Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch
Đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá
Để phát huy tiềm năng, huyện Việt Yên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Đầu tư kinh phí bảo tồn di tích xuống cấp; khuyến khích xây dựng khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp; triển khai các chương trình quảng bá văn hóa, du lịch và bảo tồn nghề truyền thống… Đặc biệt, huyện đã quy hoạch các điểm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, tạo điểm nối các di tích phục vụ du khách tham quan.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nếnh tham quan đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, thị trấn Nếnh. |
Tháng 1/2021, Hợp tác xã (HTX) Du lịch làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà được thành lập với 8 thành viên. Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Giám đốc HTX, với bề dày truyền thống của quê hương, HTX đã xây dựng tuyến tham quan phù hợp. Thông thường du khách sẽ trải nghiệm ở khu vực làng nghề làm bánh đa nem, mỳ gạo, sản xuất đồ gốm, sau đó di chuyển đến các ngôi nhà cổ để chiêm ngưỡng.
Cuối cùng sẽ về thăm cụm di tích quốc gia là đình, chùa Thổ Hà và nghe hát quan họ, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của làng quê. Ngoài ra, HTX còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm thuyền trên sông. “Chúng tôi duy trì hoạt động của 5 đội: Nấu ăn, văn nghệ, hướng dẫn, nghề truyền thống và vệ sinh môi trường để phục vụ hoạt động của HTX. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến tham quan không nhiều.
Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như facebook, zalo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh”, ông Sơn nói. Hiện nay trục đường giao thông ở xã Vân Hà đã được mở rộng, trải nhựa nên du khách di chuyển thuận lợi. UBND huyện Việt Yên đang đầu tư gần 30 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích chùa Thổ Hà.
Dù mới thành lập song điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang được đánh giá như một điểm sáng về các dịch vụ trải nghiệm thực tế nông trại dành cho du khách, nhất là trẻ em. Với khoảng không gian rộng lên đến gần 30 ha và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng, du khách đến đây sẽ có cơ hội hòa mình với thiên nhiên, thăm khu bảo tồn hơn 10 nghìn cá thể với 14 loài chim; vườn nho sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao; hồ câu cá; khu vui chơi dưới nước; các vườn hoa rực rỡ theo mùa.
“Hiện chúng tôi đang xây dựng các homestay nhỏ để phục vụ nhu cầu nghỉ qua đêm, dự kiến sẽ đón khách từ đầu năm 2022. Đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng trong chuỗi liên kết du lịch chùa Bổ Đà - làng cổ Thổ Hà - điểm du lịch sinh thái Đại học Nông Lâm - chùa Vĩnh Nghiêm”, anh Đàm Thuận Minh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ giáo dục và sinh thái môi trường (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang), đơn vị quản lý điểm du lịch cho biết.
Xây dựng chuỗi liên kết “3 nhà”
Huyện Việt Yên có nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn) và đình Đông (thị trấn Bích Động), 19 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh; 18 làng quan họ, được đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.
Làng nghề Thổ Hà - một trong những điểm du lịch tại huyện Việt Yên. Ảnh: Hoàng Thương |
Hằng năm, Việt Yên thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch, trong đó chủ yếu là khách chiêm bái, lễ Phật ở các di tích nổi tiếng. Tuy nhiên, lượng khách này chỉ đến tập trung vào mùa lễ hội. Huyện chưa có sản phẩm đặc trưng; công tác vệ sinh môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại một số điểm du lịch làng nghề chưa tốt; chưa có công ty lữ hành chuyên tổ chức các tour nội huyện, nội tỉnh trên địa bàn.
Để khắc phục hạn chế, năm 2022, huyện tiếp tục đầu tư nguồn lực hình thành hạ tầng các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm; xây dựng đô thị tổng hợp bao gồm: Phát triển chức năng dân cư đô thị, hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại và du lịch.
Xây dựng hệ thống tượng đài và tu bổ, tôn tạo các công trình di tích trên địa bàn theo quy hoạch gồm: Tượng đài danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung, tượng đài Hán Quận Công Thân Công Tài; đình, chùa Thổ Hà; chùa Vân Cốc; chùa Bổ Đà; đình Thượng Lát; đền thờ Anh hùng Cao Kỳ Vân.
Huyện phấn đấu đến năm 2030 thu hút được khoảng 1 triệu lượt khách/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 500 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. |
Theo ông Trần Bá Giang, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, giải pháp quan trọng để phát triển du lịch là xây dựng những tour, tuyến mang tính kết nối cao.
Vì vậy, trong Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung phát triển sản phẩm, loại hình du lịch có chất lượng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, trở thành một trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh của tỉnh theo các không gian du lịch quy hoạch như: Du lịch golf, trải nghiệm ẩm thực, ngắm cảnh kết hợp vui chơi giải trí. Xây dựng chuỗi liên kết 3 nhà (nhà quản lý - điểm du lịch - hãng lữ hành) để hình thành tour du lịch trong huyện và tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, huyện tập trung phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ chất lượng cao; kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf ở xã Trung Sơn.
Từ nay đến năm 2030, huyện phấn đấu xây dựng, kết nối các tour, tuyến du lịch tâm linh: Tây Yên Tử - Yên Dũng - TP Bắc Giang - Việt Yên; trong đó chú trọng quảng bá khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, đền thờ danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung và một số điểm di tích trên địa bàn. Hình thành tour du lịch vừa tham quan di tích tâm linh vừa trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái: Tiên Sơn - Vân Hà - Nếnh - Hồng Thái - Bích Động - Minh Đức.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)