Đẹp mãi tình thầy trò
Ông Lê Văn Hoài (phải) và học trò MiXay ngày hội ngộ. |
Thầy giáo Hoài và cậu học trò yêu âm nhạc
“Kim Tràng quê ta, cây Chăm pa nở hoa thơm ngát...
Việt – Lào, Hồ Chí Minh - Cay xỏn Phôm vi hẳn
Mối tình gắn bó sướng khổ có nhau.
Tình anh em Việt - Lào sống mãi bên nhau...”.
Trong căn nhà nhỏ, ông Hoài ngân nga những câu từ thiết tha trong bài hát “Tình anh em sống mãi” của nhạc sĩ Duang MiXay Likaya - người học trò của ông khi còn ở Trường Dân tộc miền núi T.Ư đóng tại xã Việt Lập (Tân Yên). Tuổi đã cao, giọng hát không còn khỏe khoắn nhưng cảm xúc ông gửi gắm vào từng lời ca vẫn chan chứa, dạt dào.
Mùa thu năm 1959, MiXay cùng hơn 100 học sinh Lào được sang Việt Nam học văn hóa. Ngày đó, MiXay mới 10 tuổi, là một trong những du học sinh nhỏ bé nhất trong đoàn. Vừa học văn hóa, MiXay còn thích ca hát và sáng tác. Đến năm 1961, do chiến tranh, MiXay cùng các du học sinh Lào chuyển tới học ở Trường Dân tộc miền núi T.Ư và được thầy giáo Hoài phụ trách môn Âm nhạc. “MiXay không giống như những học trò khác, cậu ấy tò mò tất cả những gì liên quan đến âm nhạc. Trong khi bạn bè đi chơi thì MiXay đến nhà tôi để nhờ thầy giải đáp những thắc mắc về tiết tấu, âm hưởng. Có sẵn đam mê lại chăm chỉ nên MiXay ngày càng tiến bộ. Nội dung xướng âm khó nhưng cậu ấy vẫn đạt điểm cao. Dịp nhà trường tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, MiXay phụ trách chỉ huy dàn hợp xướng, biểu diễn phục vụ các đại biểu của Lào và Việt Nam” - ông Hoài tự hào khi nói về học trò của mình.
Năm 1964, Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Trường Dân tộc miền núi T.Ư không tránh được bom đạn của kẻ thù. Không còn cơ sở vật chất, thầy và trò sơ tán về nhà dân thuộc các xã lân cận. Nhiều gia đình ở xã Cao Xá ủng hộ lương thực, thực phẩm, củi đốt và dành mấy gian nhà làm nơi dạy học. Khắc phục khó khăn, thầy và trò vẫn thi đua dạy tốt, học tốt. Thầy Hoài và học trò MiXay còn thường xuyên dàn dựng các tiết mục văn nghệ biểu diễn trước bà con để động viên kháng chiến, tin vào thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Ông Lê Văn Hoài cùng vợ xem lại những tấm ảnh, lá thư của học trò Duang MiXay Likaya gửi. |
Hội ngộ sau 40 năm
Sau vài năm gắn bó, năm 1967, các lưu học sinh Lào tạm biệt thầy cô, bè bạn huyện Tân Yên để chuyển về tỉnh Phú Thọ học tập. Họ lưu luyến chia tay và hẹn ngày gặp lại. Trước giờ chia xa, thầy Hoài và MiXay đã viết cho nhau bao dòng lưu bút, ngân nga những bài hát thắm thiết tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Thế nhưng do hoàn cảnh chiến tranh và khoảng cách địa lý, dù vẫn nhớ về nhau nhưng hai thầy trò bặt vô âm tín, không có cách nào để liên lạc.
Sau 40 năm biền biệt không tin tức, bất ngờ năm 2007, thầy và trò được hội ngộ tại nhà của thầy Hoài. Ông MiXay đã nhờ một số nhạc sĩ ở Hà Nội tìm hiểu, liên hệ giúp để tìm gặp lại thầy giáo của mình. Gặp lại nhau, thầy trò ôn lại bao kỷ niệm bên mái trường. Ông Hoài nói: “Nghe MiXay kể chuyện, tôi thêm tự hào về cậu học trò của mình. Giờ đây, MiXay đã là một nhạc sĩ với nhiều bản giao hưởng nổi tiếng, trong đó có bài “Hồng Hà - Cửu Long” nói về tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Lào”. Sau lần đó, hai thầy trò thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Nhiều dịp, MiXay mời ông Hoài sang Lào. Ông dành thời gian đưa thầy giáo của mình tham quan đất nước Triệu Voi. Tình thầy trò xuyên quốc gia đáng trân trọng hơn khi không chỉ MiXay mà nhiều lưu học sinh Lào ngày trước cũng tìm gặp ông Hoài để tri ân tấm lòng của người thầy.
Thư và đĩa nhạc ông MiXay gửi thầy giáo Hoài. |
Lần gần đây nhất, MiXay gửi thư và một số đĩa nhạc cho thầy Hoài. Trong thư, MiXay viết: “Thầy Lê Hoài kính mến! Em cảm ơn thầy đã giúp em hiểu về những nốt nhạc đầu tiên. Đi đâu, làm gì, em cũng không bao giờ quên công ơn của thầy. Em chúc thầy và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Em chúc cho mối tình Việt - Lào của chúng ta luôn gắn bó keo sơn, đời đời bền vững”.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)