòi, học hỏi, tích luỹ theo thời gian, ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ tay. Sau 3 năm hết hạn visa, nhưng do dịch Covid-19 nên anh ở lại thêm 1 năm. Cuối năm 2021, anh về nước mang theo hành trang, tài sản không phải là số tiền thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng mà là một “đầu kiến thức” với ý tưởng sẽ khởi nghiệp tại chính quê hương mình.
Chọn nông nghiệp để khởi nghiệp
Quyết định không sang Nhật Bản tiếp tục công việc cũ mà ở lại quê hương bắt đầu gây dựng sự nghiệp làm nông nghiệp của Vy cũng gặp phải những cản trở. Nhiều người bảo cứ sang đó làm, được đồng nào ăn chắc đồng đó, làm nông nghiệp ở đồng chiêm trũng này chắc gì được ăn. Nhưng Vy thì không nghĩ vậy, được sự động viên, hỗ trợ, ủng hộ của hai bên gia đình và có một người bạn đã từng nuôi chim bồ câu, đầu tiên anh mua giống nuôi 1.000 đôi tại nhà với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Anh Lưu Xuân Vy kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt cho dưa lê trong nhà màng. |
Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu cũng khó khăn, có tới 30% số chim bị chết do bệnh hen, nấm. Quyết tâm tìm giải pháp để khắc phục, mọi khâu chăn nuôi từ vệ sinh chuồng trại, con giống, thức ăn và tiêm vắc-xin phòng bệnh được anh hết sức chú ý. Từ tháng thứ 3 trở đi, trang trại chim phát triển và cho thu nhập ổn định. Sau 8 tháng, chim bắt đầu sinh sản, anh đầu tư cả máy ấp trứng để cung cấp tại chỗ chim giống.
Đến nay, anh đã mở rộng quy mô lên 4 trang trại với tổng số 9.000 đôi chim bồ câu, trong đó có 2 trang trại tại nhà, 2 trang trại tại huyện Lục Nam. Khi mở rộng quy mô thì “đầu ra” cũng là một vấn đề. Lặn lội đi khắp nơi tìm mối hàng, trong thời gian ngắn, anh đã “chốt” được với nhiều thương lái của tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hà Nội… đều đặn lấy hàng, giá bán trung bình 150 nghìn đồng/đôi. Để giải quyết thức ăn thừa của chim bồ câu, anh nuôi thêm 500 con gà, 1.000 con ngan. Chất thải từ gia cầm (chim, gà, ngan) anh áp dụng công nghệ ủ men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng. Bên Nhật Bản họ ép bằng máy đóng viên, còn ở đây anh trộn lẫn giá thể xơ dừa làm phân vi sinh cung cấp cho trang trại rau.
Cuối năm 2022, anh thành lập HTX Nông nghiệp cao Hồng Sơn do mình đứng tên làm giám đốc. Anh bỏ vốn 11 tỷ đồng đầu tư 3 nhà màng trên diện tích 8.500 m2 ở cánh đồng thôn Đồng Sơn. Nhà màng với công nghệ hiện đại, được trang bị hệ thống cắt nắng tự động. Anh giải thích thời tiết nắng quá, hệ thống này sẽ tự động cắt nắng. Tương tự nhà màng có hệ thống tự động gồm quạt đối lưu không khí, rèm tời biên, rèm cắt mái và hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel mỗi gốc cây gồm hai ống như kim tiêm.
Tháng 3/2023, anh trồng 5.400 cây dưa lưới, dưa lê, dưa chuột baby, dưa lê Hàn Quốc bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. Vụ đầu tiên thu hoạch hàng chục tấn sản phẩm, tư thương đặt mua cả vườn cung cấp cho hệ thống siêu thị Winmart và BigC Thăng Long… Vụ đông này, anh đang chuẩn bị đất trồng ớt chuông, nụ bí bao tử, cà chua bi và thử nghiệm trồng dâu tây trong nhà màng.
HTX Nông nghiệp cao Hồng Sơn đang tạo việc làm ổn định cho 14 người (nuôi chim bồ câu và sản xuất rau) với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ rau cần nhân lực đóng bầu cấp tốc, anh thuê thêm 8 nhân công thời vụ. Tự tin với mô hình mới này, anh cho biết HTX đang làm các thủ tục để xây dựng, mở rộng thêm 12.500 m2 nhà màng.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)