TP Bắc Giang chấn chỉnh vi phạm, đưa hoạt động y dược tư nhân vào nền nếp
Bán thuốc sai quy định
Hiện nay, tình trạng phổ biến ở những cơ sở YDTN trên địa bàn là bán thuốc không theo đơn. Đến bất cứ hiệu thuốc nào cũng dễ dàng mua được thuốc từ chữa cảm cúm, viêm họng đến điều trị huyết áp, tim mạch mà không cần có đơn.
Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát thực hiện Luật Dược tại TP Bắc Giang. |
Ông Hoàng Văn Trung, phường Trần Nguyên Hãn cho biết: “Gần đây, tôi hay bị đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp nên ra hiệu thuốc trên đường Trần Nguyên Hãn hỏi mua thuốc giảm đau. Sau khi nghe tôi kể bệnh, chủ cửa hàng đo huyết áp cho tôi thấy cao (150mgHg /115mgHg) liền bán cho một vỉ thuốc bảo về uống sẽ đỡ.
Tôi làm theo nhưng sau một ngày vẫn không giảm mà còn thấy mệt mỏi hơn. Vào viện, bác sĩ khẳng định loại thuốc hạ huyết áp này không phù hợp và nhắc tôi không uống thuốc tùy tiện, không phải người này uống thấy đỡ thì cũng sử dụng được cho người khác”.
Một số chủ hiệu thuốc và cán bộ quản lý y tế trên địa bàn cho rằng, nhiều người thường ngại đi khám, khi thấy mỏi mệt, viêm họng, cảm cúm thường ra các hiệu mua vài liều thuốc về uống, nếu không đỡ thì chủ cửa hàng sẽ đổi sang loại khác.
Mặc dù theo quy định, người hành nghề y tư nhân không được vừa kê đơn, vừa bán thuốc song rất nhiều phòng khám tư nhân vi phạm. Chị Đỗ Thị Bình, xã Tân Tiến mỗi khi con nhỏ ốm thường đưa đến phòng khám chuyên khoa Nhi ở phường Hoàng Văn Thụ và được bác sĩ kê đơn đồng thời bán thuốc.
Chị chia sẻ: "Cháu nhà tôi tháng nào cũng phải đi khám vì hay bị viêm họng, cảm sốt. Đưa đến đây bác sĩ khám và bán thuốc luôn. Giá thuốc tuy cao hơn ngoài nhưng vì nể nên tôi mua và nhiều loại trong đơn cũng khó tìm bên ngoài”.
Tình trạng này cũng thường thấy ở nhiều phòng khám chuyên khoa mắt đường Lê Lợi; da liễu đường Nguyễn Thị Lưu, Hùng Vương, các phòng khám chuyên khoa Nhi trên địa bàn phường Dĩnh Kế, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi.
Người dân mua thuốc tại hiệu thuốc trên đường Lê Lợi. |
Qua hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng các cấp và nắm bắt thực tế, không chỉ phổ biến tình trạng bán thuốc không theo đơn, bác sĩ bán thuốc tại nhà, tại một số cơ sở, hồ sơ, thủ tục đã quá hạn, ghi chép, cập nhật thông tin không kịp thời, thiếu đầy đủ; rác và nước thải không được xử lý đúng quy định; cơ sở làm đẹp thực hiện các phần việc vượt quá giới hạn được phép; bác sĩ không mặc trang phục nghề khi khám bệnh; không niêm yết giá dịch vụ.
Đáng lo ngại, bác sĩ phòng khám mắt tự pha chế thuốc điều trị; nhiều cán bộ y tế còn làm dịch vụ tiêm, truyền dịch, khám, bán thuốc tại nhà bệnh nhân. Tại một số phường, xã xuất hiện các tổ chức cá nhân quảng cáo quá mức và bán các loại thực phẩm chức năng như táo đỏ, sâm, tỏi đen, máy vật lý trị liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nâng hiệu quả quản lý
Được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nên những năm gần đây các cơ sở hành nghề YDTN trên địa bàn TP tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập. Hiện TP có 319 cơ sở hành nghề YDTN được cấp phép hoạt động, trong đó nhiều cơ sở hoạt động đúng quy định, ứng dụng kỹ thuật cao, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Năm nay, lực lượng chức năng TP Bắc Giang sẽ kiểm tra khoảng 90% cơ sở hành nghề YDTN được cấp phép hoạt động cùng với các cơ sở không phép. Nội dung kiểm tra tập trung vào giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề; việc chấp hành quy chế chuyên môn, phạm vi hoạt động, giá thuốc và dịch vụ khám, chữa bệnh. |
Tuy nhiên, không ít cơ sở vẫn còn những hạn chế, thậm chí vi phạm chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời. Theo Phòng Y tế TP, nguyên nhân do lực lượng cán bộ phụ trách mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên khó kiểm tra thường xuyên. Nhất là hơn 1 năm qua, phải tăng cường lực lượng để phòng, chống dịch Covid-19.
Để chấn chỉnh vi phạm, UBND TP Bắc Giang vừa triển khai kế hoạch quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập. Trong đó tiến hành công khai danh sách các cơ sở đã được cấp phép, các vi phạm trong quá trình cung cấp dịch vụ và hình thức xử phạt trên hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân được biết, kiểm tra, giám sát.
Yêu cầu các phường, xã tăng cường vai trò quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; thường xuyên thống kê, rà soát các cơ sở trên địa bàn để nắm bắt, phát hiện kịp thời cơ sở không phép qua đó báo cáo và phối hợp kiểm tra, đình chỉ hoạt động. Các đơn vị truyền thông, đài truyền thanh phường, xã không phát quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không đúng nội dung chuyên môn đăng ký của các cơ sở YDTN.
Thực hiện chỉ đạo, Phòng Y tế TP phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các phường, xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo ông Chu Văn Chung, Trưởng phòng Y tế TP, năm nay các đơn vị sẽ kiểm tra khoảng 90% cơ sở hành nghề YDTN được cấp phép hoạt động cùng với các cơ sở không phép, đặc biệt tập trung vào các cơ sở hành nghề thẩm mỹ, nha khoa.
Nội dung kiểm tra chú trọng là giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề; việc chấp hành quy chế chuyên môn, phạm vi hoạt động, giá thuốc và dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của phường, xã đối với hoạt động YDTN. Tổ chức hội, đoàn thể các cấp của TP không phối hợp với các đơn vị, cá nhân trong việc quảng cáo hành nghề y, dược ngoài công lập, kinh doanh thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế. Ban lãnh đạo thôn, tổ dân phố nâng cao trách nhiệm nắm bắt và thông tin kịp thời với lực lượng chức năng về các hoạt động YDTN vi phạm tại cơ sở.
Bài, ảnh: Quế Thương
Ý kiến bạn đọc (0)