TP Bắc Giang khai thác lợi thế của thương mại dịch vụ
Dịch vụ đa dạng, tiện ích
Tỷ trọng TM-DV đang chiếm 48% trong cơ cấu kinh tế của TP. Lĩnh vực này gần đây được đánh giá phát triển đa dạng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, hàng hóa phong phú chủng loại, chất lượng từng bước được nâng cao và mang lại nhiều tiện ích người tiêu dùng.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Vinmart trên đường Nguyễn Thị Lưu. |
Đến nay, TP có hơn 11,5 nghìn doanh nghiệp, cơ sở cá thể hoạt động trong lĩnh vực TM-DV, tăng gần 2,9 nghìn cơ sở so với năm 2015. Trên địa bàn đã quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động khá nhiều trung tâm dịch vụ, thương mại, siêu thị như: Siêu thị Hapro, Nhà khách tỉnh, Trung tâm tiệc cưới Đại Hoàng Sơn, Khách sạn Ravatel, một số khu chợ và khu vui chơi dành cho trẻ em không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân mà còn góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị.
Trong đó, Trung tâm Tiệc cưới Đại Hoàng Sơn tại đường Hùng Vương được nhiều người đánh giá có không gian sang trọng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện, tiệc cưới với dịch vụ cao cấp. Năm 2019, với sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị: Vinmart, M-Market và một số cửa hàng tiện ích đánh dấu sự phát triển mạnh của hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP.
Trong đó, chuỗi siêu thị Vinmart gồm 16 cửa hàng bán các loại thực phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, quần áo, giày dép… phân bố tại các phường, xã tạo thuận lợi cho người dân mua sắm. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ quản lý Hệ thống siêu thị Vinmart Bắc Giang, hằng ngày, mỗi cửa hàng của Vinmart tại TP Bắc Giang thu hút khoảng 150-200 khách hàng mua sắm, tập trung vào cuối buổi, cuối ngày. Trong năm nay, Vinmart Bắc Giang tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến khai trương thêm ba cửa hàng tại TP.
Những năm gần đây, công tác xúc tiến thương mại được chú trọng, góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường, tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thương mại năm 2019 đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2015. Giá trị sản xuất TM - DV ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân trong 5 năm (2015-2019) là 18,9%/năm.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ổn định hoạt động
Mặc dù có bước phát triển, lĩnh vực TM-DV hiện chưa tương xứng với tiềm năng, mới chỉ đáp ứng nhu cầu người dân tại địa bàn. Tại TP còn thiếu dịch vụ chất lượng cao, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách nhiều nơi đến TP. TP chưa có tuyến phố chuyên doanh, chưa phát triển dịch vụ ăn uống, vui chơi ban đêm; thiếu khu vui chơi, giải trí hiện đại dành cho giới trẻ.
Các chợ trên địa bàn hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Hệ thống nhà hàng, khách sạn còn ít, nhất là thiếu khách sạn, nhà hàng cao cấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách quốc tế khi có sự kiện lớn diễn ra tại địa bàn tỉnh, TP. Vì vậy nhiều khách tỉnh ngoài hay quốc tế thường không lựa chọn TP Bắc Giang để ăn uống, nghỉ ngơi mà tìm đến các TP lân cận.
Thời điểm này, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động TM-DV của TP Bắc Giang cũng trầm lắng. Thực hiện quy định cách ly toàn xã hội, ngoài cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu, hầu hết cửa hàng, quán ăn, dịch vụ vui chơi, giải trí, làm đẹp tạm ngừng hoạt động; các chợ thu hẹp hoạt động; một số khách sạn được trưng dụng để phục vụ cách ly phòng, chống Covid-19.
Theo ông Trần Văn Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế TP, thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP, cùng với việc tập trung cao phòng, chống dịch, Phòng Kinh tế đang rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đơn vị tiếp tục ổn định hoạt động sau khi hết dịch. Trước mắt, khuyến khích phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch hiện nay.
Về lâu dài TP sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng TM-DV gắn với quy hoạch. Trong đó hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành và phát triển dịch vụ Logistics, xây dựng TP Bắc Giang là trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống chợ, trung tâm thương mại, khách sạn gắn với phát triển thị trường bán lẻ, dịch vụ chất lượng cao; quy hoạch một số khu vực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế ban đêm như phố đi bộ, chợ đêm.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã có thương hiệu gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của TP. TP tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hút nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án TM-DV cao cấp, hiện đại.
Hiện các nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại tại đường Nguyễn Văn Cừ; dự kiến nơi đây sẽ được quy hoạch tuyến phố đi bộ, cung cấp những dịch vụ, sản phẩm độc đáo, chất lượng cao.
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)