Cái rãnh thoát nước
Tôn tạo, rải đường, lát lại hè, bó vỉa, trồng mới cây xanh, hạ ngầm hệ thống dây dẫn…; với các hạng mục, công trình này, quá trình đang thi công, thậm chí khi đơn vị thi công đã rút đi, từng có những ý kiến mang tính xây dựng của nhân dân về cung cách, trách nhiệm của nhà thầu, của những người trực tiếp thi công, của cơ quan chức năng quản lý nhà nước, yếu tố kỹ thuật, mỹ quan, vệ sinh, hiệu quả vận hành sử dụng.
Nhiều điểm đã được tiếp thu, rút kinh nghiệm, khắc phục, bảo đảm cho công trình được tốt hơn, cảnh quan đẹp hơn. Tuy vậy, có một hạn chế người dân góp ý song việc khắc phục chưa được triệt để.
Đó là tình trạng ở một số tuyến phố, sau khi được cải tạo, rãnh thoát nước hai bên lề đường có những đoạn bị võng trũng thấp hơn cả miệng hố thu nước, sau mỗi đợt mưa lớn, mưa nhỏ nước không thoát hết. Hoặc cùng một đoạn phố, có lẽ do kỹ thuật, chất lượng tay nghề thi công của các tốp thợ khác nhau dẫn tới bên thì thoát ráo, bên bị trũng, đọng.
Nước mưa, nước của các hộ dân trong quá trình sinh hoạt, xả rửa phần hè phố trước nhà chảy ra không thoát được đọng lại cùng với bụi bẩn khiến cảnh quan, vệ sinh đường phố bị ảnh hưởng. Lâu ngày, tình trạng này kéo dài có thể khiến công trình nhanh xuống cấp, giảm tuổi thọ. Ở các tuyến đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Lưu, Lê Lợi… đều có thể bắt gặp tình trạng này. Cùng đó là việc thi công cẩu thả nên có những chỗ lớp vữa láng rãnh bị bong tróc nham nhở chỉ sau khi cải tạo được ít lâu.
Người dân TP, nhất là những hộ dân sống ở mặt đường những tuyến phố này mong rằng cơ quan chức năng của TP quan tâm rà soát, yêu cầu nhà thầu khắc phục ở những chỗ đang tồn tại. Với những khu vực đang hoặc sắp cải tạo, nâng cấp, ngay từ đầu cần tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thi công; đánh giá, nghiệm thu chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng và chất lượng cũng như hiệu quả khai thác, vận hành, sử dụng công trình.
Thành Ý
Ý kiến bạn đọc (0)