Việt Yên: Quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống
Khơi dậy sức sống của làn điệu dân ca
Dịp này, khu trung tâm văn hóa thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn ngập tràn lời ca quen thuộc, da diết của những làn điệu quan họ cổ như: Khách đến chơi nhà; lý cây đa và những bài hát mang lời ca mới, ca ngợi quê hương,… do các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Quan họ thôn Nội Ninh thể hiện.
Các thành viên CLB Quan họ thôn Nội Ninh hướng dẫn thế hệ trẻ hát dân ca. |
Trong phút giải lao, nghệ nhân quan họ Đàm Thị Bùi, thôn Nội Ninh, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Thường ngày, các thành viên CLB chỉ tập hát và truyền thụ dân ca quan họ cho thế hệ trẻ vào tối Chủ nhật hoặc các giờ học ngoại khóa tại Trường Tiểu học Ninh Sơn. Tuy nhiên, những ngày này chúng tôi tập luyện nhiều hơn để trình diễn chuẩn bị đón xã NTM kiểu mẫu trong tháng 8 tới”.
Việt Yên có 18 làng quan họ; 50 CLB quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập; 120 CLB quan họ thực hành; 5 câu lạc bộ hát chèo, hát tuồng; 1 CLB ca trù cấp huyện. Toàn huyện có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và hơn 90 di tích cấp tỉnh. |
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, Việt Yên có 18 làng quan họ, trong đó có 5 làng quan họ cổ thì Ninh Sơn chiếm 4 làng. Chính vì thế mà năm nay Ninh Sơn chọn xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội văn hóa.
Đây là tiêu chí khó nhưng với thực lực của mình, cấp ủy và chính quyền xã vẫn quyết tâm thực hiện. Việc làm này vừa phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa dân ca quan họ, vừa góp phần xây dựng NTM.
Ngoài 18 làng quan họ, Việt Yên còn có 50 CLB quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, 120 CLB quan họ thực hành, 5 câu lạc bộ hát chèo, hát tuồng và 1 CLB ca trù cấp huyện. Mỗi CLB có từ 30-60 thành viên tham gia.
Không chỉ phong trào ca hát, gìn giữ dân ca truyền thống tại Ninh Sơn phát triển mạnh mà hằng tuần, hằng tháng, các CLB hát chèo, tuồng, ca trù trong huyện vẫn hăng say tập luyện, giữ nét văn hóa quê hương đã hình thành cả trăm năm. Từ các phong trào đó đến nay, Việt Yên đã có 22 nghệ nhân, trong đó 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Luyện tập tiết mục mới của CLB Chèo Hoàng Mai, thị trấn Nếnh. |
Ông Nguyễn Hữu Cử, Chủ nhiệm CLB Chèo Hoàng Mai, thị trấn Nếnh nói: “Dù bận đến đâu, hơn 30 thành viên trong CLB cũng phải ngồi tập với nhau mỗi tháng 1 lần. Có như vậy mới duy trì được đội văn nghệ, để khi cần là có thể biểu diễn ngay”. Cùng với loại hình văn hóa phi vật thể, Việt Yên đang lưu giữ, bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và hơn 90 di tích cấp tỉnh.
Tiêu biểu như: Di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà; cụm di tích đình, chùa, từ chỉ Thổ Hà; chùa Vân Cốc, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung,… Huyện có 128 lễ hội (3 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Bổ Đà, lễ hội thôn Thổ Hà và lễ hội vật cầu nước làng Vân). Huyện còn có nhiều làng nghề truyền thống khác.
Biến tiềm lực thành nguồn lực
Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp, đang xây dựng trở thành thị xã. Người dân khắp nơi đổ về đây làm việc, sinh sống. Chính sự tác động cơ học về dân số, phát triển công nghiệp, đô thị khiến địa phương đối diện nhiều thách thức về quy hoạch và các lĩnh vực KT-XH khác. Trong đó có việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong xu hướng hội nhập, phát triển xã hội hiện đại.
Trước thực tế đó, Huyện ủy Việt Yên đã đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hiện đại gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống. Huyện xác định, di sản văn hóa tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển KT-XH là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện xuyên suốt.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, hằng năm, Việt Yên tổ chức liên hoan hát quan họ gắn với lễ hội chùa Bổ Đà. Các CLB dân ca trong huyện tham gia liên hoan hát chèo, quan họ, ca trù do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức,… Năm 2021, UBND huyện Việt Yên triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản quan họ và hát ca trù. Kết quả, đến nay xã Ninh Sơn và Vân Hà là 2 đơn vị thực hiện tốt nhất công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống quan họ. Tổ dân phố Hoàng Mai (thị trấn Nếnh) là đơn vị bảo tồn, phát huy tốt nhất văn hóa truyền thống hát chèo.
Cùng đó, huyện bố trí hàng trăm tỷ đồng tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức tập luyện, sinh hoạt văn hóa cộng đồng...
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Việt Yên đã lập quy hoạch Khu du lịch cấp tỉnh Tiên Sơn - Vân Hà; quy hoạch các không gian quan họ gắn với các làng quan họ cổ; trùng tu, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng gắn với hình thành điểm du lịch; phối hợp triển khai lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà.
Mục đích, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch (Giai đoạn này, cửa võng đình Thổ Hà được công nhận là bảo vật quốc gia; lễ hội vật cầu nước làng Vân được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên chia sẻ, mặc dù công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã đạt nhiều kết quả song vẫn còn mặt hạn chế. Đó là, các cấp ủy Đảng đã quan tâm, tạo điều kiện nhưng chưa xứng tầm và khai thác được giá trị của di sản. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển các CLB dân ca truyền thống chưa nhiều; chưa có chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân.
Để phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản theo đúng cam kết với UNESCO. Thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di sản trong phát triển KT-XH, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử.
Qua đó góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để văn hóa, di sản thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển KT-XH hiện đại .
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)