Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh
Nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành
TP Bắc Giang có 54 trường học (49 trường công lập, 5 trường mầm non tư thục) và 87 cơ sở mầm non độc lập, tư thục. Trong đó có hơn 13,3 nghìn trẻ mầm non, hơn 19 nghìn học sinh tiểu học, gần 12,4 nghìn học sinh THCS. Toàn TP có 34 trường tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.
Thời gian qua, các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt. Bên trong được chia thành nhiều khu riêng biệt như: Khu vui chơi giải trí, khu học tập (phòng học), khu phục vụ sinh hoạt (phòng vệ sinh...), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho lưu trữ...), nhà xe. Có trường còn có khu bán trú riêng cho học sinh.
Giáo viên, học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang) tìm hiểu về cấu tạo xe chữa cháy. Ảnh: Tuyết Mai. |
Đặc thù của trường học trên địa bàn TP Bắc Giang đa số có nhà dân xây dựng và sinh sống xung quanh, trong khi trường là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ. Để duy trì việc học tập cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Bên cạnh đó, một số nguy cơ khác như do sơ suất trong việc dùng lửa để nấu ăn, thực hành thí nghiệm, đốt rác. Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học, học sinh hay tò mò, đùa nghịch, có thể gặp nguy hiểm khi vui chơi gần nguồn điện, lửa. Việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt, khả năng gây cháy cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức PCCC, thời gian qua, ngành giáo dục TP Bắc Giang đã tích cực, chủ động trong PCCC. Đầu năm học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Công an TP tổ chức diễn tập, trang bị kiến thức PCCC, CNCH cho cán bộ quản lý, tổng phụ trách các trường tiểu học, THCS và hơn 2 nghìn học sinh tại Trường Tiểu học Dĩnh Kế.
Với hình thức tuyên truyền sinh động, chiến sĩ cảnh sát đã giúp cán bộ, giáo viên và học sinh làm quen với trang thiết bị, phương tiện PCCC; học phương pháp phòng vệ đơn giản, kỹ năng cơ bản để giải cứu bản thân thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra; làm quen với bình chữa cháy. Điểm đổi mới của chương trình tại Trường Tiểu học Dĩnh Kế là đã dành phần lớn thời gian cho thực hành trải nghiệm, tạo sự hào hứng, sôi nổi cho các em học sinh.
Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh). Tại đây, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của lực lượng cảnh sát, các em được thực hành kỹ thuật sử dụng dây CNCH để thoát nạn từ tầng cao xuống mặt đất khi có cháy nổ xảy ra; di chuyển thoát nạn trong môi trường khói khí độc; sử dụng vòi nước, bình chữa cháy; kỹ thuật sơ cấp cứu cho người bị nạn khi gặp tình huống ngừng thở, hóc dị vật, gãy tay, gãy chân...
Lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động
Cụ thể hóa Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND TP Bắc Giang xây dựng kế hoạch triển khai. Đồng thời yêu cầu các trường thực hiện tốt nhiệm vụ trang bị kiến thức PCCC, CNCH cho học sinh.
Thực hành sử dụng bình chữa cháy cho học sinh Trường Tiểu học Dĩnh Kế. |
Các trường học đã lồng ghép kiến thức về PCCC vào giờ học chính khóa, sinh hoạt dưới cờ, tập huấn, hoạt động ngoại khóa. Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đã phối hợp, tổ chức các hình thức tuyên truyền, trang bị kiến thức an toàn PCCC cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Với học sinh mầm non, hoạt động chủ yếu là thông qua giáo dục trực quan bằng những hình ảnh minh họa để các em nhận biết nguy cơ, cách phòng tránh.
Năm học 2022 - 2023, các trường học trên địa bàn TP đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục trang bị kiến thức PCCC và CNCH cho hơn 44 nghìn lượt học sinh và hơn 1,8 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. |
Đối với giáo dục tiểu học, THCS, kiến thức PCCC và CNCH được tuyên truyền lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, kết hợp chơi mà học..., qua đó giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ, thực hiện. Hoạt động này được ủng hộ, có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng PCCC.
Một số trường tích cực phối hợp tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh trực tiếp tham quan, thực hành tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH như: Tiểu học Dĩnh Kế, Mầm non Ngô Quyền, Mầm non Trần Nguyên Hãn, Mầm non Song Khê, THCS Nguyễn Khắc Nhu.
Ngành giáo dục nhận thức rõ, ngoài việc giảng dạy, trau dồi kiến thức phải trang bị kiến thức và kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho học sinh; điển hình là kỹ năng cơ bản về PCCC, thoát nạn khi có cháy nổ. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tích cực về PCCC và CNCH cho gia đình.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát PCCC, công tác PCCC trong các nhà trường đã có chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức, thực hành kỹ năng. Từ đó, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh có thể tự bảo vệ chính mình và cộng đồng, góp phần giảm thiểu nguy cơ cũng như thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền về kỹ năng PCCC và CNCH; rà soát, bảo đảm các yếu tố an toàn PCCC tại đơn vị.
Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố
Ý kiến bạn đọc (0)