Thương binh Trần Văn Tình: Ý chí chiến thắng thương tật
Thương binh Trần Văn Tình chăm sóc vườn cây ăn quả. |
Năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng trai Trần Văn Tình nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào thời kỳ ác liệt, ông được giao nhiệm vụ trinh sát pháo binh trên mặt trận các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.
Những năm tháng trong “mưa bom bão đạn” ấy, dù may mắn hơn nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường nhưng ông vẫn mất đi một phần cơ thể. Hai lần bị thương là hai lần người lính ấy trải qua phẫu thuật, trong đó một lần cắt bỏ bàn tay trái. Sau thời gian dài điều trị, năm 1977, ông Tình trở về quê hương với mong muốn cùng vợ lo cho các con khôn lớn, trưởng thành, xây dựng gia đình ấm no.
Nhắc đến ngày đầu về lại quê nhà, ông Tình xúc động: “Dù được phục hồi chức năng nhưng việc mất một bàn tay khiến sinh hoạt, lao động sản xuất của tôi gặp không ít trở ngại. Hơn nữa, bố mẹ cho hai vợ chồng tôi ra ở riêng chỉ với mảnh đất nhỏ đủ dựng nhà, thiếu vốn, phương tiện sản xuất, con nhỏ… nên khó khăn chồng chất”. Mỗi lần vết thương tái phát, nỗi đau đớn trên thân thể tưởng như đánh gục mọi hy vọng nhưng với tinh thần kiên cường, không lùi bước trước gian nan, ông vững vàng đối diện và từng bước chiến thắng thử thách. Từ đó, cựu chiến binh Trần Văn Tình cùng vợ là bà Nguyễn Thị Mùi (SN 1950) cần mẫn làm lụng trên mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình.
Khi nông nhàn, ai thuê gì ông làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống. Tích lũy có chút lưng vốn, năm 1989, ông nhận thầu 1,1 ha đất đồi của xã để trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Cùng với vay vốn ngân hàng, rồi nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ để cải tạo, vợ chồng ông tự đóng gạch xây chuồng trại, gánh đất màu đổ gốc cây. Những lứa đầu thu hoạch nhãn, bưởi, ổi… dù chưa như mong đợi do thiếu kiến thức chăm sóc nhưng cựu binh Trần Văn Tình không nản chí. Ông tự mày mò trong sách, báo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm của những mô hình tốt để áp dụng. Không ngại vất vả, ông đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chọn mua giống chuẩn. Đến nay, toàn bộ diện tích đồi của gia đình ông đã được phủ màu xanh bởi gần 400 gốc cây ăn quả, chủ yếu là bưởi; bên cạnh đó là dãy chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, ông Tình có điều kiện nuôi các con trưởng thành. Hiện 5 người con của ông đều có cuộc sống ổn định, trong đó, anh Trần Quang Tuấn (SN 1972) – con trai cả phục vụ trong quân đội, hiện đang công tác ở Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng).
Thành công trong phát triển kinh tế gia đình, thương binh Trần Văn Tình còn thường xuyên quan tâm giúp đỡ đồng đội và những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương bằng việc hỗ trợ vốn, tư vấn kỹ thuật sản xuất. Ghi nhận những nỗ lực, ý chí của người lính Cụ Hồ, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và các cấp hội cựu chiến binh, chính quyền địa phương tuyên dương người có công tiêu biểu.
Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)