Phát triển đô thị TP Bắc Giang: Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội
Nghị quyết số 233-NQ/TU, ngày 25/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 233) xác định xây dựng Đề án sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang, điều chỉnh quy hoạch chung TP Bắc Giang mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025.
Đường Nguyễn Văn Cừ được đầu tư mở rộng. |
Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Bắc Giang tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, chương trình, đề án làm căn cứ mở rộng địa giới hành chính và phân loại đô thị Bắc Giang mở rộng. Trong đó ưu tiên chỉ đạo, lập kế hoạch chi tiết nội dung công việc và thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất. Quá trình triển khai, TP thường xuyên cùng các ban, ngành tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành T.Ư để tổ chức hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết: “Điều thuận lợi đó là đô thị Bắc Giang mở rộng dựa trên TP Bắc Giang hiện hữu đã đạt tiêu chí đô thị loại II năm 2014, hiện các tiêu chí đã tiệm cận đô thị loại I. Mặt khác, năm 2018, Bộ Xây dựng đã đánh giá 6 xã ngoại thành của TP có trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí phường; khi mở rộng sang phía huyện Yên Dũng đang trên đà phát triển có 2 đô thị hạt nhân là thị trấn Tân An và thị trấn Nham Biền. Thời gian qua, TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng đã tập trung phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng làm tiền đề trong việc kết nối, liên kết không gian và đạt các tiêu chí của đô thị loại II sau khi sáp nhập”.
UBND TP Bắc Giang đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Yên Dũng tổ chức lập Đề án phân loại đô thị mở rộng theo tiêu chí đô thị loại II. Đến nay, đô thị Bắc Giang đã đạt 91,18/100 điểm, cao hơn so với quy định (đạt 5/5 tiêu chí và có 61/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối thiểu trở lên). Hiện UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định Đề án phân loại đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận. Bộ Xây dựng đang xem xét hồ sơ và lập hội đồng thẩm định liên bộ, ngành đi khảo sát thực tế theo quy định.
Hiện nay, nhiều tuyến đường ở TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng có tính chất kết nối vùng được mở mới với quy hoạch đồng bộ vỉa hè, cây xanh, đèn chiếu sáng; các khu dân cư thương mại khang trang, hiện đại. Anh Đỗ Văn Hoàn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) phấn khởi khi thấy quê hương ngày càng đổi mới. Anh mong muốn, TP sau khi mở rộng sẽ phát triển đồng bộ khu nội thành cũ và đô thị mới; tiếp tục có thêm nhiều khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí hiện đại trên địa bàn.
Bên cạnh những thuận lợi, TP Bắc Giang cũng gặp khó khăn bởi đang trong giai đoạn phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, nhất là công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, môi trường. Đề án thực hiện ở 2 địa phương trong thời gian chưa sáp nhập nên cũng gặp nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần nguồn lực rất lớn trong khi nguồn vốn bố trí đầu tư hằng năm còn hạn chế.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, kinh nghiệm của TP Bắc Giang là chủ động phối hợp với huyện Yên Dũng bám sát quy hoạch thực hiện các nội dung của Đề án phân loại đô thị. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. Tranh thủ các nguồn vốn của T.Ư, tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác để đầu tư các công trình hạ tầng đô thị. Hướng tới mục tiêu xanh hóa đô thị, UBND TP Bắc Giang đầu tư hệ thống cây xanh và công viên đồng bộ.
Giai đoạn 2021-2023, TP đã kêu gọi triển khai cải tạo, thay thế cây xanh tại 16 tuyến đường, phố chính và công viên với hơn 3,2 nghìn cây, kinh phí khoảng 20,7 tỷ đồng bằng hình thức xã hội hóa. Hiện tỷ lệ đất cây xanh bình quân trên địa bàn TP đạt khoảng 17,07 m2/người. Trong năm 2024, TP Bắc Giang tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Cải tạo, mở rộng đường Thân Nhân Trung (đoạn từ cầu Mỹ Độ đến Trường THCS Mỹ Độ); cải tạo, mở rộng đường Lê Duẩn đoạn qua tổ dân phố Thanh Lương, phường Dĩnh Kế...
Sau khi sáp nhập, TP sẽ tập trung ổn định tổ chức bộ máy; tiếp tục phát triển đô thị theo hướng xanh - thông minh, phấn đấu hoàn thành tiêu chí đô thị loại I trước năm 2030. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung gắn với hạ tầng xã hội bảo đảm sự kết nối liên hoàn giữa khu vực đô thị hiện tại và khu mới mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Xây dựng đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; khắc phục những hạn chế của các khu đô thị hiện hữu như hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, ngầm hóa dây dẫn. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị, dự án nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị... nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm tài chính, ngân hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch.
Bài, ảnh: Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)