Địa chỉ đỏ giữa non xanh Mỏ Thổ
Nữ điệp báo dũng cảm vào hang diệt "cọp"
Theo tư liệu lịch sử địa phương và người dân kể lại, từ năm 1947 đến năm 1949, thực dân Pháp đã chọn một số khu vực trên địa bàn huyện Việt Yên để xây dựng hệ thống căn cứ quân sự, trong đó có núi Mỏ Thổ, xã Minh Đức.
Nằm trên đỉnh núi, đồn Mỏ Thổ có vị trí rất quan trọng, nằm án ngữ con đường từ Bắc Ninh lên Yên Thế, kiểm soát cả một vùng rộng lớn và là nơi sĩ quan Pháp cùng mật thám họp bàn cách đánh phá cách mạng. Địch còn xây dựng các làng xung quanh nơi đóng quân thành cơ sở tề ngụy, đồng thời tăng cường chỉ điểm, càn quét bắt giữ, tra tấn cán bộ, đảng viên. Chúng sử dụng các tổ chức do thám với ý đồ tăng cường xâm nhập vào vùng du kích, vùng tự do hoạt động.
Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân đang được xây dựng trên núi Mỏ Thổ - nơi nữ điệp báo chiến đấu và hy sinh. |
Để đối phó, Ty Công an tỉnh Bắc Giang đã thành lập các tổ điệp báo. Do hoạt động tích cực, dũng cảm, mưu trí, đầu năm 1950, nữ điệp báo Nguyễn Thị Được (SN 1925), ở xã Cương Lập, huyện Yên Thế (nay là thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên) đã được tổ chức tin tưởng phân công vào tổ Điệp báo Sao Chổi mang bí danh Cao Kỳ Vân.
Ngày 2/2/1950, thực hiện Chỉ thị “Tổng phá tề, diệt bảo an” của Tỉnh ủy Bắc Giang, Ty Công an giao nhiệm vụ cho tổ Điệp báo Sao Chổi phối hợp với các huyện, xã hoạt động chống tề, diệt gian. Sau khi được huấn luyện nghiệp vụ, đồng chí Cao Kỳ Vân về vùng địch tạm chiếm tại xã Minh Đức.
Để che mắt địch, chị làm con nuôi của một gia đình ngay dưới chân bốt Mỏ Thổ. Hằng ngày, nữ điệp báo bán quán để dò la tin tức hoặc cải trang làm người đi cắt cỏ, bắt cua, mò ốc qua đó làm quen với binh lính, nắm bắt tình hình của địch. Những thông tin thu thập được gửi về giúp đơn vị có kế hoạch ngăn chặn các cuộc càn quét của địch cũng như có biện pháp di chuyển lực lượng, giúp nhân dân sơ tán tránh thiệt hại.
Được cơ sở báo cáo địch sẽ có cuộc họp quan trọng tại đồn Mỏ Thổ với sự tham dự của tên quan ba người Pháp và mật thám, tề ngụy nhằm tổ chức càn quét, phá các cơ sở du kích, uy hiếp phong trào kháng chiến, đơn vị đã phân công Cao Kỳ Vân xâm nhập vào đồn Mỏ Thổ để tiêu diệt địch.
Ngày 1/5/1950, được tổ quân báo dẫn đường và yểm trợ, chị giả làm người bắt cua giấu 2 quả lựu đạn trong giỏ lọt vào đồn, ném lựu đạn tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Khi rút lui, nữ điệp báo bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng chị quyết không khai báo nên ngay hôm đó, địch đã xử tử chị.
Ân sâu nghĩa nặng
Nữ điệp báo hy sinh khi mới 25 tuổi nhưng sự mưu trí, anh dũng, bất chấp hiểm nguy đột nhập vào đồn địch tiêu diệt giặc Pháp đến nay vẫn được người dân địa phương nhắc đến đầy tự hào, cảm phục. Tấm gương chiến đấu quật cường đó đã tô đậm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, của người chiến sĩ Công an nhân dân Bắc Giang. Ngày 22/7/1998, Chủ tịch nước quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Cao Kỳ Vân.
Để tri ân nữ anh hùng, UBND xã Minh Đức phối hợp với Công an tỉnh vận động xã hội hóa xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân gồm đền thờ, nghi môn, nhà bia, tả vu, hữu vu. Các hạng mục đang được khẩn trương thi công, dần hiện hữu khang trang giữa núi rừng xanh tươi. Đường lên, xuống men theo sườn núi được nâng cấp, cải tạo. Công trình sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. |
Thi thể người anh hùng đã hòa vào đất núi Mỏ Thổ và được người thân bốc phần đất đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cao Thượng (Tân Yên). Tại huyện Tân Yên và TP Bắc Giang đều có con đường mang tên Cao Kỳ Vân.
Đặc biệt lưng chừng núi Mỏ Thổ thuộc thôn Bãi Bằng, xã Minh Đức, nơi nữ điệp báo chiến đấu và hy sinh lâu nay được nhiều người địa phương đến thăm viếng. Trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt, giờ đây cuộc sống người dân dưới chân núi đã ấm no, diện mạo nông thôn ngày càng tươi sáng.
Để tri ân nữ anh hùng, UBND xã Minh Đức phối hợp với Công an tỉnh vận động xã hội hóa xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cao Kỳ Vân gồm đền thờ, nghi môn, nhà bia, tả vu, hữu vu. Các hạng mục đang được khẩn trương thi công, dần hiện hữu khang trang giữa núi rừng xanh tươi.
Đường lên, xuống men theo sườn núi cũng được nâng cấp, cải tạo phong quang. Công trình sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Từ đây đi lên đỉnh núi sẽ đến dấu tích khu đồn bốt của giặc Pháp năm xưa nay đã khuất lấp trong bạt ngàn cây lá.
Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức, khu tưởng niệm có tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng là sự đóng góp tri ân của cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với sự dũng cảm hy sinh vì quê hương đất nước của nữ điệp báo Cao Kỳ Vân. Đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ không quên một thời máu lửa của dân tộc.
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)