Di tích và danh thắng chùa Bổ Đà
Việt Yên là huyện trung du của tỉnh Bắc Giang, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học khoa cử ở xứ Kinh Bắc ngày xưa; là một trong những trung tâm của tổ chức làng xã, nơi mà lễ hội đã trở thành truyền thống. Toàn huyện có hơn 100 lễ hội như: Hội đình, hội đền, hội nghè, hội chùa, hội chạ, hội hát, hội chợ... Nhân dân Việt Yên đã duy trì sinh hoạt, bảo tồn lưu giữ các loại hình văn hóa dân gian.
Một trong những lễ hội tiêu biểu là hội Bổ Đà. Nơi đây có chùa Bổ Đà nằm trong quần thể các di tích phật giáo. Phạm vi không gian của lễ hội là hệ thống ba đền thờ Thạch Linh Thần tướng như đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, trải dài khoảng 2 nghìn m, dọc núi Bổ Đà thuộc địa phận hai thôn Hạ Lát và Thượng Lát xã Tiên Sơn. Hệ thống đền này là truyền tích nơi sinh ra Thạch Tướng quân, lớn lên đánh giặc Man Khấu, thắng giặc quay về lên đỉnh núi Phượng Hoàng, bay hóa về trời ngày 12-9.
Hệ thống hai chùa thờ phật là chùa Quan Âm (chùa Bổ Đà) và chùa Tứ Ân. Các di tích như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Quan Âm, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi, đình Thượng Lát, đình Hạ Lát, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, chùa Núi Đất, chùa Núi Lùn, đền Can Vang, đình Ngự... nằm xen lẫn trong hệ thống thiết chế của lễ hội Bổ Đà.
Các công trình tôn giáo - tín ngưỡng có quy mô to nhỏ khác nhau nhưng đều dựa vào núi Bổ Đà nằm ở bờ Bắc Sông Cầu, thuộc vùng đất Tây Nam tỉnh Bắc Giang. Tất cả các di tích ở quần thể lễ hội Bổ Đà, trong những ngày hội đều mở cửa, cắm cờ đại, cờ ngũ hành rực rỡ. Trên núi, dưới làng đều dập dìu những tốp người quần áo đẹp đẽ, đủ màu sắc về trẩy hội. Yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố phật giáo với những đặc điểm riêng biệt, truyền tích xuất phát riêng, nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh sắc tươi đẹp cho toàn vùng được duy trì giữ hội trong suốt nhiều thế kỷ, đây là vẻ đẹp độc đáo của của lễ hội Bổ Đà.
Vào những ngày xuân ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ. Tiếng trống phách rộn ràng thôn xóm. Dân làng trong xã chuẩn bị cho tế lễ ở đền Hạ và tổ chức lễ rước từ đền Hạ lên đền Trung để bái vọng lên đền Thượng. Do đó ở đền Hạ không khí rất tưng bừng, náo nhiệt. Đền Hạ nơi thờ thánh mẫu, trước đây vốn là một cái ao nhỏ có ba hòn đá lớn, một hòn có dấu bàn tay, tương truyền là thánh mẫu để lại khi sinh ra Thạch Tướng Quân. Trên một khối đá có xây miếu nhỏ để thờ phụng. Hiện nay ở khu vực này xây một tòa lớn mái cong, chồng diêm tám mái để hội họp tế lễ. Sáng 17 đoàn rước cử hành từ đền Hạ lên đền Trung. Đám rước được sự phối hợp tham gia giữa nhà chùa với dân làng nên đoàn rước khá sôi nổi, rầm rộ. Đoàn rước đi qua đình Hạ Lát, chùa Linh Chi, chùa Núi Đất rồi lên đền Trung. Kiệu và rước đóng tại đền Trung để dân làng làm lễ bái vọng lên đề Thượng. Sau lễ này là lễ hoàn cung. Còn khách thập phương tiếp tục cùng dân làng lên núi thắp hương ở đền Thượng và tiến lễ cúng phật ở chùa Quan Âm và chùa Tứ Ân.
Trong 3 ngày hội, khu vực này diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao ở các thôn xóm. Đặc biệt là khu vực Bổ Đà có tổ chức hát quan họ thu hút các ''liền anh, liền chị'' ở Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương đến tham gia.
Một số hình ảnh về di tích chùa Bổ Đà:
Một góc khu di tích chùa Bổ Đà. |
Du khách vãn cảnh chùa. |
Khu vườn tháp tại chùa Bổ Đà. |
Du khách nghe giới thiệu về lịch sử chùa Bổ Đà. |
Mộc bản chùa Bổ Đà vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. |
Liền anh, liền chị giao lưu quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà. |
Hoàng Thương
Ý kiến bạn đọc (0)