Dấu mốc ra đời tên huyện Việt Yên
Về lịch sử huyện Việt Yên, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 19 ghi chép như sau: “Xưa là huyện Yên Việt. Thời thuộc Minh do châu Bắc Giang lãnh, lệ vào phủ Bắc Giang. Đời Lê Quang Thuận lệ vào phủ Bắc Hà. Bản triều, đầu đời Gia Long cũng theo như thế. Đầu đời Minh Mạng đổi tên như hiện nay”.
Mộc bản bìa sách Đại Nam nhất thống chí, trong bộ sử này có ghi về thời gian xuất hiện danh xưng huyện Việt Yên. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. |
Huyện Việt Yên được thành lập vào tháng 7, mùa thu, năm Canh Thìn (1820), dưới triều vua Minh Mạng. Ban đầu, huyện còn có tên là huyện Yên Việt. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 35 cũng khắc ghi sự việc như sau: “Gia Long năm đầu (1820) đặt làm trấn Kinh Bắc, có 4 phủ, 20 huyện: phủ Từ Sơn lĩnh 5 huyện:
Tiên Du, Vũ Giàng, Quế Dương, Đông Ngàn, Yên Phong; phủ Bắc Hà lĩnh 4 huyện: Thiên Phúc, Hiệp Hòa, Kim Hoa, Yên Việt; phủ Thuận An lĩnh 5 huyện: Lang Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại; phủ Lạng Giang lĩnh 6 huyện: Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhân, Lục Ngạn. Nhà vua Minh Mạng năm 1820 đổi huyện Yên Việt thành huyện Việt Yên”.
Như vậy, theo các bộ chính sử triều Nguyễn, đặc biệt là Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì vào năm Canh Thìn (1820) là thời gian xuất hiện danh xưng huyện Việt Yên. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển không ngừng của huyện Việt Yên trong suốt 200 năm qua.
Có thể nói, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn khắc ghi thời gian xuất hiện danh xưng huyện Việt Yên có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử địa phương, đặc biệt là nhớ về cội nguồn, tự hào về bề dày truyền thống của huyện.
Thơm Quang
Ý kiến bạn đọc (0)